Thứ tư, 23/06/2021 11:30

Chip phát hiện đột quỵ

Mới đây, các nhà khoa học từ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Đại học Harvard) và Trường Y Feinberg (Đại học Northwestern), Hoa Kỳ đã phát hiện ra một con chip nhỏ có thể được đặt dưới da giúp dự đoán khả năng tái đột quỵ lần 2.

(Ảnh: Harvard Gazette).

Với những bệnh nhân đã trải qua các dạng đột quỵ thể nhẹ, một con chip nhỏ được đưa vào dưới da họ, có thể giúp bác sỹ dự đoán khả năng bị đột quỵ lần thứ 2, từ đó, cung cấp các liệu pháp dự phòng. Phát hiện này đến từ một thử nghiệm lâm sàng được công bố gần đây trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ.

Mỗi năm, có khoảng 800.000 ca đột quỵ xảy ra ở Hoa Kỳ, trong đó, 1/4 trường hợp xảy ra ở những người đã có tiền sử đột quỵ. Các nhà nghiên cứu đã và đang tìm cách xác định những bệnh nhân có khả năng tái đột quỵ, vì đó sẽ là những tình nguyện viên dùng các loại thuốc được chỉ định, như thuốc làm loãng máu. Nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao bị đột quỵ tái phát là những người bị rung nhĩ - nhịp tim không đều và nhanh - thường không được phát hiện và do đó không được điều trị (nhịp tim không đều có thể khiến máu đọng lại trong tim, từ đó hình thành cục máu đông và di chuyển đến não).

Những nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng, một con chip nhỏ được gắn dưới da có thể theo dõi nhịp tim, đồng thời giúp các bác sỹ phát hiện chứng rung tâm nhĩ ở những bệnh nhân trước đây từng trải qua cơn đột quỵ không rõ nguồn gốc (Cryptogenic stroke), mặc dù đã được kiểm tra kỹ lưỡng. Hiện các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm con chip này (dài chưa đến 1¾ inch và dày 1/6 inch) trên những bệnh nhân đã trải qua những cơn đột quỵ do hẹp động mạch cảnh hoặc tắc nghẽn động mạch nhỏ sâu trong não (thuyên tắc từ tim) - còn được gọi là rung nhĩ.

Trong thử nghiệm STROKE AF, 492 bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên và hoàn thành 12 tháng theo dõi sau khi chèn một con chip dưới da trong vòng 10 ngày kể từ khi bị đột quỵ hoặc sử dụng các phương pháp theo dõi tim bên ngoài thông thường như bằng điện tâm đồ… Kết quả cho thấy, 12,1% bệnh nhân được phát hiện rung tâm nhĩ khi sử dụng con chip này, trong khi các phương pháp thông thường chỉ phát hiện được 1,8%. Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng, các đợt rung nhĩ không hề ngắn, hầu hết kéo dài ít nhất một giờ. Do vậy, các chuyên gia khuyên bệnh nhân bị rung nhĩ ở mức độ này nên bắt đầu dùng thuốc làm loãng máu để ngăn ngừa đột quỵ trong tương lai.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, một số trường hợp bị đột quỵ do rung nhĩ không hề có dấu hiệu trước đó và chỉ được phát hiện khi quan sát kết quả của thử nghiệm sử dụng chip theo dõi. Bệnh nhân nên được theo dõi tim trong thời gian dài để tránh tình trạng rung nhĩ bất thường. Cứ 8 bệnh nhân được theo dõi bằng chip, các bác sỹ có thể phát hiện ra rung nhĩ ở một trong số họ ngay trong năm đầu tiên. Điều này có thể thay đổi đáng kể các khuyến nghị điều trị của bác sỹ.

Bước tiếp theo trong nghiên cứu này bao gồm việc xác định các dấu hiệu của bệnh nhân, để dự đoán sự phát triển của rung nhĩ, thời gian và mức độ rối loạn nhịp tim. Các nghiên cứu bổ sung đang được tiến hành để hiểu sâu hơn về mối liên quan của rung nhĩ “thầm lặng” và chứng đột quỵ tái phát.

Bắc Lê

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)