Thứ tư, 15/12/2021 14:50

Dấu ấn TECHFEST và WHISE 2021

Ngày 14/12/2021, chương trình “Dấu ấn TECHFEST và WHISE 2021” - hoạt động trọng tâm trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Techfest Vietnam 2021 đã được tổ chức tại Hà Nội. Tham dự sự kiện có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ/ngành trung ương và địa phương, đại diện các tổ chức chức, tập đoàn, cá nhân, mạng lưới uy tín hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế. Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tập đoàn Vingroup phối hợp tổ chức. Từ Hà Nội, Chương trình cũng kết nối trực tuyến với Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh 2021 (WHISE 2021) và Triển lãm Khởi nghiệp Đà Nẵng mở rộng (SURF 2021) tạo thành ngày hội chung trên toàn quốc, thể hiện tinh thần thống nhất trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Những tín hiệu tích cực

Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2021, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam vẫn tăng cao. Hơn 1,3 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (cao nhất từ trước tới nay). Trong hệ sinh thái, sự tham gia của các chủ thể ngày càng tích cực và đã có sự tăng trưởng tốt về số lượng, cụ thể, hiện có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 202 khu làm việc chung; 217 quỹ đầu tư/nhà đầu tư; 79 cơ sở ươm tạo; 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh... Bên cạnh đó, cả nước cũng đã có trên 140 trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng tham gia vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, với vai trò là nhà đầu tư tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp mở rộng thị trường, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn trong ngành, như: Vingroup, Nexttech, FPT, CMC… Theo Bộ trưởng, một trong những điểm nổi bật của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam là  chúng ta đã từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy dòng chảy của tri thức, của công nghệ trong và ngoài nước. Chúng ta đã thiết lập được Mạng lưới hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ. Đây là những tiền đề quan trọng để mở rộng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, để kết nối ngày càng hữu cơ hơn, hiệu quả hơn với các hệ sinh thái khỏi nghiệp sáng tạo khác trong khu vực và thế giới.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc sự kiện

Phát biểu tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết: hệ sinh thái đổi mới sáng tạo TP Hồ Chí Minh ngày càng thu hút nhiều nguồn lực xã hội, với số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp là 2.000, trong đó lĩnh vực công nghệ chiếm 65%. Năm 2021 được đánh giá là năm phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, thu hút 1,1 tỷ USD đầu tư, chiếm 60% lượng vốn và thương vụ của cả nước. Thành phố đã tiếp tục tổ chức sự kiện thương niên Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh 2021 (WHISE 2021), với hơn 20 sự kiện, được kỳ vọng không chỉ tiếp tục mang lại thông điệp và vai trò giữ lửa đổi mới sáng tạo mà còn phát huy vai trò định hướng đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, cùng vượt qua các thách thức và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Thay đổi từ tư duy “đóng” sang “mở”

Tại sự kiện, Diễn đàn đối thoại cấp cao với chủ đề “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mở” đã được tổ chức với sự tham gia thảo luận của đại diện một số bộ/ngành, địa phương, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong nước và quốc tế. Các diễn giả trong diễn đàn cùng thảo luận, gợi mở tư duy, sáng kiến mới, hợp tác, liên kết trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, thúc đẩy hình thành các startup với hàm lượng công nghệ cao từ khối viện nghiên cứu, trường đại học hướng tới giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp lớn, mang tính toàn cầu.

Chia sẻ kinh nghiệm thành công của Israel, Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar cho biết một yếu tố chiến lược của Israel là huy động nguồn vốn nhà nước phục vụ cho hoạt động nghiên cứu phát triển: "Chúng tôi giành tới 4,9% GDP cho nghiên cứu và phát triển, có cơ quan về đổi mới sáng tạo - như một Bộ để điều phối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo". Theo ông Nadav Eshcar, để tận dụng xu hướng đổi mới sáng tạo cho hiện tại và tương lai, cần khuyến khích đúng hướng theo lộ trình như nên tập trung vào công nghệ lượng tử, công nghệ AI và các công nghệ tương lai khác để thúc đẩy hỗ trợ cộng đồng vùng sâu, vùng xa tiếp cận KH&CN.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Ngô Hướng Nam cho biết, trong tổng số 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 10% (tương đương khoảng 500.000) chuyên gia tri thức có trình độ trên đại học trở lên. Đây là một nguồn lực lớn giúp đóng góp cho sự phát triển của đất nước. "Chúng tôi đã tổ chức kết nối tạo thành mạng lưới các Hội trí thức kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Mạng lưới được điều hành bởi 21 chủ tịch là Việt kiều, đến từ 15 quốc gia trên thế giới" - ông Nam cho biết thêm. Sự ra đời của mạng lưới nhằm thu hút tất cả tri thức người Việt Nam ở nước ngoài, trở thành sức mạnh có thể đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Hiện nhiều chuyên gia kiều bào người nước ngoài làm cố vấn (mentor) để hỗ trợ các startup trong nước.

Các chuyên gia, nhà quản lý đến từ Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Đại học Quốc gia Hà Nội… cũng đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Văn Tùng hy vọng tới đây, cơ chế, chính sách sẽ tạo ra sự vượt trội. Dự kiến tháng 6/2022, Bộ KH&CN sẽ trình Chính phủ đề án sandbox để thử nghiệm áp dụng tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Cần tiếp tục đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng với những kết quả rất có ý nghĩa  của hoạt động đổi mới sáng tạo trong năm 2021, mặc dù bối cảnh có rất nhiều khó khăn; khẳng định sự cố gắng, vươn lên của các chủ thể đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, kết quả  này vẫn còn khiêm tốn, chưa được như tiềm năng và mong muốn, chúng ta cần một phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, sâu rộng hơn nữa. Về các mục tiêu cơ bản của đổi mới sáng tạo, Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo phải phục vụ hiệu quả các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra; góp phần làm cho mọi người dân được ấm no, hạnh phúc, không để ai bị bỏ lại phía sau; góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, cuộc sống bình yên của nhân dân; góp phần khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; chứng minh trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam. “Đổi mới sáng tạo phải phục vụ dân giàu, nước mạnh, mọi người dân được ấm no, hạnh phúc, đất nước được yên bình, góp phần hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện

Trong bối cảnh nguồn lực và thời gian có hạn, Thủ tướng cho rằng việc triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới cần có trọng tâm, trọng điểm. Thứ nhất, phải phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc phòng, chống dịch là chưa có tiền lệ nên càng đòi hỏi đổi mới sáng tạo để phù hợp với điều kiện cụ thể Việt Nam, bảo đảm khoa học, hiệu quả, tiết kiệm, nhất là trong thực hiện 3 trụ cột phòng chống dịch (cách ly, xét nghiệm và điều trị).
Nhiệm vụ thứ hai là phải phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình này, mọi cơ quan, đơn vị, mọi người trong mọi ngành, mọi nghề, mọi cấp đều phải suy nghĩ để tìm giải pháp phù hợp trong lĩnh vực, nhiệm vụ của mình. Nhiệm vụ thứ ba là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ chủ yếu dựa vào tài nguyên sẵn có và lao động giá rẻ sang phát triển dựa trên trí tuệ con người, phát huy được cơ hội nổi trội, tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của đất nước, của mỗi ngành, mỗi địa phương. Thứ tư, đổi mới sáng tạo phải đi thẳng vào, góp phần giải quyết các vấn đề đang nổi lên như biến đổi khí hậu (trong bối cảnh thiên tai đang diễn ra cực đoan, phức tạp, gay gắt, không theo quy luật); cạn kiệt tài nguyên (trong khi trí tuệ và sức sáng tạo của con người là vô hạn); già hóa dân số (để giải quyết hài hòa các vấn đề trước mắt và lâu dài, đáp ứng các nhu cầu của hiện tại nhưng không ảnh hưởng tới các thế hệ tương lai); phát triển xanh, năng lượng sạch; chuyển đổi số…

Các đại biểu thăm các gian trưng bày

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp - đây là những vấn đề cấp thiết với đất nước ta để nâng cao năng lực y tế trong bối cảnh dịch bệnh; phát triển nguồn nhân lực có thể đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế; người nông dân có thể tham gia đổi mới sáng tạo, thay đổi vận mệnh và cuộc sống của mình.

Minh Nguyệt

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)