Thứ tư, 01/12/2021 14:40

Quảng Trị: Ứng dụng KH&CN vào khai thác tiềm năng, lợi thế tiểu “Đà Lạt”

ThS Nguyễn Đức Thắng1, ThS Đào Ngọc Hoàng2

1Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

2Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN Quảng Trị

Huyện Hướng Hóa nằm ở phía tây của tỉnh Quảng Trị, nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển sản xuất nông lâm nghiệp cũng như khai thác du lịch, dịch vụ…, đặc biệt là khu vực đèo Sa Mù, nơi được mệnh danh là tiểu “Đà Lạt”, hay “Đà Lạt 2”. Nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế của khu vực này, năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Quảng Trị đã đầu tư thực hiện dự án “Xây dựng Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng KH&CN bắc Hướng Hóa”. Sau 3 năm đi vào hoạt động, Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng KH&CN bắc Hướng Hóa đã tạo dấu ấn đậm nét và mở ra một hướng mới đầy tiềm năng trong khai thác tiềm năng, lợi thế của tiểu Đà Lạt nói riêng, Quảng Trị nói chung.

Đầu tư, ứng dụng KH&CN vào khai thác tiềm năng, lợi thế

H­ướng Hoá là huyện miền núi, vùng cao, biên giới nằm ở phía tây của tỉnh Quảng Trị, nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp…, đặc biệt khu vực đèo Sa Mù được ví như tiểu “Đà Lạt”. Tuy nhiên, việc khai thác những tiềm năng, lợi thế trên địa bàn huyện Hướng Hóa trong thời gian qua nói chung còn hạn chế. Các sản phẩm sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát nên năng suất, chất lượng và hiệu quả chưa cao; sản xuất bấp bênh và chưa được đầu tư thích đáng do thị trường không ổn định. Về KH&CN chưa có những nghiên cứu, luận cứ khoa học xác đáng để đưa ra các khuyến cáo về đối tượng sản xuất phù hợp, hiệu quả; chưa hình thành được các vùng sản xuất thử nghiệm, chưa đưa ra được quy trình, công nghệ hợp lý; chưa có sự chọn lọc, chọn tạo và phát triển các đối tượng sản xuất thích hợp; chưa có những mô hình sản xuất và tạo được mối liên kết, kết nối thị trường trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện Hướng Hóa nói chung, khu vực đèo Sa Mù nói riêng, năm 2016 Sở KH&CN Quảng Trị đã phê duyệt thực hiện dự án “Xây dựng Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng KH&CN bắc Hướng Hóa”, đây là cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất và xây dựng, ứng dụng các quy trình, công nghệ vào sản xuất cũng như khai thác các đối tượng cây trồng, vật nuôi bản địa có tính đặc thù và đưa các đối tượng cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng.

Địa điểm thực hiện dự án thuộc địa bàn xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa là 1 trong 5 xã nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hóa. Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng KH&CN bắc Hướng Hóa được bố trí tại 2 địa điểm gồm: Cơ sở I nằm trên đường Hồ Chí Minh tại đỉnh đèo Sa Mù thuộc thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng có độ cao 1.050 m so với mực nước biển, diện tích thiết kế 20 ha, đây là cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất chính của Trạm; cơ sở II đặt tại thôn Hướng Phú, xã Hướng Phùng có cao độ 700 m, với diện tích gần 3 ha. Chức năng của Trạm là nghiên cứu, ứng dụng KH&CN nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế mang tính đặc thù của khu vực bắc Hướng Hóa với các nhiệm vụ: (i) Là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng KH&CN để khai thác, phát triển các đối tượng cây trồng, vật nuôi bản địa; phát triển các đối tượng sản xuất mới phù hợp với đặc thù của khu vực; ii) Là cơ sở sản xuất thử nghiệm và xây dựng, phát triển, hoàn thiện các quy trình công nghệ phục vụ sản xuất; iii) Là mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 của tỉnh; iv) Là cơ sở đào tạo, huấn luyện và tham quan học tập cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh; v) Là mô hình ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và sản xuất, thương mại sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Những kết quả bước đầu

 Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng KH&CN bắc Hướng Hóa bắt đầu đưa vào sử dụng từ cuối năm 2018, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; thiên tai, bão lũ, sạt lở năm 2020; xa trung tâm, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn; nguồn nhân lực hạn chế…, nhưng với sự quan tâm của Lãnh đạo Sở KH&CN, cùng sự quyết tâm của toàn thể viên chức và người lao động của Trung tâm, đến nay qua 3 năm hoạt động, Trạm đã thu được những kết quả quan trọng trong thực hiện sứ mệnh của mình thể hiện ở các nội dung chính sau:

Một là, Trạm đã thu thập, đánh giá cơ bản về đặc điểm thời tiết, khí hậu của vùng (nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, lượng mưa, nguồn nước…); phân tích, đánh giá chất lượng đất, nước và quan trắc, thu thập các số liệu, những đặc điểm riêng của khu vực sản xuất, từ đó xác định được định hướng nghiên cứu, sản xuất của đơn vị.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tham quan sản phẩm được sản xuất từ khu vực

tiểu “Đà Lạt”

Hai là, đã khai thác, trồng thử nghiệm và đang theo dõi, đánh giá hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất các loại dược liệu bản địa là Lan kim tuyến (Cỏ nhung) và Thất diệp nhất chi hoa, đồng thời đang khảo sát giống gà bản địa; nhập và sản xuất thử nghiệm các đối tượng mới phù hợp với đặc thù của khu vực như một số loại hoa cao cấp (Lyli, Tulip, Cát tường, Hồ điệp, Cẩm tú cầu, Đồng tiền lùn…), dược liệu Ba kích; các loại rau, quả cao cấp (Dâu tây, cà chua Cherry); chăn nuôi bò lai; sản xuất nấm dược liệu Đông trùng hạ thảo…

Ba là, nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện và làm chủ nhiều quy trình công nghệ sản xuất các đối tượng để ứng dụng và chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân. Đến nay, Trung tâm đã làm chủ và sẵn sàng chuyển giao các quy trình công nghệ như: sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và sản xuất thương mại lan Hồ điệp; sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và sản xuất thương mại dâu tây; sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và sản xuất thương mại hoa Đồng tiền lùn; sản xuất cà chua Cherry; sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô Lan kim tuyến; sử dụng các chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất nông nghiệp; chăn nuôi bò an toàn sinh học...

Bốn là, Trạm là mô hình trình diễn và cơ sở đào tạo cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân của địa phương tham quan, học hỏi và tiếp nhận quy trình, công nghệ ứng dụng vào sản xuất. Tính đến tháng 12/2021, Trạm đã đón gần 10.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan mô hình, đã đào tạo (theo phương pháp FFS) tại cơ sở cho gần 200 lượt người về kỹ thuật trồng hoa, sản xuất nấm… Trạm cũng đã chuyển giao quy trình trồng hoa Lyli thương phẩm cho một số hộ dân ở xã Hướng Phùng, Tân Lập và thị trấn Khe Sanh.

Năm là, xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất: hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại (7 hệ thống); ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất; sử dụng máy móc trong chăm sóc, theo dõi cây trồng (máy kiểm tra pH, EC, ẩm độ, nhiệt độ, ánh sáng, nồng độ CO2); sử dụng hệ thống tưới tự động (toàn bộ ứng dụng công nghệ tưới tự động nhỏ giọt và tưới phun); bón phân qua hệ thống tưới; tự động tối đa trong sản xuất (sử dụng hệ thống sensor trong vận hành thiết bị)… Ứng dụng công nghệ 4.0 trong điều hành quản lý như: camera internet để theo dõi, điều hành sản xuất; hệ thống cảm biến truyền dữ liệu tự động (PLC); hệ thống tự động quan trắc nhiệt độ, ánh sáng; hệ thống vận hành nhà lưới, nhà kính tự động (đóng mở rèm che nắng tự động, bật tắt quạt và hệ thống làm mát tự động, hệ thống cung cấp ánh sáng tự động…) hoặc có thể điều khiển qua smart phone thông qua IoT. Tất cả các dữ liệu, quy trình công nghệ sản xuất đều được số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu của đơn vị.

Sáu là, xây dựng được mô hình sản xuất và thương mại sản phẩm an toàn theo chuỗi giá trị. Trung tâm đã chủ động được trong sản xuất từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng như sản xuất cây giống, sử dụng chế phẩm vi sinh vật (do Trung tâm sản xuất) để tự sản xuất giá thể, phân hữu cơ và phòng trừ dịch bệnh; chủ động xây dựng cơ sở sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thiết kế, hoàn thiện bao bì, nhãn mác và xây dựng cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc để thương mại sản phẩm.

Bảy là, hoạt động của Trạm được xem như là một Startup về trang trại sản xuất nông nghiệp với các loại sản phẩm sản xuất và thương mại hàng năm gồm: trên 30.000 cành (cây) Lan Hồ Điệp; 17.000-22.000 cây hoa Lyli thương phẩm; trên 3.000 cây hoa Cát Tường; khoảng 2.000 chậu tiểu Hồng môn; 10.000-15.000 lọ nấm Đông trùng hạ thảo tươi; 40.000 cây Lan kim tuyến trong…

Đại biểu tham quan mô hình sản xuất lan Hồ điệp của Trạm

Ngay cuối năm 2018, các kết quả hoạt động của Trạm đã được người dân trong và ngoài tỉnh đánh giá cao và đến tham quan, học tập về mô hình. Đến nay, khi hoạt động của Trạm tiếp tục thu được nhiều kết quả (nhất là sản phẩm) càng được người dân quan tâm và chia sẻ. Google Map đã đưa vị trí của Trạm vào hệ thống bản đồ của mình để tra cứu (địa danh: Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa); UBND tỉnh đã đưa Trạm trở thành một điểm đến trong Tour du lịch của tỉnh (địa danh: Vườn hoa công nghệ Sa Mù); người dân địa phương thì gọi Sa Mù với cái tên thân thương “tiểu Đà Lạt” hay “Đà Lạt 2”; Tạp chí Xanh EWEC gọi Sa Mù là “mùa đông giữa mùa hè của miền nắng gió Quảng Trị”, các nhà báo gọi “lung linh Sa Mù” hay “Hoa ôn đới mọc giữa miền nắng gió”… Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng KH&CN bắc Hướng Hóa đã tạo dấu ấn đậm nét và mở ra một hướng mới đầy tiềm năng trong khai thác tiềm năng, lợi thế của khu vực này.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)