Chủ nhật, 19/06/2022 14:05

Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài

Ngày 18/6/2022, tại Trại thực nghiệm ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, Khoa Thủy Sản - Trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức hội thảo, tập huấn, giới thiệu “Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài” (CTU-RAS) trong khuôn khổ dự án “Mô hình trình diễn hệ thống nuôi trồng thủy sản tiên tiến cho đào tạo, nghiên cứu và phát triển” (DeMAASERD) và dự án “Đổi mới sáng tạo tôm Mê Kông” (MAIC-RAF) do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với các nhóm đối tác thực hiện.

CTU-RAS là mô hình mới đã được Khoa Thủy sản tập trung nghiên cứu và được triển khai thực tế với quy mô 1 ha tại Trại thực nghiệm của Trường trong 1,5 năm qua với 5 đợt nuôi tôm, với hệ thống tuần hoàn gồm 8 ao nuôi tôm và 8 ao xử lý, mật độ nuôi 300-350 con/m2, tỷ lệ sống của tôm trên 85%, năng suất 35-55 tấn/ha/vụ. 

Theo các chuyên gia, điểm mới và tiên tiến quan trọng của mô hình này là lần đầu tiên được ứng dụng cho nuôi tôm thương phẩm, gồm: hệ thống nuôi tuần hoàn kín, có hệ thống lọc sinh học gồm đa loài thủy sản, kết hợp lọc sinh học bằng giá thể chuyển động; cho tôm ăn bổ sung bí đỏ, thay thế một phần thức ăn công nghiệp, qua đó giúp môi trường nước được ổn định, giảm thiểu sử dụng hóa chất; tái sử dụng nước hoàn toàn,  hạn chế thải chất thải...

Chương trình tập huấn gồm: (i) tham quan giới thiệu mô hình nuôi tôm CTU-RAS đang triển khai tại Trại thực nghiệm và (ii) báo cáo, trao đổi các kết quả ứng dụng mô hình CTU-RAS thời gian qua, vấn đề mới, tiên tiến và đề xuất hợp tác ứng dụng rộng rãi mô hình vào sản xuất.

Nguyễn Thị Bích Ngọc

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)