Xuất phát từ thực tiễn
Cách đây gần 10 năm (2012), tổ máy thứ 6 và cũng là tổ máy cuối cùng của Nhà máy Thủy điện Sơn La được đưa vào vận hành nhằm cung cấp điện cho sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội. Với yêu cầu về anh ninh năng lượng cũng như đảm bảo phát điện liên tục của nhà máy, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhận thấy sự cấp bách phải đầu tư trang bị thêm 1 máy biến áp nguồn dự phòng cho Nhà máy. Nhằm tạo điều kiện nâng cao năng lực của các đơn vị sản xuất trong nước có kinh nghiệm, năng lực thiết bị công nghệ, Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện cơ chế chỉ định thầu đối với gói thầu mua sắm máy biến áp dự phòng cho Nhà máy Thủy điện Sơn La và Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh là đơn vị có kinh nghiệm, công nghệ và nguồn lực để triển khai nhiệm vụ nêu trên. Với sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, bên cạnh việc tranh thủ các các nguồn lực hỗ trợ từ các đơn vị trong nước, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh đã phát huy các nguồn lực tự có của doanh nghiệp để nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo các sản phẩm máy biến áp chung, Máy biến áp nguồn 3 pha 500 kV-467 MVA nói riêng.
Máy biến áp dự phòng cho Nhà máy Thủy điện Sơn La.
KS Nguyễn Quang Tuệ - Ban thiết kế (Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh) cho biết, đây là một trong những thiết bị có độ phức tạp rất lớn, nhiều hạng mục lần đầu tiên được thực hiện trong nước nên đòi hỏi công nghệ cao và rất chi tiết. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên Tổng công ty, tháng 6/2019, Máy biến áp đã hoàn thành tất cả các hạng mục thí nghiệm theo chương trình thí nghiệm đã được phê duyệt và ngày 13/9/2019, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh đã long trọng tổ chức Lễ xuất xưởng Máy biến áp nguồn 3 pha 500 kV-467 MVA “made in Vietnam” đầu tiên trong niềm tự hào của những nhà khoa học trong nước.
Và làm chủ công nghệ chế tạo hiện đại
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác chế tạo, lắp đặt, vận hành Máy biến áp 3 pha 500 kV-467 MVA dự phòng cho Nhà máy Thủy điện Lai Châu và Sơn La ngày 8/12/2021, ông Bùi Phương Nam - Giám đốc Ban Quản lý Dự án điện 1 (EVN) cho biết, dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La và Lai Châu là hai dự án thủy điện lớn của EVN. Đây là 2 dự án trên bậc thang thủy điện sông Đà với tổng công suất 3.600 MW, do các kỹ sư, công nhân Việt Nam trực tiếp thiết kế, thi công và vận hành. Tính đến hết tháng 11/2021, 2 nhà máy đã đóng góp 112 tỷ kWh điện cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong các dự án này, chúng ta vẫn phụ thuộc nước ngoài đối với các thiết bị chính (tuabin, máy phát…). Với việc thiết kế, chế tạo, lắp đặt thành công Máy biến áp nguồn 3 pha 500 kV-467 MVA đầu tiên tại Việt Nam đã giúp tiết kiệm chi phí mua thiết bị nước ngoài, làm tăng hiệu quả đầu tư các dự án và tạo cơ sở vững chắc đối với sự vận hành an toàn, ổn định của Nhà máy Thủy điện Sơn La và Lai Châu, đồng thời cũng đánh dấu sự trưởng thành của ngành chế tạo thiết bị điện trong nước.
Trước đó, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh chỉ mới chế tạo thành công Máy biến áp 1 pha 500 kV (năm 2010), đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á và là một trong 12 quốc gia trên thế giới chế tạo được máy biến áp 500 kV.
Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho rằng, thành công lớn nhất của 2 dự án nêu trên chính là việc doanh nghiệp trong nước đã làm chủ công tác thiết kế, chế tạo, sửa chữa máy biến áp nguồn 500 kV cho nhà máy thủy điện lớn nhất nước, qua đó đảm bảo khả năng vận hành liên tục, an toàn cho các Nhà máy Thủy điện Sơn La, Lai Châu nói riêng và an ninh năng lượng quốc gia nói chung.
Hiện tại, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh đã được Bộ KH&CN giao thực hiện một nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước về thiết kế chế tạo máy biến áp 500 kV-900 MVA. Đây là dòng sản phẩm có ý nghĩa quyết định tới việc truyền tải điện an toàn liên tục trên hệ thống điện 500 kV Bắc - Nam.
Có thể khẳng định, sự thành công của việc thiết kế, chế tạo, lắp đặt, thí nghiệm hiệu chỉnh nghiệm thu và vận hành máy biến áp 500 kV dự phòng cho Nhà máy Thủy điện Sơn La và Lai Châu chính là cú hích, tạo tiền đề rất quan trọng cho Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh nói riêng và ngành cơ khí Việt Nam nói chung, tiếp tục phát triển và mở rộng các sản phẩm tương tự, dần thay thế cho thiết bị ngoại nhập, đóng góp cho sự phát triển của ngành điện và nền kinh tế.
Phong Vũ - Thu Hiền