Theo các nhà khoa học của Massachusetts Institute of Technology, lớp phủ hạt giống này lấy cảm hứng từ lớp phủ tự nhiên trên một số loại hạt như hạt chia và húng quế, được thiết kế để bảo vệ hạt không bị khô. Nó cung cấp một lớp phủ giống như gel, bền bỉ giữ ẩm và bao bọc hạt giống. Lớp thứ hai, bên trong của lớp phủ chứa các vi sinh vật được bảo tồn được gọi là vi khuẩn rhizobacteria và một số chất dinh dưỡng giúp chúng phát triển. Khi tiếp xúc với đất và nước, các vi sinh vật sẽ cố định nitơ vào đất, cung cấp cho cây con đang phát triển với dinh dưỡng từ phân bón.
Các cuộc thử nghiệm ban đầu sử dụng đất từ các trang trại thử nghiệm của Maroc đã cho thấy kết quả đáng khích lệ và hiện các cuộc thử nghiệm thực địa đối với hạt giống đang được tiến hành. Theo các nhà nghiên cứu, nếu các lớp phủ chứng minh được giá trị của chúng thông qua các thử nghiệm tiếp theo, thì các lớp phủ này đủ đơn giản để có thể được áp dụng ở cấp địa phương, hay ở những vùng xa của các nước đang phát triển (lớp phủ đầu tiên có thể thực hiện bằng nhúng, sau đó là lớp thứ hai có thể phun lên). Các vật liệu cần thiết cho lớp phủ luôn có sẵn và thường được sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm. Các vật liệu này cũng có thể phân hủy sinh học hoàn toàn và bản thân một số hợp chất có nguồn gốc từ chất thải thực phẩm, tạo điều kiện cho các hệ thống kín tái chế chất thải của chính chúng. Mặc dù quá trình này sẽ làm tăng chi phí, nhưng nó cũng có thể tiết kiệm thông qua việc giảm nhu cầu nước và phân bón. Sự cân bằng giữa chi phí và lợi ích vẫn phải được xác định thông qua các nghiên cứu sâu hơn.
Các thử nghiệm ban đầu với các loại đậu thông thường đã cho kết quả đầy hứa hẹn thông qua các chỉ tiêu theo dõi như khối lượng rễ, chiều cao thân, hàm lượng diệp lục... Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu toàn bộ quá trình trồng từ hạt giống với lớp phủ cho đến thu hoạch để khẳng định giá trị của nó.
Thanh Trúc (theo Sciencedaily)