Tốc độ chuyển độ số thần tốc của doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19
Mặc dù Covid-19 là điều không mong muốn nhưng cũng là một “Cơ” trong “Nguy”, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, của quốc gia. Khách mời Tiêu Yến Trinh cho biết, theo thống kê, tốc độ chuyển đổi số hiện nay đang diễn ra vô cùng thần tốc: trong năm 2020-2021 so với giai đoạn 2017-2019 là nhanh hơn 10 năm ở khu vực châu Á và hơn 7 năm trên toàn cầu. Tại Việt Nam, nhìn chung các doanh nghiệp đang có xu hướng kết nối lại với nhau trong tất cả các lĩnh vực và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, không chỉ riêng lẻ trong từng ngành, từng bộ phận mà là sự thay đổi mang tính tổng thể của toàn bộ hệ sinh thái của doanh nghiệp và xã hội.
Nổi bật trong số đó là ngành quản trị nhân sự với các thay đổi tích cực về mô hình kinh doanh. Để mở rộng và đưa quản trị nhân sự thành ngành mũi nhọn, bà Yến Trinh khẳng định: “Doanh nghiệp cần chú ý đến thay đổi về cơ cấu tổ chức, đồng thời tham gia vào nhiều dự án để linh hoạt hơn trong khâu điều phối nhân sự và phát triển sản phẩm mới. Doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào nội bộ. Thay vì đi theo lối mòn là làm việc tại văn phòng toàn thời gian, chúng ta hoàn toàn có thể số hóa cho nhân sự làm việc tại nhà”. Đơn cử, công ty Talentnet đến nay đã phát triển được hệ thống tự động hóa ERP PEOPLE STRONG được bảo mật tuyệt đối và thử nghiệm cho nhân sự công ty trước khi ra mắt khách hàng. Hệ thống tự động hóa các điểm chạm của nhân viên có thể giải quyết được vấn đề về thời gian và nguồn lực kinh tế, giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn.
Đối với ngành công nghệ sinh học, cụ thể là nghiên cứu về tế bào gốc tại Singapore, ông Phan Toàn Thắng cho biết, việc chuyển đổi số tại Singapore không phải là chủ đề mới mà đã được thực hiện từ rất sớm và đã gặt hái được nhiều thành công trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu. Cụ thể, doanh nghiệp của ông Toàn Thắng vận hành toàn cầu nên bài toán về quản trị nhân sự luôn phải đi kèm với chuyển đổi số và tự động hóa đa quốc gia, từ khâu thanh toán lương, đào tạo, thử nghiệm lâm sàng… Tuy nhiên, yếu tố tương tác con người vẫn cần thiết. Ngành nghiên cứu tế bào gốc vẫn luôn đòi hỏi nhân viên phải đến phòng nghiên cứu hoặc một cơ sở thí nghiệm vì không thể thực hiện tại nhà và không thể miễn trừ hoàn toàn. Ông Toàn Thắng nhận định: “Nếu không chuyển đổi số thì không thể tồn tại được”. Khi hành vi người dùng đã thay đổi, cả hệ sinh thái doanh nghiệp toàn cầu cũng thay đổi và tiếp theo đó là sự tăng trưởng của thương mại điện từ và ví điện tử, doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện chuyển đổi số để không bị bỏ lại sau lưng.
Hình ảnh trong tập phát sóng ngày 26/8/2021
Nhân sự giỏi là người quản lý được năng lượng của chính mình
Câu chuyện chuyển đổi số thật ra chính là câu chuyện của con người, bao gồm quá trình chuyển đổi tư duy, thích nghi với cách làm việc mới, cách tiếp cận mới. Ông Toàn Thắng cho biết, doanh nghiệp trong thời đại mới đã có thể nhìn rộng ra về việc sử dụng lao động toàn cầu. Ví dụ như Singapore, quốc gia này là một trong những lá cờ đầu chuyển đổi số thành công và đa số doanh nghiệp đã có nguồn nhân lực quốc tế. Việc học hỏi và tạo lập kỹ năng luôn được thực hiện trực tuyến và dễ tiếp cận. Tuy nhiên, ông Toàn Thắng cũng nhận định rằng, đội ngũ nhân sự cần phải có kiến thức nền và vốn tiếng Anh vững chắc để có thể tiếp cận và hòa nhập vào làn sóng chuyển đổi số của doanh nghiệp. Đồng tình với nhận định của ông Thắng, bà Trinh bổ sung kỹ năng tiếng Anh nên song hành với kỹ thuật số. Nguồn nhân lực trẻ trong tương lai sẽ cạnh tranh nhau trong khả năng sử dụng tiếng Anh để sống còn, tìm lấy cơ hội trong muôn vàn thách thức ở tương lai.
Đứng ở góc độ lãnh đạo của doanh nghiệp Việt Nam và Singapore, cả hai vị khách mời đều đồng ý rằng doanh nghiệp nên chú trọng đến kỹ năng tương lai của nhân viên. Theo ông Thắng, muốn giữ được mức tăng trưởng kinh tế, duy trì thu nhập tốt và phát triển một xã hội thịnh vượng, ổn định thì mỗi người lao động cần hiểu rõ tầm quan trọng của kết nối và cộng hưởng toàn cầu, đồng thời ý thức được giá trị của sự sáng tạo, cải tiến liên tục để thích nghi với chuyển đổi số.
Bà Trinh nhấn mạnh: “Một trong những điều quan trọng của nhà tuyển dụng là họ mong muốn tuyển được người luôn có năng lượng tốt nhất, bản thân mình tự quản lý được mình, anh có gặp sóng gió kiểu gì, có khủng hoảng kiểu gì anh cũng vượt qua được hết”. Để làm được điều này, theo bà Trinh, mỗi người sẽ cần tập trung phát triển 4 khía cạnh: phát triển thể chất để có đầy đủ sức khỏe làm việc (chỉ số PQ); cảm xúc để phát triển mối liên kết giữa con người với nhau (chỉ số EQ); trí tuệ để tiếp thu kiến thức và công nghệ mới cũng như khả năng tự phát triển và tự học (chỉ số IQ); cuối cùng và quan trọng nhất là trí tuệ tinh thần, nhân viên cần xác định được mục tiêu cuộc đời và doanh nghiệp nên có các hoạt động nâng cao sức khỏe tinh thần và lý tưởng sống cho đội ngũ của mình (chỉ số SQ). Ngoài ra, sự am hiểu công nghệ, thành thạo tiếng Anh, kỹ năng truyền thông và tư duy phân tích là những yếu tố tiệm cận sự hoàn hảo để đưa đội ngũ doanh nghiệp tiến xa ra thị trường toàn cầu.
Singapore - Việt Nam và cơ hội hợp tác
Theo ông Toàn Thắng, việc hợp tác trong chuyển đổi số là bắt buộc. Việt Nam và Singapore có rất nhiều cơ hội hợp tác vì quan hệ giữa hai quốc gia vẫn luôn rất tốt đẹp trong vòng 40 năm qua. Cả hai nước đều có tư duy châu Á nên thuận lợi cho việc học cùng nhau, thử thách ở đây là chấp nhận các khác biệt vẫn còn tồn tại và chọn lọc kiến thức để học hỏi.
Bà Yến Trinh cũng nhận định, trong vòng 5 năm tới, tất cả những doanh nghiệp có tiềm năng trong ngành công nghệ, dịch vụ, ngành có những sản phẩm đặc thù đều nhắm đến thị trường khu vực ASEAN. Singapore là một quốc gia tiềm năng để mở văn phòng trụ sở chính và xây dựng, nâng tầm doanh nghiệp và Việt Nam hoàn toàn có nhiều cơ hội để kết nối cùng Singapore trong các hoạt động kinh doanh, tăng cường sự kết nối về mặt kinh tế của hai nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Lao động Singapore đã và đang kết nối với các viện quản trị nguồn nhân lực Singapore để xây dựng Bộ kỹ năng tương lai ở Singapore. Bộ Kỹ năng này cung cấp các giải pháp để doanh nghiệp tham khảo, so sánh và xây dựng riêng một bộ kỹ năng riêng cho doanh nghiệp của mình. Thêm vào đó, Viện Quản trị Singapore là trung tâm đào tạo chuyên về kỹ năng lãnh đạo và quản lý cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Singapore. Chính phủ Singapore sẽ tài trợ cho một phần chi phí đào tạo cho doanh nghiệp để góp phần khuyến khích doanh nghiệp phổ cập kiến thức cho nhân viên. Đây là một trong những mô hình mà Việt Nam có thể học hỏi từ Singapore để phổ cập năng lực và kỹ năng cho đội ngũ lãnh đạo và quản lý trong hệ thống của các doanh nghiệp vừa và nhỏ - đối tượng doanh nghiệp đang rất cần được hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi số.
Dung Trần