Thứ tư, 12/05/2021 11:31

Công nghệ tiếp nhận kín HHECO trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam

Phùng Văn Huy1,  Lê Xuân Quế2

 

1Công ty Cổ phần Môi trường Huy Hoàng ECO

2Viện Môi trường và Nông nghiệp ECO

Xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) hiện đang là vấn đề cấp thiết ở Việt Nam hiện nay.  Cho đến nay, khoảng 90% lượng CTRSH vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Tuy nhiên, hầu hết các bãi chôn lấp, nhất là ở các đô thị lớn đều đã quá tải, quỹ đất làm bãi rác đã cạn kiệt. Bên cạnh đó, công nghệ đốt rác hiện tại chưa đạt yêu cầu và mới chỉ xử lý được khoảng dưới 10% lượng chất thải. Trong khi đó, lượng rác thải phát sinh hàng ngày rất lớn (trung bình mỗi người dân phát thải 1,5 kg CTRSH/ngày). Hiện tượng tồn đọng rác chưa được xử lý, ùn ứ trong khu dân cư đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Vấn đề này đòi hỏi phải có một công nghệ xử lý CTRSH hiệu quả, nhằm giải quyết tình trạng gây ô nhiễm của các bãi/xưởng xử lý rác ở Việt Nam hiện nay.

Thực trạng xử lý CTRSH tại Việt Nam

Hiện nay, trên cả nước có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH, với 381 lò đốt, 37 dây chuyền chế biến compost, 904 bãi chôn lấp. Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt CTRSH để thu hồi năng lượng phát điện hoặc có kết hợp nhiều phương pháp xử lý. Trong các cơ sở xử lý CTRSH, có 78 cơ sở cấp tỉnh, còn lại là các cơ sở xử lý cấp huyện, xã, liên xã.

Chôn lấp là phương pháp đang được áp dụng phổ biến tại Việt Nam. Trong số các bãi chôn lấp, hiện nay chỉ có khoảng 20% số bãi hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã. Bên cạnh đó, trên cả nước có 37 cơ sở áp dụng công nghệ tái chế làm compost. Công nghệ này sử dụng phần chất thải hữu cơ để chế biến compost; phần chất thải vô cơ và cặn bã khác phải tiếp tục xử lý bằng phương pháp khác (chôn lấp là chủ yếu).

Ngoài ra, công nghệ thiêu hủy cũng được áp dụng ở nhiều nơi. Tuy nhiên, trong số 381 lò đốt CTRSH, chỉ có 294 lò đốt (khoảng 77%) có công suất trên 300 kg/h, đáp ứng yêu cầu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt CTRSH (QCVN 61-MT:2016/BTNMT). Nhiều lò đốt (đặc biệt là lò đốt cỡ nhỏ) không có hệ thống xử lý khí thải hoặc hệ thống xử lý khí thải không đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Hiện nay, có một số cơ sở áp dụng công nghệ đốt rác để phát điện, ví dụ như ở Cần Thơ (khu xử lý CTR ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai), Quảng Bình (nhà máy phân loại xử lý CTR, sản xuất điện và phân bón khoáng hữu cơ xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch). Nhiều địa phương khác đang trong quá trình nghiên cứu để đầu tư như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Phú Thọ... Một trong những công nghệ đang được áp dụng thí điểm hiện nay là công nghệ điện rác MBT-GRE được áp dụng tại nhà máy điện rác ở Khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) và tại Hưng Yên. Tuy nhiên, hiệu quả về mặt kinh tế và môi trường chưa được đánh giá cụ thể.

Tóm lại, những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý CTRSH tại Việt Nam hiện nay có thể kể đến như: chất thải hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; hoạt động tái chế CTRSH còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu vẫn được thực hiện bởi khu vực phi chính thức ở các làng nghề, gây ô nhiễm môi trường; phương thức xử lý CTRSH chủ yếu vẫn là chôn lấp, các bãi chôn lấp phần lớn tồn tại từ lâu, tiêu tốn quỹ đất; tỷ lệ chất thải được xử lý kết hợp thu hồi năng lượng còn thấp…

Công nghệ tiếp nhận kín HHECO

Hiện trạng xử lý CTRSH hiện nay đã đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải có một công nghệ xử lý CTRSH mới triệt để hơn, với tỷ lệ tái chế vượt trội, giảm tối đa chôn lấp, không gây ô nhiễm môi trường.

Từ thực tế trên, thông qua việc thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu quy trình công nghệ xử lý khép kín, tái chế CTRSH Việt Nam”, Công ty Cổ phần Môi trường Huy Hoàng ECO (HHECO) đã triển khai thành công công nghệ tiếp nhận kín và phân loại kín CTRSH thành các nguyên liệu để tái chế - thu hồi. Trong đó, công nghệ thành phần then chốt là tiếp nhận kín CTRSH (chưa phân loại tại nguồn).

Với công nghệ này, khu vực xưởng tiếp nhận rác được thiết kế kín với 2 cửa đóng/mở luân phiên để hạn chế tối đa việc thoát khí và mùi hôi của rác thải ra ngoài, gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Bể rác được thiết kế khép kín, có chức năng chống rò rỉ, chống ăn mòn, giữ mùi hôi bên trong, không để phát tán ra ngoài và luôn được duy trì ở trạng thái áp suất âm. Rác thải sau khi đưa vào bể tiếp nhận (rác) được phun chế phẩm vi sinh và ủ trong vòng 15-25 ngày ngay tại bể. Không khí trong bể chứa rác được quạt hút đưa tới lò đốt nhằm kiểm soát mùi hôi thoát ra ngoài, đồng thời đảm bảo áp suất âm trong bể tiếp nhận rác. Toàn bộ quy trình tiếp nhận và xử lý rác được điều khiển tự động tại phòng điều khiển.

Công nghệ trên đã được áp dụng thành công tại bãi rác Soi Nam - Thành phố Hải Dương, xử lý bãi rác lâu năm có diện tích 6,7 ha, với 1.240 m3 rác, công suất xử lý: 1.000 tấn/ngày, hoàn thổ, phục hồi mặt bằng để xây dựng các dự án an sinh xã hội. Như vậy, công nghệ tiếp nhận kín HHECO đã giải quyết triệt để các vấn đề hiện nay còn tồn tại như: ô nhiễm thứ cấp do mùi hôi, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư xung quanh. Các ưu điểm của công nghệ tiếp nhận kín có thể kể đến là: i) Được xây dựng và hoàn thiện ở Việt Nam, do đó làm chủ được bí quyết công nghệ và nội địa hóa toàn bộ thiết bị, hoàn toàn chủ động kiểm soát được các khâu từ thiết kế, xây lắp, vận hành, bảo dưỡng, đến sửa chữa thay thế và nâng cấp công nghệ - thiết bị; ii) Suất đầu tư thấp, phù hợp triển khai rộng khắp ở các địa phương trong cả nước; iii) Đối tượng xử lý là các loại CTRSH, kể cả chưa phân loại tại nguồn, phù hợp với thực tế hiện nay; iv) Không phát tán mùi hôi, không làm phát sinh ruồi nhặng, côn trùng, không gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất…

Khu tiếp nhận rác được thiết kế ngăn mùi, khép kín.

Dây chuyền xử lý rác tự động.

Khu phun vi sinh ủ, khử mùi, diệt khuẩn.

*

*             *

Công nghệ tiếp nhận kín HHECO đã chứng minh được hiệu quả trong việc giải quyết bài toán xử lý CTRSH đang gây bức xúc trong xã hội. Ngoài ra, công nghệ tiếp nhận kín HHECO cũng khẳng định năng lực tự nghiên cứu và làm chủ hoàn toàn công nghệ, thiết bị, nội địa hóa 100%; giải quyết triệt để và bền vững tình trạng gây ô nhiễm của bãi/xưởng xử lý CTRSH, thân thiện môi trường và được cộng đồng dân cư chấp nhận. Hy vọng trong thời gian tới, công nghệ này sẽ được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương trong cả nước, góp phần giải quyết triệt để lượng CTRSH khổng lồ vẫn đang còn tồn đọng, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)