Thứ tư, 12/05/2021 09:05

Chương trình KX.01/16-20 và những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực kinh tế

Chương trình “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” (mã số KX.01/16-20) bao gồm 52 đề tài, chia thành 3 nội dung cơ bản: những vấn đề chung; những vấn đề kinh tế, phát triển kinh tế; những vấn đề xã hội và quản lý xã hội. Bài viết đề cập đến các đề tài của Chương trình có đóng góp nổi bật trong lĩnh vực kinh tế. Các đề tài này đã có những đóng góp, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trên 2 khía cạnh: i) giải pháp tháo gỡ khó khăn, rào cản trong phát triển kinh tế và ii) giải pháp thúc đẩy tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tháo gỡ khó khăn, rào cản trong phát triển kinh tế

Có thể nói, một trong những đóng góp thiết thực và hữu ích của các đề tài thuộc lĩnh vực kinh tế là đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, rào cản trong phát triển kinh tế như: KX.01.03/16-20, KX.01.05/16-20, KX.01.18/16-20, KX.01.25/16-20, KX.01.30/16-20…

Rào cản về thể chế kinh tế hiện tại là một điểm nghẽn, một trở lực lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việc tháo dỡ các rào cản về thể chế kinh tế, từ đó tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội của nước nhà phát triển nhanh và bền vững có ý nghĩa cấp thiết. Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận về thể chế kinh tế và rào cản về thể chế kinh tế, phân tích quá trình chuyển đổi nền kinh tế của Việt Nam, đánh giá thực trạng các rào cản về thể chế kinh tế và ảnh hưởng của nó đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới…, đề tài KX.01.03/16-20: “Các rào cản về thể chế kinh tế đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới và giải pháp khắc phục” đã đề xuất các chính sách và giải pháp phù hợp, có tính khả thi để khắc phục các rào cản về thể chế kinh tế ở Việt Nam đến năm 2030. Các kiến nghị đã được ứng dụng tại Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và được các cơ quan này khẳng định là cơ sở khoa học để nghiên cứu, đề xuất cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư phục vụ việc soạn thảo một số nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, đặc biệt là việc soạn thảo các nghị quyết, chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về các vấn đề liên quan…

Đề tài KX.01.05/16-20 đã đề xuất bộ công cụ kinh tế nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện các chính sách đất đai, góp phần hoàn thiện mô hình tăng trưởng ở Việt Nam theo hướng bền vững. Các kiến nghị, đề xuất đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư sử dụng, từ đó trình Chính phủ, Quốc hội (tại kỳ họp thứ II năm 2018) đóng góp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, chuyển giao cho Ban Chỉ đạo quốc gia về mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Ngoài ra, những kiến nghị, đề xuất hoàn thiện chính sách đất đai đã được đưa vào đề án của Bộ Xây dựng để xây dựng chính sách cho thị trường bất động sản, đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội.

Để có những giải pháp khắc phục rào cản về tài chính, tiền tệ đối với sự phát triển doanh nghiệp Việt Nam, đề tài KX.01.18/16-20: “Các rào cản tài chính, tiền tệ đối với sự phát triển doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp khắc phục” đã phân tích đặc điểm và thực trạng của hệ thống tài chính, tiền tệ Việt Nam cũng như đặc điểm của khu vực doanh nghiệp từ năm 2008-2017, chỉ rõ các rào cản tài chính, tiền tệ nhìn từ góc độ hệ thống (ở cấp độ vĩ mô, thể chế) và trực tiếp nhìn từ góc độ các doanh nghiệp (ở cấp độ vi mô) đối với sự phát triển của doanh nghiệp, tác động tiêu cực của chúng đối với sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam từ năm 2008-2017. Đề tài đã đánh giá các nguyên nhân cơ bản (chủ quan và khách quan) gây ra các rào cản tài chính, tiền tệ đối với sự phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam, từ đó đề xuất quan điểm, định hướng và hệ thống các giải pháp khắc phục nhằm đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả được Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia ứng dụng trong việc hoạch định chính sách, giúp tháo gỡ những khó khăn, rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp để doanh nghiệp thực sự là động lực phát triển của nền kinh tế.

Trên cơ sở phân tích năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam, đề tài KX.01.25/16-20: “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất chính sách, giải pháp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam” đã đề xuất các giải pháp cũng như kiến nghị đối với các doanh nghiệp thuộc 3 lĩnh vực (công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch); nhấn mạnh chính sách của Chính phủ (hỗ trợ về tài chính, thủ tục hành chính, nhân lực, cơ sở hạ tầng…), khẳng định chính sách tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng để thúc đẩy nhu cầu và năng lực đổi mới sáng tạo của mỗi doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được sử dụng làm căn cứ cho các tổ chức KH&CN thay đổi chiến lược về đổi mới sáng tạo, năng lực đổi mới sáng tạo (đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình sản xuất, đổi mới quản lý - tổ chức, đổi mới mô hình kinh doanh) và các chính sách hỗ trợ như chính sách về tài chính; đảm bảo và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức KH&CN trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bộ công cụ khảo sát của đề tài đã góp phần xây dựng các tiêu chí, chỉ báo để đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc thực hiện 4 hoạt động đổi mới sáng tạo được sử dụng như tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu, khảo sát về năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu còn được chuyển giao cho một số doanh nghiệp đã tham gia hỗ trợ hoạt động khảo sát của đề tài, điển hình là các nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu… Những khuyến nghị, đề xuất của đề tài cũng được Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sử dụng để tham khảo, làm luận cứ cho việc xây dựng các chính sách, văn bản pháp quy phục vụ cho hoạt động quản lý nói chung và hoạt động quản lý KH&CN nói riêng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Nhằm đề xuất “Giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam”, đề tài KX.01.30/16-20 đã nghiên cứu thực trạng tài chính toàn diện và thúc đẩy tài chính toàn diện tại các tổ chức (ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân...), từ đó đề xuất hệ thống giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển hiệu quả và bền vững tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để Chính phủ và các bộ/ngành liên quan xây dựng chiến lược, kế hoạch huy động vốn phù hợp với năng lực và chiến lược phát triển của các tổ chức tín dụng, như: thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện, hiệu quả và bền vững, hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động tài chính vi mô, tăng cường giáo dục tài chính của các tổ chức tín dụng, tăng cường các định chế tài chính chuyên biệt nhằm thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện, hiệu quả và bền vững, đẩy mạnh các hình thức vay thế chấp phù hợp với lĩnh vực nông nghiệp, thành lập tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm dịch vụ tài chính... Đề tài cũng đưa ra các khuyến nghị cụ thể với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà đầu tư và đơn vị công nghệ, các công ty Fintech.

Thúc đẩy tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế

Nghiên cứu thực trạng, xu hướng và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những nét chính, đóng góp quan trọng của Chương trình KX.01/16-20, đặc biệt là các đề tài thuộc lĩnh vực kinh tế như: KX.01.08/16-20, KX.01.13/16-20, KX.01.20/16-20, KX.01.28/16-20.

Đề tài KX.01.08/16-20: “Quyền tự do liên kết và thiết chế đại diện trong quan hệ lao động ở Việt Nam trong điều kiện thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)” đã làm rõ bản chất, vai trò và ý nghĩa của việc thực hiện quyền tự do liên kết và thiết chế đại diện trong quan hệ lao động trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn và ký kết tham gia các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới (CPTPP, EVFTA), các xu hướng gắn tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản với quan hệ thương mại quốc tế, nội dung các cam kết về lao động công đoàn mà Việt Nam đã ký kết, cơ chế thực hiện và nghĩa vụ thực hiện của nước tham gia, những bài học cho Việt Nam… Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được đưa một phần vào Nghị quyết Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ XII, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ứng dụng để cải tổ bộ máy quản lý của Bộ với sự ra đời của Cục Quan hệ lao động. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu đã được các liên đoàn lao động sử dụng để vận động công nhân, người lao động, giúp họ thích ứng với sự cạnh tranh của các tổ chức đại diện khi thực thi CPTPP.

Đề tài KX.01.13/16-20: “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực” đã phân tích, đánh giá về liên kết kinh tế giữa Việt Nam - Nhật Bản; tầm nhìn và mục tiêu phát triển liên kết kinh tế Việt Nam - Nhật Bản; xu thế biến động của bối cảnh khu vực và quốc tế trong giai đoạn đoạn tới; các kiến nghị nhằm thúc đẩy quá trình kết nối kinh tế Việt Nam - Nhật Bản ở cả các cấp độ vĩ mô và vi mô. Đề tài đã góp phần quan trọng vào việc cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn để nghiên cứu, đề xuất cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng các chính sách, phục vụ cho việc soạn thảo một số nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về các vấn đề liên quan đến tháo dỡ, khắc phục các rào cản nhằm tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Nhật Bản trong thời kỳ mới. Các giải pháp trọng tâm gồm: (i) Nâng cao năng suất; (ii) Học hỏi, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp FDI Nhật Bản; (iii) Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; (iv) Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao hiệu quả Marketing FDI và (v) Thúc đẩy tinh thần doanh nhân Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được chuyển giao cho Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hội đồng khoa học Khối cơ quan Đảng. Các giải pháp trong việc thúc đẩy kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản được đề xuất trong khuôn khổ đề tài cũng được kỳ vọng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh chiến lược kinh doanh trong mối quan hệ với đối tác Nhật Bản.

Phân tích tác động của các Hiệp định thương mại tự do đến cơ cấu kinh tế và xác định các ngành có lợi thế phát triển trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam cùng các đề xuất là những kết quả chính của đề tài KX.01.20/16-20: “Đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do đến cơ cấu kinh tế và xác định các ngành có lợi thế phát triển trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam”. Các kết quả này đã được chuyển giao cho Bộ Công Thương phục vụ việc soạn thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (phần nội dung liên quan đến đánh giá việc hội nhập kinh tế quốc tế, chiến lược xuất nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và xác định nhiệm vụ, mục tiêu giai đoạn 2021-2025).

Đề tài KX.01.28/16-20: “Phát triển khu vực FDI trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam” đã phân tích và đánh giá một cách chi tiết tác động của khu vực FDI đến các khía cạnh của phát triển bền vững ở Việt Nam, bao gồm: các khía cạnh về kinh tế vĩ mô; về tương tác với các khu vực kinh tế khác; về các khía cạnh xã hội; các khía cạnh môi trường và an ninh - quốc phòng. Từ đó chỉ ra những bối cảnh mới của môi trường quốc tế và thực tiễn phát triển của Việt Nam ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển khu vực FDI gắn với phát triển bền vững trong giai đoạn sắp tới. Trên cơ sở đó, đề tài đã đề xuất một hệ thống đồng bộ các quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp trong phát triển khu vực FDI gắn với phát triển bền vững, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được đưa một phần vào các nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 mà Trường Đại học Kinh tế quốc dân được giao chủ trì, đóng góp cho Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Một số kết quả nghiên cứu của đề tài cũng được chắt lọc và đề cập đến trong các bài trình bày tại Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong các buổi tọa đàm, trao đổi. Kết quả nghiên cứu của đề tài đóng góp một phần quan trọng vào các tài liệu của Ban Kinh tế Trung ương trong quá trình xây dựng Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 cũng như một số văn bản khác.

Có thể khẳng định, các đề tài thuộc lĩnh vực kinh tế đã hoàn thành mục tiêu nghiên cứu những vấn đề kinh tế và hội nhập kinh tế mà Chương trình KX.01/16-20 đặt ra như: nghiên cứu cơ chế giám sát về kinh tế và quản lý kinh tế; đề xuất các chính sách phát triển, cơ chế quản lý cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam; nhận diện những vấn đề về phát triển vùng kinh tế; nghiên cứu những vấn đề về hội nhập kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới… Kết quả nghiên cứu của các đề tài là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách, được chuyển giao cho một số cơ quan ở Trung ương và được các cơ quan này ứng dụng trong quá trình xây dựng và ban hành các chính sách có liên quan.

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)