Thứ ba, 25/05/2021 14:43

Đặc sản của Na Hang, Tuyên Quang được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Mới đây, chè Shan tuyết Na Hang của tỉnh Tuyên Quang đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00104 (theo Quyết định số 1167/QĐ-SHTT ngày 23/4/2021 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ). Đây là chỉ dẫn địa lý thứ hai của tỉnh Tuyên Quang được bảo hộ sau chỉ dẫn địa lý cam sành “Hàm Yên”. UBND huyện Na Hang là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Khu vực địa lý được bảo hộ là các xã: Sinh Long, Thượng Giáp, Thượng Nông, Hồng Thái, Khâu Tinh, Sơn Phú thuộc huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Đặc sản vùng cao

Chè Shan tuyết Na Hang là một sản phẩm có từ lâu đời và nổi tiếng của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Những năm trước cách mạng tháng 8, nhận thấy giá trị của những cây chè cổ thụ tại Na Hang, người Pháp đã bắt dân phu lên núi hái chè. Khi thu hoạch, dân phu trong vùng phải sao chè rồi dùng ngựa thồ chè đến đồn Pháp ở xã Hồng Thái (huyện Na Hang). Chè Shan tuyết Na Hang được mọc tự nhiên hoặc được bà con trồng quảng canh ở độ cao trung bình 800-1000 m so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, độ ẩm không khí trung bình năm 85% nên chè Shan tuyết có nhiều tuyết trắng. Sản phẩm có màu đen xanh hơi xám bạc, khi pha chè nước có màu xanh sáng, vị chát dịu và rõ hậu ngọt khi uống.

Chè thành phẩm Shan tuyết ngon, trước hết nguyên liệu chế biến (búp chè tươi) phải có chất lượng tốt. Chất lượng búp chè phụ thuộc vào thành phần các chất có trong lá chè, là kết quả của một chuỗi quá trình tác động và trao đổi chất giữa cây chè với môi trường xung quanh và giữa các yếu tố nội tại trong cây. Với chè Shan tuyết Na Hang, hàm lượng chất hòa tan là 31,23-33,33%, hàm lượng tanin 28,12-29,97%, hàm lượng catechin tổng số 148,14- 68,51 mg/g, hàm lượng Epigalocatechin galat (EGCG) 0,87- 0,89%, hàm lượng tro từ 4,70 - 5,90%.

Điều kiện tự nhiên phù hợp

Na Hang mang đặc trưng của một huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang, địa hình bị chia cắt mạnh có nhiều núi cao hiểm trở và nhiều thung lũng. Các xã trồng chè Shan tuyết Na Hang nằm ở độ cao lớn, đặc biệt xã Hồng Thái có điểm cao nhất trên 1.200 m, nhờ vậy, hàm lượng tanin và chất hòa tan trong chè Shan tuyết Na Hang cao. Điều này được lý giải do tại những vùng núi cao, tia cực tím có bước sóng ngắn bị hấp thụ bởi khí quyển nhiều hơn. Do ở độ cao lớn nên huyện Na Hang có khí hậu mát mẻ quanh năm, độ ẩm không khí trung bình năm 85%, biên độ nhiệt độ ngày đêm lớn (10-15oC). Sự chênh lệch về biên độ ngày đêm lớn là một trong những điều kiện thuận lợi để cây chè Shan tuyết Na Hang trao đổi chất, tích lũy dưỡng chất tạo ra hương vị riêng của chè Shan tuyết Na Hang.

Bên cạnh đó, đặc sản chè Shan tuyết Na Hang có được còn do đặc điểm thổ nhưỡng và phương pháp sản xuất đặc thù. Cụ thể là giống chè Shan tuyết đưa vào canh tác tại khu vực địa lý là những cây chè được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn từ cây đầu dòng. Đất trồng tại huyện Na Hang có hàm lượng các chất đa lượng và trung lượng thấp hơn so với đất trồng tại huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang). Hàm lượng các chất đa lượng và trung lượng trong đất trồng chè thấp một phần do khí hậu mát mẻ quanh năm nên quá trình phong hóa của đất bị chậm lại, và một phần do người dân chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học. Chất đa và trung lượng trong đất thấp thì cây hấp thu ít, đây là một trong những nguyên nhân không làm tăng hàm lượng chất tro trong chè Shan tuyết Na Hang (tro càng thấp thì chè Shan tuyết càng ngon).

Con đường phía trước - Phát triển “thương hiệu”

Những yếu tố tự nhiên và kinh nghiệm có được của người dân trồng chè Shan tuyết đã tạo nên sản phẩm có chất lượng, là niềm tự hào của người dân Na Hang nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung. Tuy nhiên để khai thác giá trị gia tăng mà chỉ dẫn đại lý chè Shan tuyết Na Hang đem lại, cơ quan quản lý, cụ thể là UBND huyện Na Hang và bà con trồng chè cần đồng lòng xây dựng, duy trì và phát triển “thương hiệu”, mang giá trị chè Shan tuyết Na Hang đến với thế giới.

Huyện Na Hang thuộc tỉnh Tuyên Quang, hiện có số lượng chè Shan Tuyết lên đến trên 1.300 ha, được trồng chủ yếu tại các xã Hồng Thái, Sinh Long và Sơn Phú. Đặc biệt, trong các xã trồng chè Shan Tuyết Tuyên Quang thì ở đỉnh núi Kia Tăng thuộc xã Hồng Thái được coi là “thủ phủ” với bạt ngàn những cây chè shan tuyết. Hiện nay, tổng diện tích vùng nguyên liệu chè Shan tuyết trên địa bàn xã Hồng Thái là trên 64 ha, trong đó có 29 ha chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có 35 ha chè trồng trên 25 năm tuổi đang được Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang liên kết với các hộ dân trên địa bàn bảo vệ chăm sóc và thu hái.

Hiện nay, Hợp tác xã Sơn Trà có trên 20 ha đã được công nhận chuyển đổi năm thứ nhất phù hợp với các yêu cầu của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam; đủ điều kiện đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (Organic). Nhờ vậy, giá bán sản phẩm từ 250.000 đồng/kg đến 1.200.000 đồng/kg. Sản phẩm chè Shan tuyết của Hợp tác xã Sơn Trà là “ba không”: (1) không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; (2) không pha chế, ướp hương liệu; (3) không bón phân vô cơ. Đây là hướng đi đúng đắn, sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, theo nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng. Hướng đi này hy vọng sẽ là mô hình cho các xã khác được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của huyện Na Hang học tập, góp phần tạo ra giá trị gia tăng cao cho chè Shan tuyết sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

N.T.N




 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)