Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân
Tiếp nối thành công từ sự hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia với Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền trong Chương trình canh tác lúa thông minh giai đoạn 2016-2020. Tháng 11/2020, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai Chương trình canh tác lúa thông minh tại ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu năm 2021-2022 tại 12 địa phương của ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre do đặc thù riêng). Vụ đông xuân 2020-2021, có 47 hộ nông dân tại 12 địa phương tham gia mô hình canh tác lúa thông minh, với diện tích 24 ha. Nông dân đã thực hiện theo quy trình canh tác lúa thông minh do Ban cố vấn của Chương trình biên soạn, trong đó áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật tiên tiến như: quản lý nước ướt - khô xen kẽ để tiết kiệm nước, quy trình canh tác 1 phải - 5 giảm, 3 giảm - 3 tăng… Đặc biệt, với nguồn giống lúa, nông dân được khuyến cáo sử dụng giống từ cấp xác nhận trở lên, chọn giống tốt phù hợp với từng vùng và gieo sạ từ 80 kg/ha trở xuống. Thực hiện giảm lượng sử dụng phân bón và số lần phun thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo của khuyến nông địa phương, của cán bộ kỹ thuật Chương trình và dựa theo thực tế diễn biến đất, nước, thời tiết trong mùa vụ. Nông dân tham gia mô hình sẽ được các cán bộ kỹ thuật của Công ty hỗ trợ phân tích mẫu đất, lắp đặt trạm quan trắc đo độ mặn, cung cấp thiết bị cầm tay để đo độ mặn, phèn và sử dụng bộ sản phẩm phân bón chuyên dùng của Công ty, trong đó đáng chú ý là phân bón lót Đầu Trâu mặn, phèn. Đặc biệt, để hỗ trợ người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, Công ty đã đầu tư lắp đặt 8 trạm quan trắc mới tại các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang; chuyển giao bút đo độ mặn cầm tay và bộ test PH cho cán bộ kỹ thuật và nông dân; lấy mẫu đất ở tất cả các ruộng trong mô hình để phân tích, đồng thời tập huấn thăm đồng cho 1.500 lượt nông dân với sự hỗ trợ của các nhà khoa học và cán bộ kỹ thuật.
Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng BĐKH được thực hiện tại tỉnh Cà Mau trong vụ đông xuân.
Kết quả vụ sản xuất đông xuân năm 2020-2021 trong mô hình cho thấy, nông dân đã giảm được 34 kg giống/ha so với đối chứng, chi phí đầu tư bình quân 18,768 triệu đồng/ha (đối chứng là 19,583 triệu đồng/ha)... Có những mô hình ở TP Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, chi phí đầu tư đã giảm hơn 3 triệu đồng/ha, trong đó phần giảm lớn nhất từ thuốc bảo vệ thực vật. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường sống. Phân bón trong mô hình cũng được tiết giảm khá nhiều (lượng đạm nguyên chất giảm bình quân 19,2 kg/ha, lân giảm 24,1 kg/ha và kali giảm 5,9 kg/ha). Năng suất lúa trong mô hình canh tác cao hơn diện tích đối chứng khoảng 6,6%, tương đương 550 kg/ha. Các mô hình đều cho lợi nhuận cao hơn đối chứng 1,4-6,6 triệu đồng/ha, trong đó cao nhất là tại các tỉnh Vĩnh Long và Kiên Giang. Đặc biệt, mô hình đã giúp nâng cao nhận thức của bà con nông dân trong điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, điều kiện canh tác khó khăn, cần phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất bằng các giải pháp như bón phân cân đối, hợp lý, thay đổi tập quán gieo sạ dày của nông dân sang sạ thưa, quản lý tiết kiệm nước, quản lý dịch hại theo IPM…
Giải pháp nhân rộng mô hình
Thống kê cho thấy, những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu đã hiện hữu trong đời sống của người dân ĐBSCL, xuất hiện ngày càng nhiều các yếu tố thời tiết cực đoan, hạn hán, xâm nhập mặn và tình trạng khan hiếm nguồn nước ngọt trong mùa khô. Do vậy, việc hỗ trợ nông dân canh tác lúa thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu là rất cần thiết.
Theo ông Trần Văn Nhãn - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và Nước sạch Nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp), cần tiếp tục phát huy và nhân rộng các giải pháp kỹ thuật trong mô hình canh tác lúa thông minh. Từ mô hình canh tác lúa thông minh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cho thấy, hiệu quả kinh tế của người nông dân không chỉ được nâng cao mà còn giảm các tác động xấu đến môi trường. Nông dân đã giảm nhiều chi phí sản xuất nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa và giảm lượng sử dụng giống, phân bón, đặc biệt các mô hình tại địa phương đã giảm được tới 5 lần phun thuốc bảo vệ thực vật.
Để nhân rộng mô hình hiệu quả trên, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc tăng cường các hoạt động tập huấn và hỗ trợ để nông dân thực hiện mô hình, chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm, tập hợp các giải pháp kỹ thuật hay nhằm hoàn thiện các tài liệu, video hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa thông minh để phổ biến rộng rãi cho người dân trồng lúa xem và học tập làm theo. Đặc biệt, cần quan tâm đến những giải pháp kỹ thuật then chốt, mới và khác biệt tạo ra hiệu quả mô hình so với các giải pháp kỹ thuật đã có. Từ đó, tập trung ứng dụng những cái mới một cách đồng bộ, có thể có những nghiên cứu, thử nghiệm, bổ sung để biết cách vận dụng những tiến bộ kỹ thuật trong điều kiện đất, nước, khí hậu của từng vùng miền và biết cách xử lý tình huống một cách khéo léo…
Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền - Ngô Văn Đông khẳng định, Công ty cam kết tiếp tục đồng hành thực hiện mô hình, giúp người nông dân sản xuất lúa ở khắp các vùng miền đất nước bớt đi nỗi vất vả, nhọc nhằn, có thu nhập ngày càng cao, làm giàu được từ chính đồng ruộng của mình. Từ những hiệu quả đã thấy rõ mà mô hình mang đến, Công ty cũng mong các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị liên quan tích cực vào cuộc, giúp cho canh tác lúa thông minh không chỉ dừng lại ở những mô hình đã triển khai ở ĐBSCL mà còn được áp dụng trên những cánh đồng lớn trong cả nước.
Phạm Danh Quý