Thứ tư, 22/09/2021 13:27

Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo - Yếu tố quyết định năng suất lao động của các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

PGS.TS Phan Tố Uyên

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Sau hơn 30 năm “đổi mới”, nền nông nghiệp nước ta đã có sự phát triển đáng ghi nhận: tăng trưởng nông nghiệp được đánh giá ở mức cao, ổn định, xuất siêu nông - lâm - thủy sản liên tục tăng. Hiện nay, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu sang 180 nước/vùng lãnh thổ, đứng thứ 15 trên thế giới. Tuy nhiên, hiện tại cả nước mới chỉ có 46 doanh nghiệp nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận ứng dụng công nghệ cao*.

Thông qua thực hiện đề tài “Nghiên cứu năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp tác động đến năng suất, chất lượng - áp dụng thí điểm cho doanh nghiệp nông nghiệp”, trên cơ sở khảo sát thực tế 463 doanh nghiệp nông nghiệp, nhóm nghiên cứu đã đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho doanh nghiệp nông nghiệp trong cả nước.

Những vấn đề còn hạn chế

Khảo sát 463 doanh nghiệp nông nghiệp trong 6 ngành (hình 1) tại 6 tỉnh/thành phố bao gồm: Hà Nội, Thái Bình, Huế, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, kết quả cho thấy: tỷ trọng lớn nhất là ngành dịch vụ với 184 doanh nghiệp, chiếm 40%; tiếp theo là ngành trồng trọt với 129 doanh nghiệp, chiếm 28%; ngành trồng trọt chăn nuôi hỗn hợp xếp vị trí thứ 3 với 42 doanh nghiệp, tương đương 9%. Ba ngành còn lại là thủy sản, chăn nuôi và giống lần lượt chiếm tỷ lệ 7-8-8% với tổng số 108 doanh nghiệp.

Hình 1. Kết quả khảo sát các ngành trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bằng hình thức phỏng vấn lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo các sở, ban/ngành liên quan; tham vấn ý kiến của các chuyên gia nhằm đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu đã tổng kết những vấn đề còn hạn chế của doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay ở nước ta bao gồm:

- Ngành chăn nuôi: phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ và phân tán. Chỉ có một số doanh nghiệp chăn nuôi tập trung theo trang trại và ứng dụng công nghệ cao. Chưa áp dụng công nghệ khí sinh học (biogas) vào chăn nuôi lợn nhằm quản lý phân chuồng hiệu quả; còn thiếu nguồn thức ăn chất lượng cao cho gia súc tại địa phương.

- Trồng trọt: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp còn nhiều bất cập do chưa ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ vào nông nghiệp như công nghệ sinh học, Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây...

- Thủy sản: cơ cấu ngành chưa hợp lý, đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ, giá trị gia tăng thấp, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn hạn chế, vốn đầu tư cho ngành còn khó khăn, chính sách phát triển thủy sản nhiều bất cập...

- Giống cây trồng: hầu hết các hộ dân đều tự tìm phương pháp sản xuất giống cây mà không được tập huấn về kỹ thuật ươm, trồng, chăm sóc cây giống. Các cơ sở tự ý thành lập và thuê lao động thực hiện các khâu từ đóng bầu, gieo hạt giống, chăm sóc và xuất bán mà không có sự kiểm soát, thẩm định của cơ quan chuyên môn.

- Dịch vụ: do đại dịch COVID-19, tình trạng thiếu hụt lao động, giá nông sản, sản phẩm chăn nuôi phải gánh thêm nhiều chi phí từ phí vận chuyển tăng cao đến các phí xét nghiệm virus SARS-CoV-2, thực hiện sát trùng, khử khuẩn và các khoản chi khác do thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19...

- Trồng trọt, chăn nuôi hỗn hợp: chưa áp dụng nâng cấp các cơ sở giống ở trung ương và địa phương; việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở một số vùng sản xuất giống trọng điểm không đồng bộ. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư trong các lĩnh vực đặc biệt còn hạn chế (xây dựng cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; xây dựng cơ sở sấy lúa, ngô, khoai, sắn, chế biến cà phê; cơ sở chế tạo thiết bị cơ khí bảo quản, chế biến nông sản).

Nguyên nhân của những hạn chế

Những hạn chế nêu trên bắt nguồn từ 3 nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, về nguồn nhân lực: mặc dù đội ngũ nhân sự có đủ năng lực tiếp nhận tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) chiếm tới 72% và đội ngũ nhân sự năng động, sáng tạo, có nhiều ý tưởng mới chiếm 70% (bảng 1), tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa bố trí nhân sự đúng người, đúng việc, chưa dành thời gian để đánh giá năng lực làm việc của từng “cá thể” trong mỗi công việc. Điều này không tạo được động lực, hứng khởi cho nhân viên mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả, năng suất công việc. Bên cạnh đó, mức lương chưa tương xứng với năng lực nên nhân viên chưa ổn định cuộc sống và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Nếu không có sự “đổi mới”, dự báo đến cuối năm 2021, nguồn nhân lực khối ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo, đặc biệt là lao động có thể phục vụ chuyển đổi số nền kinh tế.

Bảng 1. Đánh giá về đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp nông nghiệp.

Nội dung

Số quan sát

Thang điểm 1-5

Hiệu suất

Đội ngũ nhân sự có đủ năng lực tiếp nhận mọi tiến bộ KH&CN

463

3,6

72%

Đội ngũ nhân sự năng động, sáng tạo và có nhiều ý tưởng mới

463

3,5

70%

Trung bình

463

3,55

71%

Thứ hai, năng lực tiếp nhận và hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế. Nguyên nhân là do đối với doanh nghiệp nông nghiệp, việc huy động nguồn lực đủ lớn về tài chính và nhân lực cho hoạt động đổi mới công nghệ còn rất khó khăn. Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị động về thông tin và kinh nghiệm chuyển giao công nghệ. Trong số 463 doanh nghiệp nông nghiệp được điều tra, có 306 doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ mới trong 3 năm qua (2017-2020), chiếm 66,1%. Trong số đó, có 30 doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ thông qua đặt hàng trực tiếp từ các trường đại học hoặc viện nghiên cứu (chiếm 9,8%); 30 doanh nghiệp mua công nghệ trực tiếp của nước ngoài (chiếm 9,8%); 215 doanh nghiệp mua công nghệ từ thị trường trong nước (70,3%); 11 doanh nghiệp mua từ nguồn kết hợp trong nước và nước ngoài (3,6%) và 20 doanh nghiệp (6,5%) mua kết hợp từ các nguồn khác. Thực tế này cho thấy, các doanh nghiệp nông nghiệp tìm kiếm công nghệ từ thị trường trong nước là chính, do vậy việc đẩy mạnh hơn nữa thị trường KH&CN nội địa là rất quan trọng.

Thứ ba, trong số 463 doanh nghiệp được điều tra, tỷ lệ các doanh nghiệp có liên kết với các đối tác của chuỗi cung ứng (đầu vào, đầu ra, ngân hàng, nông dân...) dao động ở mức 50-70%. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp liên kết với các trường đại học và viện nghiên cứu còn khá khiêm tốn, chỉ ở mức 17%. Điều này phản ánh một thực tế là, hợp tác trong nghiên cứu chuyển giao công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp nông nghiệp nước ta còn yếu và rất cần vai trò thúc đẩy của Nhà nước.

Đề xuất giải pháp

Để các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho doanh nghiệp gồm:

Một là, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, Chính phủ và các bộ/ngành cần xác định việc tạo lập và thực thi chính sách nhằm nâng cao năng suất lao động trên cơ sở nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu trong nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo để năng suất lao động của Việt Nam bắt kịp các nước trong khu vực.

Hai là, các doanh nghiệp nông nghiệp cần tăng cường nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo bằng cách tạo điều kiện nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, kết hợp trao đổi kiến thức giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực doanh nghiệp; liên kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm bổ sung giáo trình giảng dạy chuyên ngành, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chủ động thành lập bộ phận thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển, áp dụng phương thức làm việc mới giúp nâng cao hiệu quả công việc. Thúc đẩy tăng trưởng năng suất, đưa năng suất các nhân tố tổng hợp thành nguồn lực có vai trò lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế.

Ba là, Nhà nước cần tăng cường xây dựng và thực hiện “Chương trình quốc gia hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo” vì hầu hết các doanh nghiệp ở nước ta đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân sách. Các hoạt động đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp nông nghiệp cần được ưu tiên là: quy trình sản xuất, chuyển giao công nghệ, marketing, hệ thống quản lý…

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)