Thứ ba, 28/09/2021 13:57

KH&CN Bắc Giang: Khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Năm 2021, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Giang kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển (10/1961-10/2021). Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí KH&CN Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình về những đóng góp chủ yếu của KH&CN đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và những định hướng chính của ngành trong thời gian tới.

Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình.

Chúc mừng ngành KH&CN tỉnh Bắc Giang đã trải qua 60 năm xây dựng và phát triển. Nhân dịp này, xin ông đánh giá về vai trò của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, ngành KH&CN ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, hoạt động nghiên cứu - ứng dụng KH&CN có nhiều khởi sắc, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Đặc biệt, là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc, hoạt động ứng dụng và chuyển giao các thành tựu KH&CN đã có những đóng góp tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo, nâng cao trình độ tiếp thu tiến bộ kỹ thuật của người dân. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào ứng dụng, nhân rộng, phát triển thương hiệu theo chuỗi giá trị. Một số công nghệ, kỹ thuật mới mang lại hiệu quả cao, tạo ra hướng đi, triển vọng mới cho sản xuất, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm. Thực tế cho thấy, hầu hết các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh đều có sự đóng góp của ngành KH&CN, từ khâu lựa chọn giống mới, áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo quản, chế biến, tiêu thụ đến khâu xây dựng, quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp trong và ngoài nước (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể...).

Xin ông cho biết một số điểm nhấn quan trọng về những đóng góp của KH&CN mà ông vừa nêu?

Dựa trên tiềm năng, lợi thế của mình, trong thời gian qua, ngành KH&CN Bắc Giang xác định cần tập trung ứng dụng tiến bộ KH&CN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh. Phương thức sản xuất theo hướng thâm canh, tập trung với quy mô sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP phát triển mạnh mẽ; các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh từng bước tiếp cận mô hình sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, coi trọng giá trị gia tăng. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phân bố đều ở các huyện với các sản phẩm nông nghiệp được phát triển dựa trên điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương hoặc liên vùng. Nhờ vậy, tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chủ lực, tập trung quy mô lớn; xuất hiện nhiều mô hình gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đến nay, toàn tỉnh có 9 sản phẩm chủ lực (vải thiều, gà, lợn, cam, bưởi, các giống lúa chất lượng cao, rau, lạc, cá), 14 sản phẩm đặc trưng, 30 sản phẩm tiềm năng.

KH&CN đã góp phần phát triển Vải thiều - một trong những sản phẩm chủ lực của Bắc Giang.

Giai đoạn 2018-2020, Bắc Giang đã triển khai một số mô hình, dự án đạt hiệu quả cao như: xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa Nhật (Japonica) trên địa bàn huyện Lạng Giang bằng giống Nihonmai cho năng suất trung bình đạt 55-60 tạ/ha); xây dựng mô hình sản xuất măng tây xanh trên địa bàn huyện Việt Yên; chọn lọc được giống lạc đen CNC1 có năng suất 3,5 tấn/ha (cao hơn giống đối chứng L14 là 21,1%) với hàm lượng dinh dưỡng cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tỉnh Bắc Giang; ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển thương hiệu nấm; xây dựng mô hình trồng thử nghiệm 3 giống dong riềng và sản xuất dong riềng theo chuỗi giá trị tại huyện Sơn Động, mô hình sản xuất miến dong đáp ứng được các chỉ tiêu về chất lượng của nhãn hiệu chứng nhận “Miến dong Sơn Động”; nghiên cứu tuyển chọn được 20 cây đầu dòng và một số biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây vú sữa tại huyện Tân Yên; xây dựng mô hình trồng mới thâm canh giống cam sạch bệnh V2 và CS1 trên địa bàn huyện Lạng Giang, cây sinh trưởng tốt, tỷ lệ cây sống trên 98%; xây dựng mô hình tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước tưới và phân bón, năng suất tăng 10-15%; ứng dụng màng sinh học Chitosan kết hợp với axit axetic để bảo quản cam đường canh đảm bảo chất lượng và các chỉ tiêu an toàn thực phẩm với tỷ lệ hư hỏng dưới 10%; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng vùng chè Yên Thế bằng các giống mới, năng suất sau năm thứ 3 đạt 2,5-3,0 tấn/ha, xây dựng mô hình tưới nước kết hợp dinh dưỡng bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel giúp chất lượng chè đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu... Các tiến bộ về giống và biện pháp canh tác theo quy trình VietGAP, GlobalGAP đã góp phần tăng giá trị 20-30% so với giống cũ và biện pháp canh tác của người dân.

Việc ứng dụng KH&CN giúp các giống cây lâm nghiệp mới sinh trưởng và phát triển tốt hơn các giống cũ 15-20%, thân thẳng, ít phân cành nhánh, ít nhiễm sâu bệnh, cho năng suất, chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rừng. Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giá thể bầu hữu cơ trong nhân giống cây keo, bạch đàn nhằm nâng cao hiệu quả trồng rừng và thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp. Nghiên cứu, trồng thử nghiệm các giống bạch đàn lai có năng suất cao, được công nhận  trồng rừng sản xuất, công nhận vườn cây đầu dòng sản xuất giống. Ứng dụng KH&CN trong việc tạo giống và trồng thâm canh rừng kinh tế bằng giống keo tai tượng xuất xứ Pongaki.

Trong chăn nuôi, KH&CN đã chú trọng về giống vật nuôi là một yếu tố quan trọng và quyết định đối với năng suất, hiệu quả chăn nuôi như: xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thịt lợn an toàn huyện Tân Yên; xây dựng mô hình nuôi thương phẩm giống gà ri lai và VP34 trên địa bàn huyện Yên Thế; nuôi thử nghiệm trai nước ngọt lấy ngọc tại huyện Lục Nam; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho ong chúa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mật phục vụ xuất khẩu tại huyện Lạng Giang, Lục Ngạn...

Ngoài ra, KH&CN của Bắc Giang trong thời gian qua cũng có những đóng góp tích cực trong các lĩnh vực khác như: khoa học xã hội và nhân văn; y, dược; công nghệ thông tin...

Để tiếp tục tăng cường vai trò của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Bắc Giang sẽ chú trọng vào những định hướng và giải pháp nào, thưa ông?

Trong thời gian tới, nhằm phát huy vai trò của KH&CN thực sự trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, KH&CN Bắc Giang sẽ tập trung vào một số giải pháp sau:

Trước hết, ngành sẽ tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển KH&CN tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những văn bản quan trọng, góp phần đưa ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp... để phát triển KH&CN của Bắc Giang trong giai đoạn tới.

Hai là, KH&CN Bắc Giang sẽ gắn kết chặt chẽ, chung sức, đồng hành cùng các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động KH&CN trong các lĩnh vực; phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị, chú trọng tính liên ngành, liên vùng. Đẩy mạnh hợp tác công - tư trong việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN; tăng cường liên kết giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp; liên kết nghiên cứu, ứng dụng với với các cơ sở đào tạo đại học/cao đẳng trong và ngoài tỉnh nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đào tạo nhân lực.

Ba là, ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực cho phát triển KH&CN. Đề nghị HĐND, UBND tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN theo lộ trình từ nay đến năm 2025 đảm bảo mức tăng chi cho KH&CN đạt 1,5% tổng chi ngân sách. Cùng với ngân sách tỉnh, các địa phương cần chủ động bố trí kinh phí từ nguồn thu ngân sách địa phương cho hoạt động KH&CN trên địa bàn; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là của doanh nghiệp đầu tư cho phát triển KH&CN.

Bốn là, nâng cao năng lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN. Củng cố hệ thống hội đồng KH&CN các cấp; tổ chức lại các cơ quan nghiên cứu triển khai KH&CN của tỉnh và trong các ngành, lĩnh vực. Các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp phải bố trí lãnh đạo phụ trách, cán bộ làm công tác về KH&CN. Đối với cấp huyện, cần thực hiện đúng quy định lãnh đạo phòng kinh tế hoặc phòng kinh tế và hạ tầng phụ trách KH&CN. Phân công các đồng chí Lãnh đạo Sở theo dõi, chỉ đạo hoạt động KH&CN tại các ngành, địa phương.

Năm là, nghiên cứu ban hành các chính sách, giải pháp đồng bộ trong lĩnh vực KH&CN. Tập trung vào các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, nghiên cứu - ứng dụng KH&CN, xây dựng thương hiệu...

Sáu là, cơ cấu lại các nhiệm vụ KH&CN theo hướng tập trung nguồn lực triển khai các định hướng nghiên cứu - ứng dụng KH&CN ưu tiên của tỉnh. Tiếp tục đổi mới đồng bộ cơ chế, phương thức quản lý tổ chức, hoạt động KH&CN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới như: cơ chế đặt hàng, tuyển chọn. Nghiên cứu thực hiện khoán kinh phí đến sản phẩm cuối cùng trên nguyên tắc đảm bảo tính công khai, minh bạch và hệ thống tiêu chí được xác định; đổi mới cơ chế tài chính theo hướng cơ cấu lại nội dung chi cho hoạt động nghiên cứu - ứng dụng KH&CN, giảm chi hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KH&CN.

Bảy là, thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ, mô hình phương pháp quản lý tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa... Bên cạnh đó, cần tăng cường thẩm định công nghệ dự án đầu tư theo quan điểm kiên quyết không chấp thuận các dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và môi trường; ngăn chặn công nghệ gây mất an toàn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người.

Cuối cùng, củng cố, đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng KH&CN cấp cơ sở nhằm phát huy vai trò định hướng, tư vấn, là hạt nhân phát triển hoạt động KH&CN từ cơ sở.

Trân trọng cảm ơn ông và chúc cho ngành KH&CN của tỉnh Bắc Giang tiếp tục đạt được những thành tựu nổi bật, đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện: VVH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)