Thứ sáu, 21/01/2022 09:42

Loại rau thơm quen thuộc ngày Tết chứa nhiều công dụng chữa bệnh

TS Phùng Tuấn Giang

Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y Dược Cổ truyền Việt Nam

Rau mùi (Coriandrum sativum L.) là một loại gia vị khá quen thuộc với người dân Việt Nam, đặc biệt vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Theo truyền thống của người Việt, vào ngày cuối cùng của năm cũ, người ta thường chuẩn bị một nồi nước lá mùi già để tắm với niềm tin rằng, hương thơm nồng nàn và ấm áp từ mùi già sẽ trút bỏ những điều không may mắn, nỗi muộn phiền trong tâm tư để sẵn sàng đón nhận những niềm vui của năm mới. Ngoài giá trị về ẩm thực, rau mùi còn là một loại thảo dược nổi tiếng ở nhiều quốc gia nhờ chứa nhiều hoạt chất quý có tác dụng đối với hệ tiêu hóa, hạ đường huyết, hạ lipid máu…

Rau mùi - món rau gia vị không thể thiếu trong những ngày tết

Rau mùi - thảo dược được dùng khá phổ biến trên thế giới

Tùy từng địa phương mà rau mùi còn có tên gọi khác như ngò rí, hồ tuy, mùi tui, mùi ta, ngổ, ngổ thơm, nguyên tuy, hương tuy… Loài rau này không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn được dùng làm gia vị ở nhiều nơi trên thế giới. Lá mùi thường được sử dụng trong các món súp và món hầm ở Thái Lan, Trung Quốc. Trong khi đó, hạt mùi lại phổ biến ở khu vực Địa Trung Hải và là một thành phần không thể thiếu trong món “cà ri” nổi tiếng của Ấn Độ. Rễ rau mùi có hương vị nồng đậm hơn lá cũng được dùng ở một số nơi.

Ngoài giá trị về ẩm thực, rau mùi còn là một loại thảo dược nổi tiếng ở nhiều quốc gia. Ở Pakistan, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, lá và hạt rau mùi được dùng làm thuốc chữa các rối loạn về tiêu hóa như đầy hơi, kiết lỵ, tiêu chảy, đau dạ dày, nôn mửa, chán ăn, khó tiêu... Một số nước như Ả Rập Xê Út, Jordan, Ba Tư, Maroc dùng hạt mùi để chữa bệnh tiểu đường. Trong các tài liệu về Ayurvedic, rau mùi được dùng trong điều trị chứng tăng lipid máu và các bệnh về khớp. Y học cổ truyền Trung Quốc dùng toàn cây để chữa sởi, tiểu đường, viêm dạ dày ruột, còn y học cổ truyền Iran dùng hạt làm thuốc chữa mất ngủ, chống co giật và giải lo âu…

Thành phần hóa học của rau mùi

Chính sự ứng dụng rộng rãi trong y học dân gian và cổ truyền đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà khoa học trong việc khám phá các thành phần hóa học và làm sáng tỏ tác dụng dược lý của rau mùi. Đến nay, nhiều hợp chất khác nhau đã được xác định trong từng bộ phận của cây, nhưng chủ yếu là lá và hạt.  

Các đặc tính chữa bệnh và giá trị dinh dưỡng của rau mùi là do sự hiện diện của nhiều hợp chất hoạt tính sinh học như lipid, sterol, tocol, tinh dầu và các hợp chất phenolic. Thành phần lipid trong hạt mùi khô chiếm khoảng 19,24-28,4%, chủ yếu là lipid trung tính (chiếm 94,88% trong tổng số lipid). Các axit béo chính được xác định trong hầu hết các lớp lipid là petroselinic (65,70-80,9%) và axit linoleic (13,05-16,70%). Ngoài ra, còn có sự hiện diện của axit oleic (0,20-7,85%), palmitic (0,10-3,96%), axit stearic (0,78-2,91), palmitoleic (0,41-1,1%), α-linolenic và arachidic (0,10-0,25%).

Trong lá mùi, các axit béo không bão hòa chiến ưu thế, chủ yếu là α-linolenic (39,4-41,1%), ngoài ra còn có linoleic, axit heptadecenoic, palmitic, một lượng nhỏ axit oleic, stearic, stearidonic, cis và trans-palmitoleic. Lá mùi còn chứa một lượng β-carotene (tiền chất vitamin A), chiếm 61,14% lượng carotenoid được phát hiện trong chiết xuất ether.

Dầu hạt mùi chứa sterol đóng vai trò quan trọng trong ức chế sự hấp thu cholesterol từ thức ăn, với thành phần chính là stigmasterol và β-sitosterol. Các tocol chính được tìm thấy trong hạt mùi là γ-tocopherol, δ-tocopherol, α-tocopherol, γ-tocotrienol, α-tocotrienol và δ-tocotrienol. Hàm lượng tinh dầu trong hạt mùi khoảng 0,18-0,42% với thành phần chính là linalool (chiếm 64,00-84,60%). Ngoài ra, còn có γ-terpinene, α-pinene, neryl acetate, geranyl acetate, anethole, p-cymene, camphor, phellandrene, limonene, para-cymene, E-2-decenal, cis-dihydrocarvone. Trong lá chứa hàm lượng tinh dầu ít hơn so với hạt (0,06-0,12%).

Từ phần trên mặt đất của rau mùi phân lập được 21 hợp chất phenolic, chủ yếu thuộc các nhóm flavonoid, coumarin và axit phenolcarboxylic như: apigenin, luteolin, hyperoside, hesperidin, vicenin, diosmin, orientine, dihydroquercetin, chrysoeriol, catechin, axit ferulic, axit gallic... Trong các giống hạt mùi khác nhau người ta cũng tìm được 11 axit phenolic gồm axit gallic, chlorogenic, cafeic, vanillic, p-coumaric, ferulic, rosmarinic, o-coumaric, trans-hydroxycinnamic, axit salycilic và trans-cinnamic và 10 flavonoid là quercetin-3-rhamnoside, rutin trihydrate, luteolin, quercetin dihydrate, resorcinol, kaempferol, naringin, apigenin, flavone và coumarine.

Tác dụng của rau mùi

Song song với ứng dụng của y học cổ truyền, nhiều nghiên cứu dược lý đã cung cấp thêm các bằng chứng về tác dụng của rau mùi. Cụ thể:

Tác dụng trên hệ tiêu hóa: tác dụng kích thích tiêu hóa của rau mùi được cho là tương tự các loại gia vị khác thông qua khả năng kích thích gan bài tiết mật, đồng thời làm tăng cường hoạt động của các enzym tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn như lipase tuyến tụy, amylase và protease… Do đó, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thụ lipid, glucid và protid từ thức ăn. Chiết xuất rau mùi còn có tác dụng bảo vệ dạ dày chống lại những tổn thương mô bệnh học và loét do các tác nhân như NaCl, NaOH, ethanol, indomethacin gây ra ở chuột, ngoài ra còn có hoạt tính ức chế đáng kể vi khuẩn Helicobacter pylori.

Tác dụng hạ đường huyết: tác dụng này được nghiên cứu rất nhiều trên động vật cũng như lâm sàng. Kết hợp bột hạt mùi trong chế độ ăn uống giúp giảm rõ rệt lượng glucose và tăng mức insulin trong máu chuột bị tiểu đường do streptozotocin gây ra. Đồng thời, việc bổ sung bột hạt rau mùi còn có tác dụng chống ôxy hóa, hạn chế được sự thoái hóa đảo tụy của chuột bị tiểu đường thông qua ức chế quá trình tổn thương peroxy hóa, kích hoạt lại đáng kể các enzym chống ôxy hóa, làm tăng mức độ chống ôxy hóa, khử các gốc tự do như superoxit và hydroxyl theo cách phụ thuộc vào nồng độ. Bổ sung bột cao khô hạt mùi hàm lượng 1 và 3% (kl/kl) vào chế độ ăn giàu chất béo của chuột trong 12 tuần giúp ngăn chặn đáng kể sự gia tăng trọng lượng cơ thể, mức glucose máu lúc đói, sự đề kháng insulin, nồng độ triglycerid, cholesterol toàn phần, axit béo tự do trong huyết tương, làm giảm đường kính và số lượng tế bào mỡ.

Chiết xuất rau mùi liều 100 mg/kg thể trọng kết hợp với luyện tập sức bền làm giảm đáng kể lượng đường lúc đói, giảm đề kháng insulin và chỉ số HbA1c ở chuột mắc bệnh tiểu đường. Sự kết hợp này cũng làm giảm các chỉ số lipid máu như LDL, VLDL, triglycerid và cholesterol; tăng chỉ số HDL của chuột mắc bệnh tiểu đường. Chiết xuất methanol hạt mùi liều 200 và 400 mg/kg cũng có tác dụng tương tự.

Chiết xuất ethanol của hạt mùi ở liều 200 và 250 mg/kg làm giảm đáng kể nồng độ glucose huyết tương và giúp tăng giải phóng insulin từ các tế bào beta của đảo tụy ở chuột bị tiểu đường do streptozotocin gây ra. Chiết xuất ether dầu hỏa của hạt mùi làm giảm thiểu bệnh thận đái tháo đường ở chuột bị tiểu đường typ 2 do Streptozotocin (STZ) và nicotinamide (NAD) gây ra. Với liều 100, 200 và 400 mg/kg trong 45 ngày làm giảm đáng kể các thông số sinh hóa bị tăng cao như glucose, lipid và creatinin huyết thanh.

Tinh dầu hạt mùi còn giúp giảm đáng kể lượng glucose huyết thanh chuột bị tiểu đường từ 162,5±3,19 (mg/dl) xuống còn 72,96±1,73 (mg/dl) và tăng mức enzym chống ôxy hóa glutathione peroxidase từ 59,72±2,78 (u/g Hb) đến 124,83±2,31 (u/g Hb), đồng thời có tác dụng bảo vệ đáng kể đối với thận và tụy so với những con chuột không được điều trị.

Một thử nghiệm lâm sàng cho thấy, rau mùi có hoạt tính hạ đường huyết đáng kể ở liều cao và có thể kết hợp thành công với thuốc hạ đường huyết dạng uống ở bệnh nhân bị tiểu đường tuyp 2 khi mà tình trạng đường huyết không được kiểm soát nếu bệnh nhân chỉ dùng đơn lẻ các thuốc này. Trong một nghiên cứu khác, sử dụng hạt mùi (5 g/ngày) cho bệnh nhân tiểu đường có lượng đường huyết cao trong thời gian dài trong 60 ngày làm giảm đáng kể quá trình peroxy hóa lipid, ôxy hóa protein, tăng β -caroten, vitamin A, E và C trong huyết thanh của bệnh nhân. Việc điều trị cũng làm tăng hoạt động của enzym chống ôxy hóa hồng cầu như glutathione -S-transferase (GST) và giảm hàm lượng glutathione (GSH) ở bệnh nhân.

Tác dụng hạ lipid máu: sử dụng lá mùi tươi liều 100 mg/kg thể trọng trong 3 tuần làm giảm đáng kể tình trạng nhồi máu cơ tim ở thỏ do salbutamol gây ra thông qua làm giảm mức LDL-cholesterol, triglyceride và peroxidase trong huyết thanh, đồng thời tăng mức HDL-cholesterol cùng với các enzym chống ôxy hóa. Chiết xuất methanol 70% của rau mùi liều 500 mg/kg/ngày làm giảm các chỉ số cholesterol toàn phần, phospholipid, triglycerid, LDL-cholesterol và VLDL-cholesterol, đồng thời làm tăng chỉ số HDL-cholesterol trong máu, tăng bài tiết cholesterol và phospholipid qua phân ở thỏ bị tăng lipid máu. Phân tích mô học cho thấy chiết xuất này cũng làm giảm sự lắng đọng các cholesterol ở động mạch chủ của động vật nghiên cứu. Rau mùi với liều 1 g/kg thể trọng làm giảm nồng độ cholesterol và triglycerid trong cả giai đoạn tổng hợp và bài tiết ở chuột bị tăng lipid máu do triton gây ra. Kết quả này cho thấy, rau mùi có thể làm giảm hấp thu và tăng cường phân hủy lipid.

Tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, tẩy giun sán, diệt côn trùng: chiết xuất nước và ethanol rau mùi được chứng minh kháng lại 9 loại vi khuẩn được phân lập từ nước tiểu, máu, phân và dịch não tủy của các bệnh nhân khác nhau như Burkhella Capia, Escherichia coli, Enterobacter cloacae, Gamella morbillorum, liên cầu khuẩn α-Haemolytic, Klebsiella pneumonia, Proteus mirabilis, Streptococcus pneumonia Salmonella typhi. Chiết xuất methanol rau mùi cho thấy hoạt tính kháng khuẩn đối với Staphylococcus aureus (đường kính vô khuẩn 12,17±0,29 mm), Klebsiella pneumonia (12,17±0,15 mm), hoạt tính kháng nấm đối với Candida albicans (14,20±0,20 mm) và Aspergillus niger (10,10±0,10 mm) cao hơn so với các chiết xuất etanol, axeton, cloroform, hexan và ete dầu hỏa.

Tinh dầu lá mùi cùng các chiết xuất ethyl acetate, chloroform và methanol của lá thể hiện rõ rệt hoạt tính chống lại một số vi khuẩn gram dương và gram âm gây bệnh cho người như Bacillus cereus, Enterobacter faecalis, Salmonella paratyphi, Staphylococcus aureus, Escherichia coli... Hoạt tính của chúng khá tương đương với các kháng sinh tiêu chuẩn như tobramycin, gentamicin sulphat, ofloxacin và ciprofloxacin trong các điều kiện tương tự. Tinh dầu hạt mùi còn có tác dụng hiệp đồng với các kháng sinh chloramphenicol, ciprofloxacin, gentamicin và tetracycline trong việc chống lại vi khuẩn Acinetobacter baumannii trong nghiên cứu in vitro.

Tinh dầu quả mùi có hoạt tính kháng nấm (chủng Microsporum canisCandida spp.) với đường kính vùng ức chế lần lượt là 28±5,42 và 9,25±0,5mm. Nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) và nồng độ diệt nấm tối thiểu (MFC) đối với các chủng M. canis lần lượt dao động từ 78-620 μg/ml và 150-1.250 μg/ml, còn đối với các chủng Candida spp. lần lượt dao động từ 310-620 μg/ml và 620-1.250 μg/ml. Trên lâm sàng, tinh dầu mùi 6% giúp cải thiện đáng kể triệu chứng nấm da ở các kẽ chân của 40 bệnh nhân tham gia. Chiết xuất cồn thô và nước hạt mùi chống lại sự phát triển của ký sinh trùng Haemonchus contortus - một loại giun tròn gây bệnh trên động vật nhai lại. Các phân đoạn chiết của rau mùi còn có tác dụng một số loại diệt côn trùng như L. Infantum, Tribolium confusum, Aedes aegypti…

Tác dụng lợi tiểu: truyền tĩnh mạch liên tục (120 phút.) với hai liều (40 và 100 mg/kg) chiết xuất từ hạt mùi cho chuột đã được gây mê và sử dụng thuốc lợi tiểu furosemide (10 mg/kg) làm đối chứng cho thấy, chiết xuất từ ​​nước thô của hạt mùi làm tăng lượng nước tiểu, tăng bài tiết chất điện giải và mức lọc cầu thận phụ thuộc vào liều lượng. Cơ chế hoạt động của chiết xuất hạt mùi có vẻ tương tự như cơ chế hoạt động của furosemide.

Tác dụng giải độc chì: chiết xuất ethanol và methanol hạt mùi có tác dụng làm giảm đáng kể sự lắng đọng chì ở xương đùi và tổn thương thận của những con chuột bị nhiễm độc chì. Hai chiết xuất này cũng cải thiện rõ rệt các chỉ số huyết học và hóa sinh máu như số lượng hồng cầu, số lượng bạch cầu, mức Hb và tổng hàm lượng protein trong huyết thanh và các chỉ số hóa sinh như alanin transaminase huyết thanh, aspartate aminotransferase, creatinin và cholesterol máu trên những con chuột bị nhiễm độc chì do chì nitrat gây ra.

Ngoài những tác dụng trên, có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh về tác dụng tăng cường trí nhớ, chống co giật, chống trầm cảm, giải lo âu, bảo vệ thần kinh, kháng u, giảm đau, chống viêm… của cây rau mùi, cho thấy tiềm năng chữa bệnh trong nhiều lĩnh vực của loại gia vị quen thuộc này

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)