Thứ ba, 31/08/2021 18:21

Khởi động Dự án phát hành báo cáo “Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021”

Sáng ngày 31/8/2021, lễ khởi động Dự án phát hành báo cáo “Toàn cảnh đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở Việt Nam 2021” đã chính thức diễn ra bằng hình thức trực tuyến. Đây sẽ là báo cáo đầu tiên và toàn diện nhất về ĐMST mở tại Việt Nam do nền tảng kết nối ĐMST BambuUP xây dựng và phát hành, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) thuộc Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ KH&CN.

ĐMST mở: xu hướng tất yếu

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2020 đã có gần 135.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và khoảng 3.000 công ty khởi nghiệp tại Việt Nam. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam nằm trong top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động nhất khu vực Đông Nam Á. Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển của các công ty khởi nghiệp, một hệ sinh thái hỗ trợ và tương tác giữa các thành phần kinh tế để cùng ĐMST đang dần hình thành, định hình cho hệ sinh thái ĐMST mở của Việt Nam.

Theo ông Từ Minh Hiệu (Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN), đối với từng chủ thể trong hệ sinh thái, nền tảng ĐMST mở mang lại những lợi ích khác nhau. Đối với chính phủ, nền tảng hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp trong hệ sinh thái, cụ thể hơn, đó là việc nâng cao năng suất của doanh nghiệp, hình thành một môi trường mà trong đó các doanh nghiệp liên kết giúp đỡ nhau, cổ vũ cho sự phát triển của công nghệ. Đối với công ty, đây không chỉ là cơ hội để họ tìm ra các giải pháp hữu dụng cho những vấn đề hiện tại mà còn là nơi để họ tìm ra khả năng hợp tác với những chủ thể khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST hay những doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc hợp tác với công ty, tập đoàn lớn giúp họ chuẩn bị tốt hơn cho việc gia nhập thị trường. Trong đó, phải kể đến những lợi ích như: cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư và các khách hàng tiềm năng, được hỗ trợ, tư vấn, cố vấn, đào tạo với các chuyên gia giàu kinh nghiệm và trên hết là những hợp đồng và cơ hội hợp tác.

Nhận định về tầm quan trọng của ĐMST mở, Bà Michelle Ng (chuyên gia đầu tư cấp cao, Quest Ventures, Singapore) chia sẻ: “ĐMST mở là một cách để tiếp cận các ý tưởng và tài nguyên, đồng thời phát triển các giải pháp khả thi trong một khung thời gian ngắn hơn, hiện nay cả khu vực nhà nước và tư nhân đều đang áp dụng ĐMST mở. Ở vị trí ngã giao của các nền kinh tế tăng trưởng trên thế giới - Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á càng cần phải thúc đẩy sự phát triển của ĐMST mở”.

Trong một thời đại thay đổi nhanh chóng và nhiều biến động như hiện nay, việc các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST chỉ dựa vào nguồn lực của chính mình để phát triển không còn phù hợp. Họ vừa cần phát huy sức mạnh nội tại, vừa tìm đến sự hỗ trợ từ các nguồn lực bên ngoài. Do đó, việc phát triển hệ sinh thái ĐMST mở là sự phát triển tất yếu. Từ sự phát triển này, việc thông tin toàn diện và cập nhật về hệ sinh thái ĐMST mở của Việt Nam, giúp các công ty khởi nghiệp ĐMST, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước... kịp thời nắm bắt được những xu hướng ĐMST, những cơ hội hợp tác và đầu tư mới là quan trọng và thiết thực.  

Báo cáo “Toàn cảnh ĐMST mở Việt Nam 2021”

Chia sẻ về sự ra đời của báo cáo “Toàn cảnh ĐMST mở Việt Nam 2021”, bà Nguyễn Hương Quỳnh (CEO của nền tảng kết nối ĐMST BambuUP), chủ trì dự án cho biết: “Trong quá trình tư vấn và kết nối ĐMST với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và công ty khởi nghiệp, BambuUP nhận thấy ở Việt Nam có rất nhiều giải pháp sáng tạo triển vọng. Chỉ cần các công ty khởi nghiệp được trao cơ hội, thử sức giải những bài toán lớn của doanh nghiệp, được hỗ trợ tài chính đúng thời điểm thì sẽ là đa lợi ích và là động lực phát triển cho nền kinh tế. Chúng tôi kỳ vọng, báo cáo sẽ đóng góp một phần giúp bản đồ phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam sắc nét hơn và quảng bá về các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam tới các đối tác nước ngoài”. 

Nội dung của báo cáo sẽ tập trung vào 4 chủ đề chính: 1) Xu hướng ĐMST 2021 của Việt Nam và thế giới; 2) Toàn cảnh hệ sinh thái ĐMST mở tại Việt Nam; 3) Xu hướng ĐMST trong một số lĩnh vực chính (dự kiến gồm các lĩnh vực: bán lẻ, công nghệ tài chính, công nghệ giáo dục, công nghệ chăm sóc sức khỏe, công nghệ tiếp thị và bán hàng, phát triển bền vững, chuỗi cung ứng, công nghệ nông nghiệp, du lịch và lữ hành); 4) Khảo sát các công ty khởi nghiệp.

Thông tin của Báo cáo được thu thập từ các nguồn nghiên cứu uy tín của NSSC, Văn phòng Đề án 844 (Bộ KH&CN), số liệu thống kê, thu thập trực tiếp từ việc đăng ký của các công ty khởi nghiệp, đánh giá từ các chuyên gia, khảo sát trực tiếp và trực tuyến... Đặc biệt, nội dung báo cáo được hỗ trợ bởi hơn 50 chuyên gia và 30 cố vấn trong các lĩnh vực, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp, đối tác trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại Lễ khởi động, ông Phạm Dũng Nam - Giám đốc NSSC cho biết: “Bối cảnh đại dịch Covid-19 đã đặt cả quốc gia, nền kinh tế và cả hệ sinh thái trước những khó khăn, thách thức chưa từng có, đòi hỏi hơn bao giờ hết sự đồng lòng, quyết tâm và tập trung nguồn lực nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn. Và cũng trong đại dịch này, nhu cầu cấp thiết về ĐMST, liên kết hợp tác và ứng dụng KH&CN không chỉ là phương thức, công cụ phát triển mới, mà trên hết, là một tư duy mới, một triết lý mới cho sự phát triển”. Ông nhấn mạnh 3 từ khóa của tư duy mới đó là: “ĐMST”, “mở” và “liên kết hợp tác”.

Báo cáo dự kiến được phát hành vào tháng 12/2021 dưới hai hình thức là bản in và bản mềm. Báo cáo cũng sẽ được gửi tặng đến các lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp và tiếp cận các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài thông qua mạng lưới đối tác toàn cầu của BambuUp.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)