Sự cần thiết phải hình thành, phát triển tổ chức trung gian đủ mạnh, có tính dẫn dắt của thị trường KH&CN
Hàng hóa KH&CN không những được thể hiện dưới dạng tài sản hữu hình như máy móc, thiết bị, phương tiện, công cụ, dây chuyền công nghệ, mà còn có thể biểu hiện dưới dạng tài sản vô hình/quyền sở hữu trí tuệ như quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp…), quyền đối với giống cây trồng, quyền tác giả và quyền liên quan. Quyền sở hữu tuệ được pháp luật thừa nhận và bảo hộ, đây là nền tảng để hình thành các hình thức, phương thức chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ KH&CN từ bên có quyền chuyển giao (bên cung) sang bên nhận chuyển giao (bên cầu). Điều này cho thấy, hàng hóa KH&CN có tính đặc thù, phức tạp hơn so với hàng hóa thông thường. Chúng có thể tồn tại ở dạng tri thức ẩn, nên khó nhận biết được rõ ràng, khó đánh giá, định giá, thẩm định hơn, chi phí giao dịch có thể phát sinh và cao hơn so với giao dịch hàng hóa thông thường. Nhiều hàng hóa KH&CN có tính đơn nhất, được sở hữu độc quyền, có tính không hao mòn, không cạn kiệt khi sử dụng, thậm chí còn được cải tiến, hoàn thiện hơn nếu có phương thức sử dụng hợp lý, khoa học.
Việc giao dịch hàng hóa KH&CN thành công chịu sự chi phối và phụ thuộc nhiều bởi sự hiểu biết tường tận của các bên. Thông thường, bên bán (bên cung) biết rõ về xuất xứ, nguồn gốc, đặc tính, ưu, nhược điểm của hàng hóa KH&CN hơn bên mua (bên cầu). Tuy nhiên khi bán/chuyển giao, bên cung có thể không bộc lộ hết thông tin, có xu hướng giấu nhược điểm, phóng đại ưu điểm về hàng hóa KH&CN, trong khi đó bên cầu lại không nhận ra. Điều này tạo ra sự bất cân xứng về thông tin, nhận thức, pháp lý, về trình độ giữa bên cung và bên cầu trên thị trường KH&CN, nên việc đàm phán, giao dịch, nhận diện các rủi ro trong quá trình tiếp nhận và áp dụng công nghệ vào trong thực tiễn có thể không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Cùng với đó, bên cung cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi công nghệ đưa ra trao đổi, đàm phán có thể bị sao chép, giải mã và làm cho bên cung không bán được với giá mong đợi, nhưng nếu không bán thì công nghệ có thể bị lạc hậu và mất giá trị.
Sự bất cân xứng về thông tin, nhận thức, về trình độ, năng lực giữa bên cung và bên cầu trên thị trường KH&CN, cũng như các vấn đề phát sinh về pháp lý, chi phí giao dịch trong quá trình trao đổi, đàm phán, tiếp nhận và đưa công nghệ vào sử dụng là những rào cản đối với sự thành công trong giao dịch. Rào cản này sẽ được khắc phục nếu hình thành được các tổ chức trung gian có sứ mệnh rõ ràng, kết nối đủ mạnh, có tính chuyên nghiệp, hiểu rõ các quy định pháp lý… để hỗ trợ bên cung, bên cầu trong quá trình giao dịch hàng hóa KH&CN, tài sản trí tuệ. Khi đó, sự thao túng thị trường bị hạn chế, quyền lợi của các bên được đảm bảo, giá trị giao dịch công nghệ được xác lập, sự bất cân xứng thông tin trên thị trường KH&CN được giải quyết.
Tại Việt Nam, các tổ chức trung gian trong thời gian qua được hình thành, vận hành và phát triển dưới dạng: sàn giao dịch công nghệ; trung tâm giao dịch công nghệ; trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ; trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN (Thông tư số 16/2014/TT-BKHCN). Theo Luật Chuyển giao công nghệ (2017) thì có 6 loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ (không quy định tên gọi, hình thức, mô hình trung gian), gồm: môi giới chuyển giao công nghệ; tư vấn chuyển giao công nghệ; đánh giá công nghệ; thẩm định giá công nghệ; giám định công nghệ; xúc tiến chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, việc thành lập tổ chức trung gian còn được quy định tại Khoản 1 Điều 47 Nghị định 08/2014/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN (2013). Còn các loại hình trung gian khác được thành lập theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng… Như vậy, tổ chức trung gian rất đa dạng, phong phú, hoạt động độc lập, đơn lẻ, được tiếp cận theo nhiều cách khác nhau, nên chưa thực sự làm nổi bật được mô hình hoạt động, tính liên kết, liên thông trong việc cung cấp dịch vụ kết nối chuyên nghiệp, hỗ trợ bên cung, bên cầu và các bên liên quan tiến tới giao dịch thành công.
Thực tế cho thấy, giao dịch thành công là một mục tiêu quan trọng nhất của thị trường KH&CN, điều này được khẳng định trong Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020. Theo Đặng Thu Hương và cộng sự (2019), trong giai đoạn từ 2012 đến 2018, tăng trưởng trung bình của giá trị giao dịch công nghệ toàn nền kinh tế đạt 20,9%, riêng ngành chế biến chế tạo đạt 19%, ngành điện, điện tử, máy tính có mức tăng trưởng giá trị giao dịch cao nhất, đạt 32%. Với 37.085 quan sát từ Tổng cục Thống kê, Nguyễn Khắc Minh và cộng sự (2019) đã xác định giá trị giao dịch công nghệ trung bình trên mỗi doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo giai đoạn 2012-2018 đạt gần 1,345 triệu/doanh nghiệp/năm, trong đó tỷ lệ chi phí giao dịch công nghệ nước ngoài so với giao dịch công nghệ trong nước có xu hướng tăng, nhưng chủ yếu là các giao dịch về máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ (khoảng 90%). Các giao dịch công nghệ có nguồn từ nước ngoài chiếm khoảng 70%. Các công nghệ giao dịch có nguồn gốc trong nước (30%) thì chủ yếu công nghệ được tạo ra từ doanh nghiệp (khoảng 80%), còn 20% đến từ các trường đại học/trung tâm công nghệ/viện nghiên cứu (có nghĩa chỉ chiếm 6% tổng giao dịch trên thị trường trong giai đoạn 2012-2018). Đặc biệt, hình thức giao dịch qua sàn công nghệ/tổ chức trung gian chỉ đạt khoảng 5%; còn lại tới 95% công nghệ được giao dịch trực tiếp giữa bên cung và bên cầu.
Điều này cho thấy, các tổ chức trung gian chưa làm tốt được sứ mệnh của mình trong việc kết nối, hướng tới giao dịch thành công. Một phần do chưa có công cụ thống kê đầy đủ hàng năm. Một phần do chưa đủ tính chuyên nghiệp trong việc hỗ trợ, cung cấp dịch vụ về thông tin, đánh giá, định giá, thẩm định công nghệ, môi giới chuyển giao công nghệ, đồng thời hoạt động còn đơn lẻ, chưa có sự gắn kết chặt chẽ, liên thông giữa các tổ chức trung gian với nhau, năng lực của các tổ chức này còn hạn chế. Bên cạnh đó, các sàn giao dịch công nghệ quốc gia, sàn giao dịch công nghệ và thiết bị, các trung tâm hỗ trợ ứng dụng tiến bộ công nghệ tại các địa phương chưa được đầu tư tương xứng với sứ mệnh là tổ chức trung gian kết nối cung, cầu công nghệ, nên chưa tạo được niềm tin cần thiết đối với cả bên cung và cầu công nghệ. Cùng với đó, các hiệp hội, ngành hàng, đại diện thương mại, đại diện ngoại giao trong thời gian qua chưa tham gia sâu vào hoạt động xúc tiến thị trường chuyển giao công nghệ nên chưa phát huy được vai trò trung gian trong việc tư vấn, hỗ trợ các bên trong giao dịch công nghệ.
Định vị tổ chức trung gian của thị trường KH&CN trong quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo theo hướng chuyển hóa “tri thức” thành “giá trị kinh tế”
Tổ chức trung gian của thị trường KH&CN không những có chức năng cung cấp thông tin, tư vấn, kết nối mà còn có chức năng hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm, hàng hóa KH&CN để hướng tới giá trị giao dịch thành công giữa bên cung và bên cầu cả trước, trong và sau khi giao dịch. Thực tế cho thấy, khi một sản phẩm KH&CN được tạo ra thông qua nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thì bản thân nó đã hàm chứa giá trị sử dụng. Tuy nhiên, nếu không được mang ra trao đổi trên thị trường thì chưa được coi là hàng hóa KH&CN và không có nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, chỉ khi sản phẩm KH&CN được mang ra trao đổi, mua bán, chuyển giao trên thị trường thì chúng mới là hàng hóa và có ý nghĩa đối với nền kinh tế - xã hội. Sự trao đổi, mua bán, chuyển giao trên thị trường được đặt trong mối quan hệ tương tác với nhau để giải quyết các vấn đề cơ bản của nền kinh tế, đó là sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai? Kinh tế chính trị Marx-Lenin cũng đã khái quát và chỉ ra mối quan hệ của hệ thống sản xuất trong sự tương tác, tác động qua lại với lực lượng sản xuất và kiến trúc thượng tầng nhằm phát hiện, tìm ra bản chất, quy luật của quá trình phát triển kinh tế ở những giai đoạn nhất định. Từ đó đưa ra những định hướng, công cụ, biện pháp có tính đổi mới sáng tạo để thúc đẩy quốc gia phát triển bền vững.
Quốc gia định hướng đổi mới sáng tạo sẽ giúp các tổ chức với vai trò là trung gian của nền kinh tế có nhiều điều kiện và cơ hội hơn để thực hiện, hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Hoạt động của các tổ chức này có tính liên kết, tương tác với nhau, có tính hướng đích để tạo ra một hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Theo Lundvall & Borras (2005), Hệ thống đổi mới quốc gia gồm các yếu tố và mối quan hệ tương tác của chúng trong quá trình truyền bá, sử dụng kiến thức mới để sản xuất, kinh doanh và đem lại lợi ích cho nền kinh tế. Bên cạnh Chính phủ, hệ thống đào tạo, tài chính, doanh nghiệp (làm trung tâm), một yếu tố quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia là các tổ chức trung gian. Các tổ chức trung gian có thể cung cấp dịch vụ thông tin, hỗ trợ đánh giá, định giá, thẩm định, hỗ trợ kết nối cung, cầu thành công để bên cầu (doanh nghiệp) có thể tiếp nhận, thích nghi, làm chủ và sáng tạo công nghệ; đồng thời cung cấp các dịch vụ đào tạo, hỗ trợ chuyển giao bí quyết, quy trình công nghệ, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, quy trình mới để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính sách phát triển tổ chức trung gian đặt trong mối tương quan trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của thị trường KH&CN. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia không những cung cấp đầu vào cho đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu và triển khai, mà còn hỗ trợ xây dựng năng lực tổ chức, tạo cầu cho đổi mới sáng tạo thông qua việc hình thành thị trường công nghệ mới, sản phẩm mới, yêu cầu mới về chất lượng sản phẩm. Do đó, các thành phần của hệ thống đổi mới sáng tạo cần được hoàn thiện theo hướng hình thành, phát triển các tổ chức chuyên nghiệp, đủ mạnh, hoạt động hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có tổ chức trung gian với vai trò kết nối, thúc đẩy quá trình tạo ra tri thức, ứng dụng và lan tỏa tri thức trong nền kinh tế. Điều này cho thấy, hệ thống đổi mới sáng tạo phải có nhiệm vụ kết nối, liên kết, hợp tác hiệu quả giữa khu vực tạo ra tri thức (khu vực nghiên cứu, đào tạo) với khu vực sử dụng tri thức (khu vực sản xuất, kinh doanh). Trong đó Chính phủ/Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, tạo môi trường pháp lý, chính sách, thể chế thuận lợi khuyến khích, thúc đẩy và tạo ra những tương tác tích cực để chuyển hóa tri thức thành hàng hóa có giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, xã hội. Hay nói cách khác, để chuyển hóa “tri thức” thành “giá trị kinh tế” thì các tổ chức trung gian có vai trò là cầu nối, kết nối tri thức từ khu vực nghiên cứu, đào tạo (bên cung) sang khu vực sản xuất, kinh doanh (bên cầu), đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy quá trình giao dịch thành công giữa hai khu vực này để dòng lưu chuyển tri thức và công nghệ được diễn ra trong môi trường thể chế, pháp lý thuận lợi.
Để tạo ra môi trường thể chế, pháp lý thuận lợi cho dòng lưu chuyển tri thức và công nghệ, hoạt động quản lý nhà nước cũng cần có sự thay đổi theo hướng kích cung, tạo cầu, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời không chỉ khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tạo ra tri thức mà còn phải sử dụng hiệu quả tri thức để chuyển hóa tri thức thành giá trị kinh tế, giá trị gia tăng cho xã hội. Điều này có nghĩa là, quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo cần sử dụng các công cụ mới, cách thức mới trong hoạt động kích cung (tạo tiền đề, dẫn dắt trong quá trình tạo ra tri thức, công nghệ nội sinh từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức và cá nhân; khuyến khích nhập khẩu tri thức, công nghệ), tạo cầu (kích thích nhu cầu ứng dụng tri thức, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh) và hỗ trợ hình thành, phát triển các tổ chức có chức năng trung gian trong việc kết nối cung, cầu, đưa tri thức, công nghệ vào thực tiễn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả phát triển của nền kinh tế. Để làm tốt vai trò trung gian của mình trong quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo, các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN trong thời gian tới cần định vị lại theo hướng:
Thứ nhất, hình thành và phát triển một số tổ chức trung gian có vai trò đầu mối, dẫn dắt trong mạng lưới đổi mới sáng tạo, có khả năng liên kết, liên thông, thu thập, chia sẻ, xử lý thông tin để cung cấp các dịch vụ có tính hệ thống theo chuỗi giá trị (từ việc cung cấp thông tin tới hỗ trợ giao dịch và sau hỗ trợ giao dịch thành công) để hỗ trợ hiệu quả cho việc môi giới, chuyển giao tri thức, công nghệ có giá trị gia tăng cao từ khu vực nghiên cứu, đào tạo sang khu vực sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, chuyên nghiệp hóa việc kết nối, cung cấp dịch vụ của tổ chức trung gian đang hoạt động, nâng cao hiệu quả của hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, đáp ứng yêu cầu về giảm thiểu chi phí giao dịch và minh bạch các thông tin về hàng hóa và dịch vụ được giao dịch, mua bán, chuyển giao trên thị trường KH&CN. Cùng với đó là hình thành và phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian theo hướng trọng tâm, trọng điểm, chuyên nghiệp, chú trọng đối với các tổ chức trung gian phục vụ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng và nhà đầu tư trong việc tìm kiếm, lựa chọn, giao dịch và ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa KH&CN.
Thứ ba, tổ chức trung gian cần đặt trong bối cảnh của quá trình phát triển thị trường KH&CN. Việc phát triển của thị trường KH&CN không chỉ đòi hỏi về sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, năng lực của tổ chức trung gian, mà còn có sự sẵn sàng về nguồn cung (trong và ngoài nước) công nghệ, nhu cầu ứng dụng, khả năng tiếp nhận, hấp thụ, thích nghi, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp. Điều này dẫn tới, cần có sự thay đổi trong phương thức thiết kế, đề xuất đặt hàng, phê duyệt, ký kết và triển khai các nhiệm vụ KH&CN có tính ứng dụng theo hướng có sự tham gia của bên cầu trong toàn bộ quá trình từ việc hình thành ý tưởng đến việc nghiệm thu, ứng dụng kết quả sau nghiệm thu để tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và xã hội.
Ngoài ra, các tổ chức trung gian dẫn dắt cần phát huy vai trò kết nối, tập hợp thông tin, kiến thức, chia sẻ, xử lý thông tin để giải quyết các vấn đề cụ thể trong chuyển giao, tiếp nhận hàng hóa KH&CN; dẫn dắt, liên kết và định hình các mối quan hệ có tính mạng lưới trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Cùng với đó là từng bước số hóa, liên thông với các tổ chức trung gian thuộc các bộ, ngành từ trung ương tới địa phương; đẩy mạnh việc hỗ trợ online về pháp lý, hình thức chuyển giao, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về dự báo, tiêu chuẩn hóa và các nội dung liên quan về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thương mại hóa sản phẩm KH&CN; đánh giá, thẩm định công nghệ để hỗ trợ tốt hơn cho bên cung, bên cầu trong toàn bộ quá trình giao dịch.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ KH&CN (2019), KH&CN Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
2. Bộ KH&CN (2021), Báo cáo chuyên đề về quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2019), Giáo trình kinh tế chính trị Mác-Lênin, Nhà xuất bản Giáo dục.
4. Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (2019), Báo cáo về phát triển thị trường KH&CN.
5. Đặng Thu Hương và cộng sự (2019), Nghiên cứu đề xuất phương pháp xác định giá trị giao dịch công nghệ trên thị trường KH&CN Việt Nam, Báo cáo tổng kết đề tài.
6. Nguyễn Khắc Minh và cộng sự (2019), Báo cáo thực trạng giao dịch công nghệ thời kỳ 2012-2018.
7. Phạm Đức Nghiệm, Tạ Doãn Trịnh, Nguyễn Hữu Xuyên (2020), “Giá trị giao dịch công nghệ: yếu tố quyết định sự phát triển của thị trường KH&CN”, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, số 3+4, tr.103-107.
8. Nguyễn Hữu Xuyên và cộng sự (2021), Tổ chức trung gian của thị trường KH&CN: Phương hướng và đề xuất mô hình phát triển, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, số 2, tr.106-113.
9. Lundvall and Borras (2005), Science, Technology, Innovation and Knowledge Policy’, The Oxford Handbook of Innovation, Oxford University Press.