Thứ tư, 22/06/2022 14:23

Tư duy, tầm nhìn, cơ hội, giá trị mới cho phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở tư duy, tầm nhìn, cơ hội, giá trị mới... Đây là nội dung tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 21/6/2022.

Tiềm năng cần “đánh thức”

ÐBSCL là 1 trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, bao gồm 13 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích khoảng 40.600 km2, chiếm 13% diện tích tự nhiên của cả nước. Là vùng đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Ðông Nam Á và thế giới; vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, do nguồn lực đầu tư vào vùng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Vì vậy, nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước đã tạo ra là tầm nhìn, tư duy mới cho sự phát triển thịnh vượng, đưa ÐBSCL trở thành nơi đáng sống trong tương lai. Là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, nên ĐBSCL cần được đầu tư để phát huy cao hơn về tiềm năng, lợi thế nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển của vùng và cả nước trong thời kỳ mới.

Tư duy mới

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL đã xác định các đột phá mang tính chiến lược. Cụ thể là: 1) Phát triển vùng ÐBSCL theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh, lấy “con người” làm trung tâm. 2) Biến thách thức thành cơ hội, “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”; chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ. Thay đổi tư duy về an ninh lương thực trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại phân vùng sản xuất dựa trên tài nguyên nước và thổ nhưỡng. Chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung cả về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị. Phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy liên kết vùng. “Tư duy mới” chính là sự chủ động kiến tạo phát triển vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, hài hòa, dựa trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường; lấy con người là trung tâm, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển văn hóa - xã hội và hệ sinh thái tự nhiên. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, an ninh biên giới, an ninh vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.

Tầm nhìn mới

Phát triển ĐBSCL nhanh và bền vững, hiện đại, sinh thái, văn minh, mang đậm đà bản sắc văn hóa. Đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư; các cộng đồng dân cư thịnh vượng và năng động; các hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng được bảo tồn và phát triển; khai thác, phát huy có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đưa vùng trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của quốc gia, khu vực và thế giới.

Cơ hội mới

Theo quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL, mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế, hệ thống đường ven biển, phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, trong đó chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tại và hệ thống cảng chuyên dùng đường thủy nội địa. Trong đó, tập trung triển khai tuyến đường bộ ven biển trở thành hành lang kinh tế thực thụ để đóng góp cho tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế vùng, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tuyến đường ven biển sẽ giúp sắp xếp lại dân cư vùng ven biển, mở ra không gian hướng biển, không gian phát triển kinh tế biển. Phát triển nông nghiệp là thế mạnh, vừa là cơ hội mới, vừa là là sứ mệnh của vùng ĐBSCL. Trong đó phát triển các sản phẩm chiến lược theo 3 trọng tâm: thủy sản, trái cây và lúa gạo theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo. Phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Song song đó là phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, với công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, gắn với kinh tế biển, kiểm soát tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển. Phát triển trên cơ sở gắn kết với khu vực đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng liên kết trong vùng, liên vùng, quốc tế để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.

Giá trị mới

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, để đạt mục tiêu phát triển toàn diện vùng ÐBSCL, tăng sức chống chịu cho vùng trước các cú sốc từ bên ngoài và giải quyết các thách thức nội tại, cần sự phối hợp giữa các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; đồng thời cần sự đồng hành của các tổ chức quốc tế để cung cấp nguồn lực tài chính và sự năng động chuyển đổi của doanh nghiệp, người dân ÐBSCL.

Các đại biểu mong muốn, vùng ĐBSCL từ chỗ phát triển dưới tiềm năng thành nơi đáng sống, năng động, thịnh vượng, là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch và nhà đầu tư. Đặc biệt, môi trường sống được tạo dựng bền vững, chất lượng sống của người dân được nâng lên gắn liền với bảo tồn tài nguyên và hệ sinh thái.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương vùng ÐBSCL cần tích cực triển khai Quy hoạch vùng ÐBSCL, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương. Tinh thần là quy hoạch phải đi trước một bước, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn, đồng thời tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển. Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt. Thủ tướng Chính phủ mong các đối tác, nhà khoa học, nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, chung sức, đồng lòng, đồng hành cùng Chính phủ trong các hoạt động phát triển ÐBSCL. Với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, trong thời gian tới, hy vọng vùng ÐBSCL sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá.

Lê Phạm Kiều Trang

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)