Hệ thống trao đổi trực tuyến của các nước thành viên WTO
Hệ thống ePing đã được đưa ra tại một cuộc họp đặc biệt của Ủy ban TBT tại WTO nhằm cho phép truy cập vào các thông báo TBT và SPS của các thành viên WTO. Ra mắt và vận hành từ 2016, đến nay số lượng người đăng ký sử dụng ePing đã ngày càng tăng (cả khu vực công và tư nhân). Tính đến ngày 31/12/2020, ePing có 12.360 người dùng, đăng ký ở 182 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với 8.821 người dùng vào cuối năm 2019 thì đây là sự gia tăng ấn tượng. Đặc biệt, trong năm 2020, lần đầu tiên số lượng người đăng ký sử dụng ở khu vực tư nhân cao hơn số lượng từ các cơ quan chính phủ.
Năm 2020, hai bản cập nhật quan trọng đã được đưa vào hệ thống ePing để đáp ứng các ý kiến của các nước thành viên trong cuộc họp Ủy ban TBT cũng như phản hồi đối với người dùng trong các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật. Cập nhật đầu tiên liên quan đến việc khuyến khích các quốc gia thành viên tham gia đóng góp ý kiến và trả lời góp ý đối với các dự thảo biện pháp đã thông báo cho WTO thông qua hệ thống ePing. Để thúc đẩy hành động này, Ban thư ký WTO đã đưa ra những cải tiến cho nền tảng ePing nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ nhận xét và trả lời cũng như cung cấp video hướng dẫn cách thức sử dụng cho các nước thành viên.
Bản cập nhật thứ hai là sự ra đời của chức năng trò chuyện dành cho người dùng ePing có quyền quản trị (các điểm hỏi đáp quốc gia). Chức năng này, hiện đang được thử nghiệm, nhằm mục đích tạo ra một cộng đồng các điểm hỏi đáp và cung cấp cho họ một kênh liên lạc không chính thức để thảo luận về các quy định đã được thông báo và các vấn đề TBT khác ở cấp song phương hoặc khu vực. Các cải tiến khác đối với ePing bao gồm tùy chọn tìm kiếm và đăng ký các thông báo liên quan đến COVID-19 và biểu mẫu đăng ký đơn giản hóa.
Phiên bản Việt cho doanh nghiệp Việt
Thống kê cho thấy, mỗi năm WTO nhận được hơn 3.500 thông báo đề xuất các biện pháp TBT và SPS mới mà có thể tác động đến thương mại quốc tế. Bằng việc nâng cao khả năng truy cập thông tin, ePing sẽ giúp thương mại quốc tế tránh các gián đoạn do việc áp dụng các biện pháp TBT và SPS mới mang lại.
Trong những năm gần đây, số lượng các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật của một số nước đã tăng đáng kể. Do đó, việc tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước khác nhau ảnh hưởng lớn đến chi phí của các nhà sản xuất và xuất khẩu.
Theo ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt đang gặp khó khăn trong việc cập nhật những thông tin mới nhất từ WTO liên quan đến các quy định về biện pháp SPS và TBT. Để giúp các doanh nghiệp trong nước nắm được thông tin về những thay đổi của các quy định quy định tại các thị trường mục tiêu, Cục Xúc tiến Thương mại, ITC và WTO đã hợp tác, phối hợp cùng Văn phòng SPS và TBT Việt Nam, Trường Đại học Ngoại thương và các tổ chức, hiệp hội triển khai phiên bản tiếng Việt của hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu ePing. Đây là lần đầu tiên ePing có ngôn ngữ không chính thức của WTO, mở ra triển vọng to lớn giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn thông tin một cách dễ dàng.
Hệ thống ePing phiên bản tiếng Việt sẽ hỗ trợ tạo điều kiện việc tuân thủ các yêu cầu liên quan đến quy định về an toàn và sức khỏe, các quy định về sản phẩm, quy trình thử nghiệm và chứng nhận, các biện pháp cần thiết khác để tiếp cận thị trường quốc tế. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp, việc theo dõi sự thay đổi về yêu cầu của sản phẩm tại các thị trường mục tiêu là việc quan trọng hàng đầu, tác động trực tiếp đến sự thành công hay thất bại của hoạt động kinh doanh và xuất khẩu.
Giao diện ePing phiên bản tiếng Việt.
Bà Pamela Coke Hamilton - Giám đốc ITC cho rằng, rào cản về ngôn ngữ là một trong những trở ngại chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khi họ cố gắng tiếp cận thông tin liên quan đến cách tuân thủ các biện pháp SPS và TBT. Do vậy, việc ra mắt phiên bản ePing tiếng Việt sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi họ thiếu vắng nhân lực thạo tiếng Anh nhằm thông báo cho một số ngành trọng yếu mà các nhà xuất khẩu ở Việt Nam quan tâm như thủy sản, da giày, thực phẩm, thiết bị xây dựng, thức ăn chăn nuôi, phân bón, dược phẩm, thiết bị điện… Những nội dung về cảnh báo từ các ngành nghề và lĩnh vực này sẽ được dịch sang tiếng Việt, giúp cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức truy cập dễ dàng, tiết kiệm thời gian và nguồn lực để tiếp cận gần hơn với thương mại quốc tế.
Phong Vũ - Huyền Nga