Thực trạng
Ngành NKT ở Việt Nam có tuổi đời trẻ hơn khá nhiều so với các mảng khác như nhựa dân dụng, nhựa bao bì, nhựa xây dựng. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, số lượng các doanh nghiệp NKT trong nước đã tăng nhanh và có quy mô ngày càng lớn, cơ cấu giá trị của NKT dự báo sẽ đạt 25% vào năm 2025.
Lĩnh vực sản xuất của các doanh nghiệp NKT khá phong phú, bao trùm hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất từ cơ khí, điện, điện tử, viễn thông đến xây dựng, giao thông, y tế, nông nghiệp, dầu khí, hoá chất… Trong đó, lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, linh kiện nhựa nhất là ngành cơ khí với hai nhóm chính là sản xuất ô tô và xe máy. Lĩnh vực có số doanh nghiệp sản xuất lớn thứ 2 là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, linh kiện nhựa cho ngành điện, điện tử, viễn thông. Nhóm NKT có số lượng doanh nghiệp nhiều thứ 3 là ngành NKT trong xây dựng.
Hai thành phố có số lượng doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm NKT nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh (chiếm 37% số lượng doanh nghiệp) và Hà Nội (18% số doanh nghiệp). Ngoài ra, doanh nghiệp NKT cũng phân bố ở khá nhiều tỉnh, thành phố khác trong toàn quốc nhưng số lượng ít như Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Long An, Quảng Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam (hình 1)…
Hình 1. Biểu đồ tỷ lệ phân bố các doanh nghiệp nhựa theo tỉnh/thành phố
Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, ngành NKT Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại.
Trước hết, trang thiết bị, công nghệ sản xuất và nguyên liệu nhựa, phụ gia phụ thuộc vào nước ngoài. Nhân tố trang thiết bị, công nghệ có một tác động to lớn đến sự phát triển của ngành nhựa nói chung, NKT nói riêng. Các công ty nhựa Việt Nam trong những năm qua đã chú ý đến việc đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ, vì thế các sản phẩm nhựa Việt Nam được đánh giá là có khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu do công nghệ đã đáp ứng được yêu cầu của thế giới. Tuy nhiên, việc đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị đối với ngành Nhựa hiện nay vẫn đang là một trở ngại lớn do hầu hết các thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất của ngành, như máy ép, máy đùn, máy thổi... đều phải nhập khẩu. Việt Nam hiện đang nhập khẩu khoảng 90% tổng số máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất nhựa trong nước. Bên cạnh đó, nguyên liệu nhựa, phụ gia và hạt compound NKT đầu vào cũng chủ yếu là nhập khẩu và trong các đơn hàng đa số do các doanh nghiệp đặt gia công chỉ định nguồn cung cấp.
Thị trường NKT phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp nước ngoài. NKT là lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp phụ trợ. Sự hình thành và phát triển ngành NKT ở Việt Nam trong một thời gian dài gắn liền với sự đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài thuộc các ngành sản xuất xe máy, thiết bị điện, điện tử… đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản như Honda, Yamaha, Canon, Samsung…
Cho đến nay, các doanh nghiệp NKT Việt Nam vẫn chưa có thị trường đủ lớn và chưa tham gia được sâu vào các chuỗi sản xuất trên thế giới, chưa được tham gia sản xuất các sản phẩm NKT nhiều giá trị. Trong số các công ty NKT cung cấp linh kiện nhựa cho xe máy, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang có năng lực vượt trội hơn so với các doanh nghiệp nhựa trong nước.
Do phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp NKT không có điều kiện thực hiện một số công đoạn. Chẳng hạn công đoạn thiết kế đa phần ở Việt Nam là làm gia công với đặc thù là các thiết kế đã có sẵn từ các trung tâm nghiên cứu và phát triển của các tập đoàn mẹ ở nước ngoài nên các doanh nghiệp NKT Việt Nam ít có cơ hội và kinh nghiệm trong thiết kế các sản phẩm NKT...
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã đã phát triển được những thương hiệu riêng và dần trở thành những bạn hàng lớn của các doanh nghiệp NKT trong nước. Trong lĩnh vực nhựa kỹ thuật cho ô tô, nhờ sự phát triển các sản phẩm ô tô của Trường Hải (Thaco), Thành Công (TC Motor), VinFast mà tỷ trọng các linh kiện NKT được sản xuất trong nước đang từng bước được nâng cao.
Trình độ công nghệ còn nhiều hạn chế. Về cơ bản, quy trình chế tạo sản phẩm NKT ở Việt Nam đang áp dụng đúng quy trình chung của thế giới, tuy nhiên các doanh nghiệp phần lớn tiếp cận ở một số khâu trong quy trình. Rất ít có doanh nghiệp thực hiện toàn bộ quy trình. Trong đó điểm mạnh là tập trung vào phần gia công, do đó phần lớn các công nghệ phát triển phổ biến trong nước là các công nghệ gia công. Các giai đoạn tạo mẫu, thiết kế mới ở mức tiếp xúc và nhỏ lẻ. Thông qua phương pháp xây dựng bản đồ công nghệ, nhóm nghiên cứu đã đánh giá năng lực công nghệ của ngành NKT tại Việt Nam bám sát quy trình sản xuất sản phẩm với 6 nhánh công nghệ chính, 5 lớp công nghệ, 47 công nghệ lớp cuối và 215 thông số công nghệ. Trong đó,điểm đánh giá năng lực công nghệ các nhánh công nghệ chính được thể hiện như trong hình vẽ dưới đây.;
Hình 2. Năng lực công nghệ ngành NKT: công nghệ lớp 1.
Kết quả đánh giá hiện trạng doanh nghiệp cho thấy, thiết kế sản phẩm đạt 54,04%, thiết kế và chế tạo khuôn đạt 70,27%, gia công sản phẩm đạt 55,92%, gia công hoàn thiện đạt 70,2%, lắp ráp đạt 70% và đo kiểm đạt 75,91%. Nhìn chung các mặt công nghệ đều đạt mức trung bình và khá. Điều này cho thấy năng lực công nghệ ngành NKT tại Việt nam đạt trình độ trung bình khá so với thế giới. Tuy nhiên, chiếm một tỷ lệ không nhỏ các doanh nghiệp NKT có xuất phát điểm là các doanh nghiệp sản xuất khuôn mẫu cho các doanh nghiệp FDI nên năng lực thiết kế và chế tạo khuôn tốt hơn năng lực thiết kế và gia công sản phẩm. Trong khi đó, đa phần các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nhựa lớn, có thương hiệu, có thị trường sản phẩm không sản xuất NKT. Chính vì thế, chiếm đa số các doanh nghiệp trong ngành NKT là các doanh nghiệp còn non trẻ, nguồn vốn, nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu kinh nghiêm, know-how, quy trình sản xuất chưa được chuyên nghiệp bài bản, thiếu chuyên gia và nhân lực được đào tạo chuyên sâu.
Giải pháp phát triển ngành NKT Việt Nam
Giải pháp về chính sách
Trong thời gian qua, Đảng và nhà nước đã ban hành một số cơ chế, chính sách để định hướng và hỗ trợ sự phát triển của ngành sản xuất nhựa nói chung cũng như sản xuất NKT nói riêng. Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2992/QĐ-BCT ngày 17/6/2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Nhựa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo Quy hoạch này, ngành Nhựa Việt Nam được phát triển theo hướng đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến sản phẩm cuối cùng, xử lý phế liệu nhựa về chế biến thành nguyên liệu, tăng dần tỷ trọng nguyên liệu trong nước để trở thành ngành công nghiệp tự chủ. Quy hoạch ngành cũng đưa ra mục tiêu chuyển dịch cơ cấu ngành Nhựa theo hướng sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, giảm tỷ trọng các nhóm sản phẩm nhựa bao bì và nhựa gia dụng, tăng tỷ trọng nhóm sản phẩm nhựa vật liệu xây dựng và NKT.
Để thúc đẩy phát triển ngành NKT, cần chủ động, tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư; chủ động tiếp cận các dòng vốn đầu tư có chất lượng thông qua đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tiếp cận, vận động các tập đoàn lớn, tập đoàn công nghệ; chủ động thúc đẩy hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng trong các khuôn khổ hợp tác với các đối tác có tiềm lực tài chính và công nghệ; chủ động chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, kiên quyết từ chối các dự án không phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như không đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn công nghệ, môi trường…
Các cơ quan liên quan cần sớm có quy định, chính sách ưu đãi cụ thể đi kèm với điều kiện được hưởng ưu đãi để thu hút đầu tư, hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng có giá trị gia tăng, thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu - phát triển NKT tại Việt Nam, liên kết với các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định có tính sàng lọc đầu tư nước ngoài, như quy định, cơ chế sử dụng các sản phẩm NKT được sản xuất tại Việt Nam, khuyến khích đầu tư gắn với công nghệ cao, chuyển giao công nghệ; đồng thời, ngăn ngừa các dự án đầu tư tiềm ẩn rủi ro ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu…
Giải pháp về công nghệ
Trên cơ sở các thông tin từ bản đồ công nghệ đã xây dựng, xin đề xuất lộ trình công nghệ ngành sản xuất sản phẩm NKT giai đoạn 2020-2030 như sau (hình 3):
Hình 3. Lộ trình công nghệ ngành sản xuất NKT trong giai đoạn 2020-2030.
Lộ trình công nghệ ngành sản xuất sản phẩm NKT giai đoạn 2020-2030 sẽ giúp cho chúng ta thấy được các định hướng sản phẩm, công nghệ ưu tiên phát triển cũng như những dự án nghiên cứu và đầu tư hạ tầng công nghệ cần thiết trong thời gian tới đối với ngành sản xuất sản phẩm NKT tại Việt Nam.
Để đạt mục tiêu phát triển ngành nhựa theo hướng hiện đại, cần tăng cường tự động hóa, từng bước loại bỏ công nghệ, thiết bị cũ, đổi mới công nghệ, sử dụng thiết bị tiên tiến, hiện đại của thế giới là điều kiện tiên quyết. Theo đó, đầu tư phát triển ngành nhựa đi vào công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng; tạo ra các sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Cần tập trung phát triển, hoàn thiện các bước trong quy trình công nghệ, trong đó bao gồm các nhóm công nghệ thiết kế sản phẩm, nhóm công nghệ thiết kế và chế tạo khuôn mẫu, nhóm công nghệ hoàn thiện sản phẩm, nhóm công nghệ lắp ráp sản phẩm, nhóm công nghệ đo kiểm sản phẩm. Tương ứng với mỗi công nghệ cũng cần phải có các chương trình nghiên cứu và phát tiển cũng như việc đầu tư các hạ tầng nghiên cứu tương ứng.
Giải pháp về nghiên cứu và tăng cường năng lực
Cần thúc đẩy các hoạt động đào tạo, đầu tư tăng cường năng lực cho ngành NKT. Trong đó, nên đầu tư xây dựng các Trung tâm hỗ trợ cho ngành NKT như: 1) Trung tâm thiết kế sản phẩm NKT và khuôn nhựa với đầy đủ các loại phần mềm thiết kế, mô phỏng (như CAD, Corel, Idea, Catia, NX-unigraphics, COMSOL, ANSYS…) có bản quyền thông thường, trang bị hệ thống máy in 3D để tạo sản phẩm mẫu; 2) Trung tâm thiết kế sản phẩm NKT và khuôn mẫu cao cấp với đầy đủ các loại phần mềm thiết kế, mô phỏng có bản quyền được tích hợp đầy đủ tính năng và thư viện, trang bị hệ thống máy in 3D để tạo sản phẩm mẫu, được trang bị các thiết bị đo kiểm để đánh giá chất lượng và ảnh hưởng của môi trường, tải trọng tới độ bền, tuổi thọ của sản phẩm; 3) Trung tâm nghiên cứu vật liệu nhựa có chức năng phân tích và đo kiểm hiện đại cho nhựa, sơn phủ và keo; 4) Trung tâm nghiên cứu thiết kế, chế tạo và thử nghiệm máy móc, thiết bị cho ngành nhựa, in, sơn phủ và keo, trong đó có các thiết bị phân tích và đo kiểm hiện đại phục vụ cho công nghệ chế tạo máy móc và thiết bị, các thiết bị chế tạo gia công máy móc và thiết bị.
Lựa chọn sản phẩm NKT ưu tiên phát triển
Theo đặc thù của ngành sản xuất NKT có hai thị trường chính là linh kiện NKT cho ô tô và linh kiện NKT cho các sản phẩm điện, điện tử nên sẽ có 2 nhóm sản phẩm ưu tiên phát triển đáp ứng nhu cầu của hai thị trường này.
Sản phẩm NKT dùng trong lĩnh vực cơ khí chế tạo: định hướng phát triển ngành sản xuất NKT và cùng quá trình tăng cường nội địa hóa của ngành sản xuất ô tô tại Việt Nam, các sản phẩm NKT ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới trong lĩnh vực cơ khí chế tạo cần xác định các sản phẩm ngắn hạn và sản phẩm trung hạn, dài hạn. Đối với linh vực sản xuất ô tô, ngắn hạn sẽ tập trung các sản phẩm như: táp lô, panel trong vỏ, các chi tiết trong khoang máy (dưới nắp ca pô), phần điện, điện tử, ốp gương, đèn, ca lăng, bình đựng chất lỏng, mái ô tô, bộ lọc khí trong ô tô...; trung hạn tập trung vào hệ thống cửa, chi tiết hệ thống xăng, chi tiết hệ thống truyền động, chi tiết cấu trúc khung gầm, thân và vỏ, đèn, pedan phanh, bánh răng nhỏ, chi tiết cho modul điện và điện tử ...
Sản phẩm NKT dùng trong lĩnh vực điện, điện tử: ngắn hạn tập trung vào các sản phẩm như vỏ sau màn hình, khung màn hình, chi tiết bánh răng, truyền động trong thiết bị điện, khung màn hình điện thoại, vỏ sau điện thoại, tai nghe điện thoại không dây, bản mạch PCB, vỏ thiết bị điện và điện tử, hệ thống dây điện.
Tổng hợp lại, chúng ta thấy được ngành NKT tại Việt Nam hiện nay tuy mới đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất ở mức trung bình khá so với thế giới nhưng có tiềm năng phát triển rất lớn trong thời gian tới. Cùng với việc tập trung định hướng phát triển các sản phẩm NKT ưu tiên là các chi tiết NKT cho ô tô và các thiết bị điện, điện tử thì ngành NKT tại Việt Nam cần tập trung nghiên cứu và ưu tiên đầu tư hạ tầng nghiên cứu cho việc thiết kế và chế tạo sản phẩm, khuôn mẫu NKT trong giai đoạn ngắn hạn cũng như tập trung xây dựng các trung tâm nghiên cứu về thiết kế, chế tạo máy móc, thiết bị và đặc biệt là vật liệu ngành NKT để tăng cường năng lực tự chủ cho các doanh nghiệp NKT. Cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính, thị trường, nhân lực, cơ sở hạ tầng thì các cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ sẽ là động lực thúc đẩy ngành NKT tại Việt Nam phát triển trở thành một ngành sản xuất có đóng góp quan trọng cho nền công nghiệp tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030.