Thứ năm, 19/05/2022 16:22

Thị trường ứng dụng dành cho thiết bị di động tại Việt Nam tiếp tục nở rộ

Thị trường ứng dụng dành cho thiết bị di động tại Việt Nam đã có từ lâu, nhưng chỉ thực sự nở rộ và nhận được sự chú ý đầu tư trong khoảng 5 năm trở lại đây. Nếu trước đây, thị trường này bị “độc chiếm” bởi mảng game thì dự báo trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp sẵn sàng chi nhiều hơn để phát triển ứng dụng Mobile cho y tế, giáo dục, mua sắm, giải trí... Hòa nhịp với sự phát triển của thị trường này, sân chơi dành cho cộng đồng công nghệ và digital tại Việt Nam - “Vietnam Mobile Day” sẽ tiếp tục được tổ chức vào tháng 6 tới, sau thời gian gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, hứa hẹn mang lại những thời khắc đáng nhớ.

Thuê bao 5G sẽ là “xu hướng chủ đạo ở mọi khu vực”

Báo cáo di động mới nhất của Ericsson (Ericsson Mobility Report) phát hành tháng 11/2021 cho biết, năm 2027 sẽ là năm mà sự phát triển của 5G thực sự rõ ràng trên toàn cầu. Thuê bao 5G sẽ là “xu hướng chủ đạo ở mọi khu vực”, chiếm 49% tổng số thuê bao di động toàn cầu và đạt 4,4 tỷ thuê bao. Đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy mọi thứ có thể thay đổi nhanh như thế nào và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quan trọng như thế nào đối với xã hội. 5G đang bước vào một giai đoạn mới, không chỉ mang lại tiện ích mới cho người dùng mà thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp và cả ngành công nghiệp.

Sự phát triển về công nghệ, được hỗ trợ bởi mạng 5G sẽ mở rộng hệ sinh thái di động sang các ngành công nghiệp mới. Nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu được dự báo sẽ đạt giá trị 13,1 nghìn tỷ USD vào năm 2035. Phần lớn sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu sẽ được thúc đẩy bởi kết nối 5G và sự phát triển của thị trường công nghệ di động Việt Nam cũng sẽ không thể nằm ngoài xu hướng đó.

Cùng với sự phát triển và phủ sóng của công nghệ 5G, chiến lược đầu tư và tập trung phát triển, vận hành xoay quanh các thiết bị di động ngày càng trở thành trọng điểm tăng trưởng của các doanh nghiệp và toàn xã hội. Hơn thế nữa, những năm dịch Covid-19 và hậu đại dịch sẽ tiếp tục tạo ra nhiều ảnh hưởng và thay đổi đáng kể lên các hoạt động phát triển, kinh doanh và tiếp thị trên nền tảng di động.

Xu hướng Mobile-First

Thị trường ứng dụng dành cho thiết bị di động tại Việt Nam đã có từ lâu, nhưng chỉ thực sự nở rộ và nhận được sự chú ý đầu tư trong khoảng 5 năm trở lại đây. Nếu trước đây thị trường này bị “độc chiếm” bởi mảng game thì dự báo trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp sẵn sàng tăng 653,91 tỷ USD để phát triển ứng dụng Mobile cho các mảng y tế, giáo dục, mua sắm, giải trí (theo PRNewswire).

Không nằm ngoài xu hướng thế giới, Việt Nam đang thích nghi rất nhanh trong mảng ứng dụng di động: tổng doanh thu trên thị trường ứng dụng di động dự kiến đạt 914,30 triệu USD vào năm 2022; tổng doanh thu dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2022-2026) là 9,47%, dẫn đến khối lượng thị trường dự kiến đạt 1.313,00 triệu USD vào năm 2026; số lượt tải xuống trong chợ ứng dụng dự kiến đạt hơn 3 tỷ lượt tải xuống vào năm 2022 và duy trì tốc độ tăng trưởng 21%. Phát triển ứng dụng trên di động đã trở thành một ưu tiên hàng đầu của rất nhiều doanh nghiệp trong trạng thái “bình thường mới” và trải rộng trên tất cả các lĩnh vực từ y tế, vận tải, giáo dục, giải trí…

Sự tăng trưởng của Mobile Commerce/Mobile Business

Theo báo cáo Digital Vietnam 2022, hiện tại Việt Nam có hơn 156 triệu thuê bao di động. 97,6% người dùng Internet 16-64 tuổi sở hữu Smartphone. Trong tổng trung bình 6 tiếng 38 phút sử dụng internet, 3 tiếng 32 phút (hơn 50% thời gian) được thực hiện trên thiết bị di động. 12,4 tỷ USD được thực hiện thông qua mua bán trực tuyến và 50% lượng giao dịch đến từ thiết bị di động

Điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị di động khác đang mở ra cơ hội kinh doanh mới. Vì khách hàng cần sự thuận tiện, tự do và nhiều sự lựa chọn, họ mong muốn có thể truy cập các dịch vụ thông qua thiết bị di động bằng trình duyệt web sẵn có, hoặc thậm chí sẵn sàng tải ứng dụng về máy. Tuy nhiên, không phải ứng dụng nào cũng hấp dẫn tất cả người dùng. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và duy trì tính cạnh tranh trong điều kiện như vậy, chủ doanh nghiệp cần tập trung đầu tư nhiều hơn vào trải nghiệm và chuyển đổi nhóm đối tượng thường xuyên sử dụng sản phẩm của mình thông qua thiết bị di động, khi mà cuộc đua đã và tiếp tục diễn ra chỉ trong tầm mắt chứ không còn là câu chuyện xa vời trong tương lai.

Sự trở lại của “Vietnam Mobile Day”

Hòa nhịp với sự phát triển của thị trường ứng dụng dành cho thiết bị di động tại Việt Nam, sân dành cho cộng đồng công nghệ và digital tại Việt Nam - “Vietnam Mobile Day” sẽ tiếp tục được tổ chức vào tháng 6 tới, sau thời gian gián đoạn bởi đại dịch Covid-19.

Trở lại trong năm 2022, Vietnam Mobile Day 2022 có chủ đề “We Connect” với mô hình hội thảo trực tiếp kết hợp triển lãm. Dự kiến sẽ có hơn 80 chủ đề từ hơn 60 diễn giả đầu ngành liên quan đến các nhóm cốt lõi 5G, Mobile-first Technology, Mobile Business và Mobile Marketing cũng như các từ khóa nóng nhất hiện nay phải kể đến như GameFi, NFT, Blockchain, Metaverse… với mong muốn giúp cộng đồng nắm bắt những thông tin đáng giá và trang bị cho mình đầy đủ nhất để cạnh tranh hiệu quả trong thị trường Mobile hiện nay.

Sự kiện được kỳ vọng là một sân chơi hấp dẫn, phong phú, dự kiến thu hút hơn 10.000 người tham dự; với 500 doanh nghiệp. Chắc chắn đây sẽ là một ngày hội đáng nhớ dành cho cộng đồng lập trình, doanh nghiệp và khởi nghiệp quan tâm đến lĩnh vực công nghệ.

MN

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)