Thứ ba, 25/05/2021 09:06

Thương mại hóa+: Nâng cao tác động tích cực của khoa học bằng thương mại hóa

Ngày 18/5/2021, Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia (Aus4Innovaiton) đã chính thức công bố sổ tay “Thương mại hóa+”. Tài liệu này được đánh giá là rất hữu ích đối với các chuyên gia, nhà nghiên cứu với mong muốn thương mại hóa (TMH) kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm tạo tác động tích cực và phát triển bền vững. Đây cũng là một trong những kết quả hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có ý nghĩa giữa Việt Nam và Australia. Bài viết giới thiệu một số nét chính của tài liệu này với mong muốn “TMH +” đến được với đông đảo độc giả, đặc biệt là các nhà nghiên cứu.

TMH+ - Tiếp cận bền vững

Theo định nghĩa của tài liệu thì TMH kết quả nghiên cứu khoa học là quá trình kết nối nghiên cứu với ngành sản xuất để hiện thực hóa các tác động từ nghiên cứu khoa học. TMH+ là một quy trình linh hoạt, trong đó các bước và các hoạt động được phối hợp một cách rõ ràng, hướng tới tạo tác động ngoài mục đích lợi nhuận hoặc lợi ích kinh tế. Quy trình được xây dựng dựa trên thông lệ quốc tế tốt nhất và dựa trên các chính sách về đổi mới sáng tạo của Việt Nam nhằm mang lại kết quả phát triển bền vững hoặc tác động tới tam giác bền vững: kinh tế - môi trường - xã hội.

Quy trình thương mại hóa+.

Các phương pháp tiếp cận TMH kết quả nghiên cứu khoa học truyền thống được xây dựng dựa trên khái niệm cho rằng chuyển giao công nghệ là một quá trình tuyến tính, là quá trình thúc đẩy công nghệ từ giai đoạn ý tưởng tới giai đoạn bảo vệ ý tưởng, bán ý tưởng và cuối cùng là tác động kinh tế. Kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, cách tiếp cận này có rất nhiều thiếu sót và sẽ hạn chế việc hiện thực hóa tác động từ nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Phương pháp TMH+ giải quyết những thiếu sót này thông qua sự hiểu biết sâu sắc về tác động và các yếu tố dẫn đến thành công. Phương pháp này chuyển đổi phương pháp tiếp cận tuyến tính thành phương pháp lặp đi lặp lại, thích ứng và được thiết kế hướng tới mang lại tác động. TMH+ thừa nhận rằng, mọi dự án đều có sự cân bằng giữa các tác động tích cực và tiêu cực tiềm ẩn - một dự án không bao giờ có thể chỉ có tác động tích cực và cần phải cân nhắc về việc đánh đổi nếu dự án đó không mang lại lợi ích bền vững. Có thể nói tác động từ TMH kết quả nghiên cứu là những tác động được tạo ra thông qua thị trường sau khi nghiên cứu được TMH và được sử dụng bởi những người không thuộc nhóm nghiên cứu. Các tác động có thể tích cực và tiêu cực, có chủ đích hoặc ngoài ý muốn.

Tại sao nên tiếp cận theo hướng “TMH+”?

Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước nhờ vào công cuộc Đổi mới được chính thức khởi xướng từ Đại hội đại biểu toàn quốc của lần thứ VI Đảng (năm 1986). Chính sách Đổi mới được thực hiện vào năm 1986 làm cho kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một quốc gia có thu nhập trung bình với hơn 2/3 dân số đã thoát nghèo, GDP bình quân đầu người tăng nhanh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sự phát triển lại không đồng đều, người dân tộc thiểu số và nông thôn, bao gồm cả phụ nữ bị bỏ lại phía sau. Tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa nhanh chóng cũng không có lợi cho môi trường và thiên nhiên do việc khai thác quá mức nguồn nước, thủy sản, đất đai, rừng… cũng như ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Điều này làm giảm cơ hội sử dụng tài nguyên thiên nhiên, khả năng phục hồi và đem lại phúc lợi cho các hộ gia đình, ảnh hưởng tiêu cực đến ít nhất 1/4 dân số sống dựa vào các tài nguyên này để có thu nhập và sinh kế. Điều này cũng làm Việt Nam dễ bị tổn thương hơn trước các tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng trong tương lai, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Việc biến các kết quả nghiên cứu và đổi mới sáng tạo thành các sản phẩm, quy trình và dịch vụ hữu ích có tác động lớn đến việc cải thiện cuộc sống và phát triển kinh tế. TMH kết quả nghiên cứu đang ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, biến Việt Nam trở thành một nhân tố quan trọng hơn trên trường quốc tế. Tập trung vào TMH kết quả nghiên cứu cho phép Việt Nam đẩy nhanh việc giải quyết các vấn đề quốc gia và toàn cầu ở quy mô lớn và thu hút các cơ hội đầu tư và phát triển mới. Là một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc và để tuân thủ các quy định quốc gia, quá trình TMH kết quả nghiên cứu ở Việt Nam cần tích hợp các tác động về môi trường, xã hội và kinh tế vào các mục tiêu phát triển để đảm bảo việc đáp ứng các cam kết đối với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực của việc tăng trưởng.

Tác động lên tam giác bền vững (kinh tế - xã hội - môi trường) là động lực lớn nhất của TMH+, bao gồm các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, sản xuất nông nghiệp, phục hồi và bảo vệ môi trường, tính bền vững, giáo dục, ứng dụng công nghiệp vào cuộc sống hàng ngày. Quá trình này tập trung vào việc mang lại lợi ích kinh tế từ kết quả nghiên cứu cho người sử dụng và cả đất nước, đồng thời đảm bảo rằng các lợi ích xã hội và môi trường được nâng cao ở những nơi có khả năng, giảm thiểu các tác động tiêu cực để tạo ra tác động rộng nhất cho sự phát triển bền vững lâu dài.

Đối với các tổ chức nghiên cứu, việc theo đuổi một dự án TMH nghiên cứu toàn diện và bền vững hơn (TMH+) có thể đem lại những lợi ích bổ sung vô cùng to lớn, bao gồm việc thu hút tài trợ cho các cơ hội nghiên cứu mới. Điều này có thể mang tới cơ hội cho các quan hệ đối tác và hợp tác lâu dài với khu vực tư nhân và chính phủ, tạo ra việc đồng sáng tạo các giải pháp. Đưa nghiên cứu ứng dụng ra thị trường còn có thêm lợi ích là nâng cao danh tiếng của các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế, thu hút các nhà khoa học và sinh viên giỏi nhất, tăng cường cơ hội TMH kết quả nghiên cứu và tác động bền vững.

TMH+ có thể chuyển đổi ý tưởng nghiên cứu thành sản phẩm và/hoặc dịch vụ để toàn xã hội có thể tiếp cận, mang lại lợi ích cho các trường đại học hoặc các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp, ngành sản xuất, kinh tế vùng, quốc gia cũng như cả xã hội nói chung. Đối với các trường đại học hoặc các tổ chức nghiên cứu, TMH+ có thể mang lại một nguồn kinh phí để hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu trong tương lai; đối với cá nhân nhà nghiên cứu TMH+, có thể giúp xây dựng uy tín là người/đơn vị dẫn đầu trong việc đưa ra giải pháp cho ngành sản xuất; đối với các doanh nghiệp và ngành sản xuất, TMH+ có thể hỗ trợ khả năng khai thác các kết quả nghiên cứu mà không cần đầu tư cho nghiên cứu và phát triển nội bộ, từ đó tạo ra các sản phẩm mới có thể thúc đẩy sự thành công của doanh nghiệp; đối với kinh tế khu vực và quốc gia, TMH+ có thể mang lại những khả năng mới giúp tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo nhiều việc làm hơn...

Tập trung đặc biệt vào TMH trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm

TMH+ là tài liệu tham khảo thực tế cho các nhà nghiên cứu và chuyên gia TMH trong các trường đại học và tổ chức nghiên cứu tại Việt Nam về tiến trình TMH kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Tài liệu này cung cấp một cách tiếp cận toàn diện, từng bước, giúp họ TMH kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hướng đến tạo tác động tích cực bền vững, cân nhắc các yếu tố xã hội và môi trường chứ không chỉ tập trung vào doanh thu. Để hỗ trợ hướng dẫn hiệu quả, tài liệu được chia thành 4 chương. Mỗi chương nhằm mục đích xây dựng dựa trên kiến thức từ các chương trước nhưng có thể được sử dụng riêng lẻ, tùy thuộc vào kinh nghiệm của người đọc và vai trò của họ trong tiến trình TMH.

Chương 1: Giới thiệu về TMH+: cung cấp cho người đọc tổng quan về TMH+, bao gồm các nguyên tắc hướng dẫn, nguyên nhân tại sao kết quả TMH thành công lại quan trọng đối với việc phát triển bền vững, phương cách mà TMH có thể tạo tác động tích cực, tổng quan về các bước chính trong tiến trình TMH+ và vai trò quan trọng của đơn vị chuyển giao công nghệ trong việc hỗ trợ các tiến trình TMH thành công.

Chương 2: Tổng quan về các quy định và yêu cầu pháp lý nền tảng cho TMH+: cung cấp cho người đọc tổng quan về các yêu cầu pháp lý và quy định đối với việc chuyển giao công nghệ, bao gồm chuyển giao tài sản công, bảo hộ các sản phẩm và dịch vụ KH&CN, các quy trình và quy định công bố thông tin tại Việt Nam và trên thế giới.

Chương 3: Hướng dẫn từng bước về tiến trình TMH+: giải thích từng bước của tiến trình TMH+ với các hướng dẫn và lời khuyên nhằm hỗ trợ việc ra quyết định trong các bước. Chương này cũng sẽ giới thiệu một loạt các công cụ, thủ thuật, tóm tắt các nghiên cứu điển hình và các tài liệu tham khảo hữu ích để hỗ trợ việc thực hiện từng bước.

Các bước của tiến trình TMH+.

Chương 4: Các công cụ, biểu mẫu, các nghiên cứu điển hình: cung cấp cho người đọc các công cụ, biểu mẫu, các nghiên cứu điển hình từ Chương 3 để người đọc có thể dễ dàng tham khảo và áp dụng.

Các ví dụ trong tài liệu này tập trung đặc biệt vào ngành nông nghiệp và thực phẩm. Các công nghệ sử dụng trong ngành nông nghiệp và thực phẩm có những điều kiện riêng biệt và cần được xem xét khi tiến hành tiến trình TMH, bao gồm: i) Khung thời gian phát triển dài hơn bình thường - ảnh hưởng đến lợi tức đầu tư; ii) Các phương cách thương mại đặc thù - yêu cầu các chiến lược TMH khác nhau; iii) Các cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khác biệt - ảnh hưởng đến tổng thể chiến lược TMH; iv) Nhiều yêu cầu khác nhau của người dùng cuối - làm thay đổi thiết kế của dự án và khung thời gian hoàn thiện, đặc biệt là do rất nhiều người dùng cuối là nông dân sản xuất nhỏ và doanh nghiệp vừa và nhỏ với sức mua hạn chế; v) Giới hạn về mô hình đối tác và nhà tài trợ - ảnh hưởng đến cơ chế thực hiện TMH, đặc biệt là ở Việt Nam - nơi có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông dân sản xuất nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thương mại nông sản; vi) Khung pháp lý phức tạp có khả năng làm tăng chi phí, thời gian và ảnh hưởng đến khả năng TMH; vii) Các giao dịch mang tính dài hạn - yêu cầu các quan hệ đối tác phải có các nguồn tài trợ linh hoạt; và viii) Nhiều yêu cầu về kỹ năng kỹ thuật - ảnh hưởng đến việc gia nhập thị trường.


*

*       *

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu và biên soạn tài liệu TMH+ thì phương pháp tiếp cận của TMH+ được phát triển dựa trên các phương pháp thực hành tốt nhất trên thế giới về TMH kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đồng thời được phát triển phù hợp các quy định pháp lý về TMH tại Việt Nam. Tài liệu được soạn thảo nhằm hỗ trợ Việt Nam tiến đến gần hơn các mục tiêu và cam kết phát triển bền vững. Nó được phát triển dựa trên các nguyên tắc cơ bản với trọng tâm phát triển bền vững, tức là không chỉ hướng đến kết quả kinh tế (lợi nhuận) mà còn tính đến cả yếu tố xã hội (con người) và môi trường. Các nguyên tắc này được mô tả rõ rệt ngay từ bước đầu tiên của tiến trình TMH+ và được lồng ghép trong các bước của tài liệu nhằm nâng cao nhận thức phát triển bền vững cho người sử dụng.

Nhóm biên soạn sổ tay “TMH+”

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)