Cam kết về SHTT của EVFTA gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý. Về cơ bản, các cam kết về SHTT của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
SHTT được cho là sẽ có tác động trực tiếp và lớn đến thể chế pháp luật và thực thi của Việt Nam. Đây là chế định tập hợp các nguyên tắc, yêu cầu về các tiêu chuẩn bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền SHTT. EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm SHTT hàng đầu thế giới, do đó có nhu cầu tăng cường bảo hộ các quyền SHTT. EU đồng thời cũng có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền SHTT này. Về phía mình, là một nước đang phát triển, chỉ sở hữu một số lượng rất ít các sản phẩm SHTT so với đối tác EU, Việt Nam rất cần không gian cho phép các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận các sản phẩm SHTT phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định việc thực thi quyền SHTT bằng các biện pháp dân sự, hình sự và hành chính. Trên thực tế, việc thực thi bảo hộ quyền SHTT chưa thật sự hiệu quả. Hầu như chỉ có biện pháp hành chính là được áp dụng chủ yếu. Tuy nhiên, hiệu quả các biện pháp hành chính cũng tương đối hạn chế do có nhiều lực lượng tham gia như hải quan, thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường và công an kinh tế, nhưng không xác định rõ ràng cơ quan nào làm đầu mối và chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan với nhau. Trong khi đó, biện pháp dân sự theo yêu cầu của các bên liên quan còn hạn chế. Theo số liệu thống kê của ngành tòa án, việc xử lý các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền bằng biện pháp dân sự tại tòa án chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp so với hàng chục nghìn các vụ xâm phạm quyền bị xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực quyền tác giả (83,5%), các tranh chấp trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp (5,5%). Số lượng các vụ xâm phạm quyền bị xử lý về hình sự cũng không nhiều. Thực tiễn cho thấy, hầu hết các vụ xâm phạm quyền SHTT đều được xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào đối tượng hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và hàng xâm phạm kiểu dáng công nghiệp. Hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu là phạt tiền, đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh hoặc tiêu hủy hàng hóa, phương tiện kinh doanh vi phạm… Tuy đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan thực thi quyền SHTT, nhưng thực tế cho thấy tình trạng xâm phạm quyền SHTT ở nước ta vẫn đang diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, làm nản lòng các nhà đầu tư, gây tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội. Có thể khẳng định rằng, một trong những điểm yếu và thách thức lớn nhất của nước ta hiện nay chính là hiệu quả của hoạt động thực thi còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc thực thi quyền SHTT bằng biện pháp tư pháp.
Trong thời gian tới, để cải thiện công tác thực thi quyền SHTT trong bối cảnh EVFTA có hiệu lực, cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, nâng cao năng lực chuyên môn về SHTT và năng lực thực thi công vụ cho các cơ quan, lực lượng chức năng. Việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thực thi quyền SHTT là yêu cầu bức thiết, cần phải nghiên cứu, xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về SHTT cho các cơ quan, lực lượng thực thi quyền SHTT và hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi về con người và cơ sở vật chất thông qua các chương trình xây dựng, huấn luyện cho các đầu mối về thực thi quyền SHTT tại các cơ quan thực thi ở trung ương và địa phương.
Hai là, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan hành chính, xét xử và cơ quan chuyên môn thông qua hoạt động chia sẻ thông tin, phối hợp hành động; hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật về cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong công tác ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm về SHTT của các cơ quan, lực lượng chức năng.
Ba là, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy vai trò của các cơ quan thông tin báo chí trong việc đấu tranh lên án, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh. Kết hợp tuyên truyền với việc vận động tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng chủ động, tích cực tham gia phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả; cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng về các dấu hiệu vi phạm để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời và hiệu quả. Tăng cường vai trò của xã hội trong việc theo dõi, phối hợp, đánh giá tình hình, qua đó xây dựng và củng cố niềm tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng đối với công tác thực thi quyền SHTT, đấu tranh chống gian lận thương mại và hàng giả.
Bốn là, tiếp tục tận dụng một cách có hiệu quả kinh nghiệm và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong công tác thực thi quyền SHTT cũng như trong công tác đào tạo, buỗi dưỡng nguồn nhân lực hiện tại và tương lai cho các cơ quan, lực lượng thực thi.
Quy trình sơ chế trái cây xuất khẩu tại công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy, Lâm Ðồng (ảnh: Quang Hiếu).
Để khai thác hiệu quả thị trường châu Âu, tận dụng cơ hội về mở cửa thị trường mà Hiệp định EVFTA mang lại, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương và nhất là của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần chủ động và tích cực hơn trong việc tìm hiểu các quy định hàng rào kỹ thuật trong thương mại của châu Âu nhằm bảo đảm sản phẩm có thể vượt qua được những tiêu chuẩn đó để vào thị trường châu Âu. Ðồng thời, không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt.
Bắc Lê