Thứ năm, 13/05/2021 15:25

Sâu bột Tenebrio molitor L. có trở thành “thực phẩm mới”?

GS.TS Bùi Công Hiển

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên

Đại học Quốc gia Hà Nội

Mới đây, các quốc gia của Liên minh châu Âu (EU) đã "bật đèn xanh" đối với đề xuất đưa ấu trùng Sâu bột Tenebrio molitor L. vào thị trường khối này như một loại "thực phẩm mới". Đề xuất được đưa ra sau khi Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) công bố một kết quả nghiên cứu vào đầu năm 2021 cho thấy, sâu bột an toàn đối với sức khỏe con người khi ăn. Vậy Sâu bột có ở Việt Nam không và giá trị của chúng khi được dùng làm thực phẩm như thế nào?

Sâu bột là gì?

Sâu bột là một loài Cánh cứng thuộc họ Tenebrionidae, có tên tiếng Anh là Mealworms hay mealworm beetle; vào năm 1758 được Linneus định tên khoa học là Tenebio molitor. Loài này có nguồn gốc ở châu Âu, nằm trong danh sách những loài côn trùng hại kho (ngũ cốc, bột mì và thực phẩm), nhưng không trầm trọng.

Giống như tất cả các loài côn trùng biến thái hoàn toàn, Sâu bột trải qua 4 giai đoạn phát triển: trứng, ấu trùng, nhộng và trưởng thành. Ấu trùng tuổi cuối thường có màu vàng nâu nhạt, dài 2-3,2 cm và nặng 130-160 mg; trưởng thành thường có chiều dài khoảng 1,25-1,8 cm. Nhiệt độ thích hợp cho Sâu bột phát triển là 15-25oC; <10oC Sâu bột sẽ rơi vào trạng thái diapause (tiềm sinh). Ấu trùng Sâu bột thuộc nhóm ăn tạp, có thể ăn cám ngũ cốc, lúa mì, yến mạch, ngô và bổ sung trái cây, rau tươi (cà rốt, khoa tây, rau diếp) để tạo độ ẩm hoặc bổ sung nguồn protein như bột đậu nành, sữa gầy hay men… Loài này có thể nuôi được 6 thế hệ mỗi năm.

Ở Việt Nam, Sâu bột được coi là bắt nguồn từ Địa Trung Hải, nhưng chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và xem là “mọt lạ” (sinh vật ngoại lai) với tên gọi “Mọt bột vàng”. Ấu trùng Sâu bột được bày bán nhiều ở Hà Nội để dùng làm thức ăn cho chim cảnh.

Một số người nhầm lẫn loài sâu này với sâu Super worm (còn gọi là Sâu quy, Sâu gạo hay Sâu rồng). Do sự nhầm lẫn này mà Sâu bột bị coi là loài xâm lấn, mặc dù nó không có khả năng phát triển ngoài tự nhiên ở Việt Nam. Một số báo địa phương do nhầm lẫn (không phân biệt được Sâu bột với Sâu quy) đã có những bài viết cảnh báo cộng đồng về nguy cơ tương tự như Ốc bươu vàng. Có ý kiến cho rằng, dù không gây hại nhưng cần phải cấm nuôi vì không có trong danh mục được cho phép nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Giá trị dinh dưỡng của thực phẩm từ Sâu bột

Côn trùng làm thực phẩm chăn nuôi và cho người ngày càng được quan tâm trong những năm gần đây. Chúng có thể đại diện cho một nguồn protein và vi chất dinh dưỡng thay thế so với các nguồn thịt thông thường. Vì vậy, mục tiêu của công việc này là xác định giá trị dinh dưỡng cũng như mức độ ô nhiễm hóa học và vi sinh để đánh giá tốt hơn nguy cơ/lợi ích của việc tiêu thụ ấu trùng Sâu bột. Những ấu trùng Sâu bột có giá trị dinh dưỡng cao với 10,4% chất béo và 13,7% chất đạm, tương tự như các nguồn thịt thông thường. Axit béo chính của chúng là oleic (37,8%) và linoleic (33,2%). Những ấu trùng Sâu bột đáp ứng tốt các yêu cầu về axit amin thiết yếu (tất cả đều trên 100% lượng đóng góp hàng ngày), ngoại trừ lysine. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ấu trùng T. monitor là một nguồn tuyệt vời của các khoáng chất như phốt pho, magiê và kẽm (lần lượt là 114%, 109-128% và 117% trên khẩu phần ăn hàng ngày tham khảo - RDI). Mặc dù có hàm lượng kali và sắt thấp (16-17% và 20% RDI). Hàm lượng natri thấp hơn là một lợi thế về mặt sức khỏe, vì ăn nhiều sẽ làm tăng huyết áp. Giá trị thủy ngân và chì nằm dưới giới hạn phát hiện và mức cadimi là 0,10 mg/kg. Ấu trùng Sâu bột có lượng vi khuẩn cao nhưng không phát hiện thấy vi khuẩn gây bệnh. Nếu bỏ đói ấu trùng trong 8 ngày ở 5°C đã làm giảm tổng số vi sinh vật, đặc biệt là nấm men và tổng số vi khuẩn hình thành bào tử kỵ khí ưa nhiệt.

Với Sâu bột còn có những lợi ích khác như việc nuôi chúng còn giúp tận dụng vật chất (thực vật làm thức ăn cho Sâu bột) vốn ít giá trị và con người không dùng được thành vật chất có giá trị dinh dưỡng tốt hơn cho con người; phần cặn bã, chất thải từ việc nuôi Sâu bột có thể chế biến thành phân bón...

Hình ảnh các giai đoạn phát triển của Sâu bột (Tenebrio molitor L.).

Hình ảnh bánh Sandwich kẹp Sâu bột.

Tình hình sử dụng Sâu bột ở châu Âu

Ngày 13/1/2021, EFSA thông báo đã cấp chứng nhận an toàn đối với việc tiêu thụ Sâu bột vàng sấy khô, qua đó mở đường cho các nhà hàng trong khu vực cung cấp các loại thực phẩm từ côn trùng.

Có thể ghi nhận lần đầu tiên EFSA chấp thuận một loài côn trùng làm thực phẩm là một bước tiến lớn giúp côn trùng tìm được “chỗ đứng” trong thực đơn hàng ngày của con người. Cụ thể, sau khi xem xét đề nghị chứng nhận an toàn của Công ty Nuôi cấy côn trùng Micronutris (Pháp), EFSA xác nhận loài Sâu bột vàng có đủ điều kiện an toàn để tiêu thụ cả ở dạng sấy khô nguyên con hoặc dạng bột. Đây được xem là bước đầu để giới chức EU quyết định xem có cho phép bán mặt hàng này tại 27 nước trong khu vực hay không. Quyết định mới cũng đánh dấu quy trình đánh giá an toàn đối với một loại thực phẩm làm từ côn trùng lần đầu mà EFSA hoàn thiện, trong bối cảnh cơ quan này hướng tới cấp phép cho ngành chế biến thực phẩm giàu protein.

Chuyên gia của EFSA Ermolaos Ververis cho biết, động thái mới này sẽ mở đường cho việc cấp phép trên toàn EU. Tuy nhiên, việc đánh giá an toàn là bước quyết định và cần thiết liên quan đến quy định về loại thực phẩm này. Đồng thời, cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách của EU cơ sở khoa học để đưa ra quyết định và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Ngành nhân nuôi nhân tạo côn trùng ở châu Âu đã hoan nghênh quyết định trên, đồng thời bày tỏ hy vọng nhà chức trách sẽ cấp phép lưu hành thực phẩm từ Sâu bột vàng trên thị trường khu vực vào giữa năm nay.

Đối với những người nhân nuôi nhân tạo côn trùng, thông tin này là một khích lệ cho công việc của họ khi các nhà phân tích dự báo ngành công nghiệp này sẽ tăng trưởng gấp 10 lần và vượt 4,1 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2025.
Côn trùng được biết đến là loài giàu protein và có tác động thấp đến môi trường. Các thành phần chính của côn trùng là protein, chất béo và chất xơ. Tuy vậy, EFSA cũng cảnh báo rằng, cần nghiên cứu thêm về khả năng gây dị ứng của chúng khi sử dụng. Cơ quan này hiện cũng đang xử lý các đơn xin chứng nhận khác đối với những loại thực phẩm từ côn trùng, trong đó có Dế và Châu chấu.

Các thực phẩm từ côn trùng hiện đang được tiêu thụ rộng rãi, với khoảng hơn 1.000 loài được sử dụng trong các bữa ăn của khoảng 2 tỷ người tại châu Âu, Phi, Á, Mỹ Latin và Úc. Hiện tại, loại sản phẩm này đã được một số nước EU cho phép tiêu thụ làm thực phẩm cho người, nhưng chủ yếu vẫn dùng phục vụ làm thức ăn chăn nuôi.

Hiên nay, tại châu Âu, côn trùng vẫn chưa có tên trên thực đơn của người dân bởi các vấn đề tâm lý và văn hóa, khác với thực tế ở một số nước châu Á như Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Hồng Kông, Trung Quốc… Tuy vậy, với quyết định trên, ngành nhân nuôi nhân tạo côn trùng kỳ vọng thị trường thực phẩm côn trùng ở châu Âu sẽ phát triển nhanh trong những năm tới (dự kiến đến năm 2030 đạt sản lượng 260.000 tấn/năm).

Thay lời kết

Theo các nhà côn trùng học Hà Lan (2012) dự báo Sâu gạo (Zophobas morio) có lẽ không xa sẽ xoán ngôi tất cả các loại thực phẩm dinh dưỡng như thịt gà, bò, heo, sữa... để trở thành nguồn cung protein chính cho loài người trong tương lai. Việc nuôi Sâu gạo chỉ chiếm 10% diện tích đất so với nuôi bò, 30% diện tích dành cho việc chăn nuôi lợn, 40% diện tích dành nuôi gà, trong khi mức cung cấp chất đạm của loài sâu này lại cao tương đương với các loại thực phẩm kể trên.

Trên thế giới hiện có ít nhất 3.000 nhóm sắc tộc ở 113 quốc gia ăn côn trùng và số lượng loài côn trùng có thể ăn được là khoảng 1.400 loài. Các công bố khoa học gần đây cho biết, số lượng loài côn trùng làm thực phẩm ở Trung Quốc là 40 loài, Thái Lan 134, Myanmar 15, Indonesia 30 và ở Philippin là 19 loài. Ở Irắc, hàng năm có khoảng 35 tấn côn trùng được thu thập và bán trên thị trường để dùng làm thực phẩm. Ở Việt Nam, tuy Sâu bột mới chỉ nhân nuôi phục vụ cho chim cảnh, nhưng các côn trùng khác như Dế, Cà cuống, Sâu chít, Sâu tre, Kiến gai đen… đã được nhân nuôi hoặc khai thác ngoài tự nhiên để buôn bán làm thực phẩm cho người.

Với giá trị dinh dưỡng và được sự ủng hộ của EU, Sâu bột sẽ sớm có “chỗ đứng” trong thực đơn hàng ngày của con người, góp phần cung cấp thêm một lựa chọn mới cho người tiêu dùng.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)