Thứ ba, 25/05/2021 09:25

Phát triển điện gió ngoài khơi: Cần nâng cấp quản lý chuỗi cung ứng và logistics

Là quốc gia có tiềm năng và thế mạnh để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, sinh khối…; trong đó điện gió ngoài khơi đang được coi là giải pháp đột phá nhằm đảm bảo an ninh năng lượng bền vững cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những rủi ro có thể gặp phải chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi hay các yêu cầu kỹ thuật trong phát triển thị trường năng lượng điện gió móng cố định và móng nổi… cũng là những trở ngại đối với các quốc gia có chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi. Đây cũng chính là chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo “uản lý điện gió ngoài khơi và chuỗi cung ứng” do Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) phối với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Tiềm năng và những kết quả bước đầu

TSKH Trần Kỳ Phúc - Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển điện gió ngoài khơi. Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, điện gió ngoài khơi là một giải pháp đột phá. Năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2045 được kỳ vọng đạt khoảng 20 GW.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2019 thì Việt Nam có tiềm năng 475 GW điện gió ngoài khơi tại vùng biển từ bờ ra đến 200 km. Hiện nay nguồn năng lượng chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội đất nước đang hoạt động chủ yếu từ nguồn chính là thủy điện, nhiệt điện than và tuabin khí. Tuy nhiên, nguồn thủy điện cơ bản đang dần cạn kiệt, tài nguyên than dần khan hiếm… Chính vì vậy, với tiềm năng điện gió chưa được khai thác, đây sẽ là nguồn năng lượng dự trữ có thể đáp ứng nhu cầu điện năng hiện tại và cho cả tương lai.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vùng ven biển nước ta, đặc biệt vùng phía Nam có diện tích rộng khoảng 142.000 km2 với độ sâu từ 0 đến 60 m là có tiềm năng phát triển điện gió biển rất tốt. Hiện nay, các trang trại gió biển tại Bạc Liêu đã hoạt động và cung cấp khoảng 300 triệu kWh/năm, năm 2025 dự kiến sẽ lên tới 3 tỷ kWh/năm.

Theo dự báo của Tổ chức năng lượng thế giới (IEA), Việt Nam sẽ là 1 trong 5 trung tâm điện gió biển khu vực Đông Nam Á của thế giới cùng với Bắc Âu, Mỹ, Đông Á, Nam Mỹ. Tính cuối năm 2020, Việt Nam đã có tổng số dự án điện tiềm năng hứa hẹn gần bờ là 67 dự án với công suất là gần 10 GW và 14 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất là gần 30 GW, tức tổng số dự án sắp triển khai sẽ là 40 GW.

Hiện nay, Dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind thuộc tỉnh Bình Thuận với công suất 3,4 GW đã thực hiện đo gió xong giai đoạn 1 (2019-2020) và sẽ bước sang giai đoạn 2 (2021-2025) triển khai xây dựng và phát điện vào lưới quốc gia. Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn 3,5 GW đang trong quá trình nghiên cứu khả thi từ năm 2020 và có thể hoàn thành trước năm 2030 sẽ mang lại vị thế cường quốc điện gió ngoài khơi với vị trí nằm trong top 5 cho Việt Nam.

Chi phí lớn

TSKH Trần Kỳ Phúc cho rằng, mặc dù có lợi thế rất lớn để phát triển điện gió ngoài khơi, tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị tư vấn cũng như chủ đầu tư đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, thiết kế và dịch vụ logistics trong quá trình xin phê duyệt các dự án điện gió ngoài khơi.

Hội thảo Quản lý điện gió ngoài khơi và chuỗi cung ứng do Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) phối với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức ngày 27/4/2021 tại Hà Nội.

Về mặt tài chính, điện gió ngoài khơi hiện có cản trở chính là giá tua bin cao và đặc biệt giá xây lắp cao. Giá tua bin hiện chiếm khoảng 36% tổng chi phí (giá phổ biến của các hãng lớn chào giá khoảng 3,15 triệu USD/tua bin công suất 4,2 MW tương đương khoảng 0,75 triệu USD/MW (chưa gồm VAT). Một số hãng bắt buộc móng trụ phải theo quy cách của họ (ví dụ móng bê tông multiplies thay vì móng đơn monopole). Thậm chí, một số đối tác nước ngoài còn yêu cầu cần xây dựng cầu dẫn (link bridge) để tạo thuận lợi cho việc bảo trì thường xuyên và đỡ ảnh hưởng đến tuổi thọ của cáp. Chi phí này thường khá lớn. Mỗi tua bin cách nhau khoảng 1 km thì 1 dự án 12 tua bin cần đường cầu dẫn khoảng 12 km, có giá trung bình 2 triệu USD/km cầu dẫn, tổng khoảng 24 triệu USD, bằng 2/3 giá tua bin.

Chi phí bảo trì hàng năm cũng rất lớn, thông thường các hãng lớn sẽ bảo hành 20 năm, giá cố định, bao gồm cẩu (crane). Tuy nhiên, vấn đề tàu/xà lan lại không được đề cập. Một số hãng không thể đưa ra cam kết bảo hành 20 năm do không tính được giá thuê tàu, hoặc biến động giá nhân công, cẩu… Bên cạnh đó là các chi phí về vận hành, đấu nối… cũng là những thách thức đối với các chủ đầu tư điện gió ngoài khơi.

Cần chiến lược đột phá

Theo ông Dư Văn Toán - Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để phát triển năng lượng tái tạo nói chung, năng lượng điện gió ngoài khơi nói riêng, Việt Nam cần phải có chiến lược phát triển đột phá, cũng như cơ chế thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi. Để thực hiện được điều này cần phải có các chính sách quốc gia về điện gió ngoài khơi như: sớm có quy hoạch không gian biển cho phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam đi kèm với kế hoạch hành động quốc gia về lộ trình các bước phát triển năng lượng gió biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng, bổ sung, hoàn thiện khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và các năng lượng biển khác; tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, thử nghiệm công nghệ nguồn điện tái tạo ngoài khơi…

Ông Henri Wasnick - chuyên gia cao cấp về năng lượng tái tạo chia sẻ, điện gió ngoài khơi đóng vai trò chính yếu trong chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, đặc biệt trong việc thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí CO2, an ninh năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, việc Việt Nam phát triển chuỗi cung ứng nội địa bền vững sẽ mang đến cơ hội lớn để giảm giá thành năng lượng và phát triển nền công nghiệp xuất khẩu tự chủ cho một số lĩnh vực chuyên biệt. Tiềm năng này cần được chú trọng phát triển sâu, rộng nhằm tối ưu hóa nguồn năng lượng trong nước và quốc tế. Cùng với các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học…, năng lượng gió có đóng góp lớn trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu kép (vừa giảm thiểu phát thải khí nhà kính vừa đảm bảo nguồn cung năng lượng bền vững với giá thành phải chăng). Các dự án năng lượng gió được dự đoán sẽ bùng nổ trong những năm tới, đòi hỏi sự nâng cấp trong quản lý chuỗi cung ứng và logistics cho các dự án điện gió nói chung và các dự án điện gió ngoài khơi nói riêng. Điều này giúp hạn chế trì hoãn khi triển khai dự án và hoạch định lộ trình dự án hiệu quả hơn. Việc tận dụng những giá trị gia tăng trong nước, song hành với việc xây dựng khung pháp lý phù hợp sẽ hỗ trợ phát triển thị trường năng lượng tại tạo Việt Nam.

Việt Cường

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)