Thứ năm, 13/05/2021 15:15

Cua biển Bến Tre được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 1047/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00102 cho cua biển Bến Tre. UBND tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Cua biển sống Bến Tre có vỏ sáng bóng, màu xanh lục hoặc vàng sẫm. Yếm cua rắn, chắc. Khi đun chín cua có thịt chắc, mùi thơm đặc trưng (không tanh), vị ngọt đậm, béo. Cua gạch chín có thịt thơm, chắc, vị béo. Gạch thơm, béo ngậy, ngọt đậm. Tỷ lệ ăn được của cua Bến Tre đạt 52,55-52,85%, hàm lượng axit Glutamic đạt 26,66-27,34 mg/g, Protein 2,71-3,13 gN/100 g; độ ẩm thịt 16,89-17,11%.

Cua Bến Tre có các đặc điểm đặc thù và chất lượng vượt trội nhờ sinh trưởng trong khu vực địa lý có các tính chất đặc trưng về điều kiện tự nhiên và phương pháp canh tác truyền thống của người dân địa phương. Môi trường sống thích hợp của cua con và cua trưởng thành có độ mặn là 2-38‰, thời kỳ đẻ trứng 22-32‰. Khu vực địa lý có độ mặn tối thiểu trên 2‰ (mùa mưa). Đặc biệt, những năm gần đây, tỉnh Bến Tre nói chung và khu vực địa lý nói riêng bị xâm nhập mặn nặng. Xâm nhập mặn nặng gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng lại phù hợp với đời sống của cua biển. Độ mặn của nước cao tạo cho “Cua biển Bến Tre” có vị ngọt đậm. Bên cạnh đó, cua biển sinh trưởng trong môi trường nước có độ pH 7,5-9,2 và thích hợp nhất từ 8,2-8,8. Độ pH của nước tại khu vực được bảo hộ địa lý dao động từ 7,3 đến 8,2, hoàn toàn phù hợp với môi trường sống của cua biển. Mặt khác, khu vực này ít chịu ảnh hưởng của bão nên hoạt động sinh lý của cua ít bị biến động mạnh. Ngoài ra, khu vực địa lý có hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng sinh học cao. Đây là môi trường sống, nơi trú ẩn, bãi đẻ cho cua biển cũng như cung cấp thức ăn trực tiếp (mùn bã, lá, trái rụng…) và gián tiếp qua các động vật ăn mùn bã làm mồi cho các loài cá, cua biển và một số động vật ăn thịt khác... 

Chất lượng đặc thù của các sản phẩm “Cua biển Bến Tre” còn được quyết định bởi các thực hành sản xuất của người dân tại khu vực địa lý. Khác với nhiều vùng nuôi cua biển bằng phương thức bán thâm canh hoặc thâm canh ở mức độ cao (sử dụng thức ăn công nghiệp và kháng sinh), “Cua biển Bến Tre” được nuôi theo phương thức quảng canh (không sử dụng thức ăn công nghiệp và kháng sinh). Ngoài việc sử dụng thức ăn tự nhiễn sẵn có trong ao/đầm (thực động vật phiêu sinh, tôm, cá... lấy vào ao/đầm khi thủy triều dâng), các nguồn thức ăn bổ sung cho cua là cá tạp khai thác tại chỗ, hoặc cá rô phi băm viên nhỏ... Nhiều hộ gia đình còn kết hợp nuôi cua xen cá rô phi làm nguồn thức ăn cho cua. Vì vậy, “Cua biển Bến Tre” có vị ngọt và mùi thơm (không tanh). Bên cạnh đó, kỹ thuật cải thiện môi trường ao/đầm nuôi cua và kiểm soát môi trường nuôi được tích lũy nhiều năm. Sau 2-3 vụ nuôi, ao/đầm nuôi “Cua biển Bến Tre” được nạo vét bùn, bón vôi để khử phèn, giải phóng độ phì tiềm tàng của đất. Nguồn nước trong ao/đầm cua thường xuyên được thay mới theo các đợt triều cường có kiểm soát độ mặn. Vì vậy, “Cua biển Bến Tre” luôn khỏe mạnh, cơ thể rắn chắc, thịt và gạch chắc. Việc thu hoạch cua (thu tỉa, thu toàn bộ) có tính chọn lọc. Chỉ những con đủ tiêu chuẩn thương phẩm mới được thu, những con không đủ tiêu chuẩn được tiếp tục nuôi. Vì vậy, “Cua biển Bến Tre” luôn có chất lượng tốt.

Theo Quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ, khu vực địa lý được bảo hộ gồm xã: Thạnh Phong, Giao Thạnh, An Thuận, An Quy, An Điền, Thạnh Hải, An Nhơn, Mỹ Hưng, xã Mỹ An và thị trấn Thạnh Phú thuộc huyện Thạnh Phú; xã Thạnh Phước, Thới Thuận, Thừa Đức, Đại Hòa Lộc, Bình Thắng thuộc huyện Bình Đại; xã Bảo Thạnh, Bảo Thuận, Tân Xuân, An Thủy, Tân Thủy, An Hòa Tây và An Đức thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

CT

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)