Thứ ba, 15/12/2020 10:19

Nắm vững kiến thức về sở hữu trí tuệ để tiến xa hơn

Việc tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) đã nâng cao đáng kể năng lực và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. EVFTA đã tạo ra động lực và sức ép mới để Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Môi trường pháp lý, chính sách kinh tế, cơ chế quản lý trong nước theo đó cũng dần được hoàn thiện, hài hòa với các chuẩn mực quốc tế. Mặt khác, EVFTA cũng đưa ra các yêu cầu nghiêm khắc hơn về thực thi sở hữu trí tuệ (SHTT), trao quyền cao hơn cho chủ thể thực thi và chủ sở hữu quyền. Hiệp định này cũng nâng mức trách nhiệm và biện pháp trừng phạt đối với những chủ thể có hành vi vi phạm các quyền SHTT.

EVFTA quy định mức độ cam kết cao về việc thực thi quyền SHTT với các điều kiện ràng buộc chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn so với chuẩn mực quốc tế phổ biến trước đó, do vậy đây đang là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu doanh nghiệp không am hiểu và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ khó nắm bắt hiệu quả các cơ hội mà Hiệp định này mang lại.

Bộ Công Thương đánh giá EVFTA là một trong số ít hiệp định có cam kết về SHTT rất cao và có nhiều quy định khác biệt so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam đã tham gia. Trong đó, chương về SHTT là một trong những chương có dung lượng lớn nhất trong Hiệp định. Đồng thời, EVFTA đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật hiện hành của nước ta, ví dụ như vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý, hay việc gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp trong vòng 2 năm kể từ khi hiệp định này có hiệu lực… Bên cạnh đó, nhiều quy định,  khái niệm pháp luật có trong EVFTA chỉ sử dụng ở các nước châu Âu, tại Việt Nam lại chưa dùng đến bao giờ. Ví dụ: trong EVFTA có quy định về các căn cứ yêu cầu chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu của Việt Nam nếu nhãn hiệu đó chưa được “sử dụng thật sự”. Song, khái niệm “sử dụng thật sự” chưa tồn tại ở nước ta khiến cho công tác thực thi bảo hộ SHTT trong tương lai sẽ gặp trở ngại. Về vấn đề này, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, thực tế cho thấy, thực thi quyền SHTT luôn có khá nhiều khúc mắc trong thực tiễn. Trong khi đó, EU là khu vực có môi trường pháp lý lành mạnh, bảo vệ kết quả sáng tạo, kỹ thuật cũng như bảo vệ người tiêu dùng cao hàng đầu thế giới.

Do đó, chủ đề về SHTT được Liên minh châu Âu (EU) rất chú trọng đàm phán trong EVFTA. EVFTA đưa ra các yêu cầu về thực thi SHTT theo hướng nghiêm khắc hơn, trao quyền cao hơn cho chủ thể thực thi và chủ sở hữu quyền. Hiệp định này cũng nâng mức trách nhiệm, biện pháp trừng phạt đối với chủ thể có hành vi vi phạm các quyền SHTT. Hơn thế nữa, theo Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang, quy định về SHTT đã cho thấy rất nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Việt nhưng việc thực thi bảo hộ SHTT còn khó khăn hơn nữa. Trong EVFTA, sản phẩm mang nhãn hiệu, sáng chế công nghiệp đến từ Việt Nam cần tiến hành đăng ký bảo hộ độc quyền tại EU với mức chi phí khá cao và thủ tục đăng ký phức tạp.

Đáng chú ý, kiểu dáng công nghiệp bảo hộ không chỉ có sản phẩm hoàn chỉnh mà cả linh kiện, bộ phận nhìn thấy được trong quá trình thông thường. Các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền SHTT (TPMs) trong EVFTA mở rộng các hành vi sử dụng xâm phạm TPMs không chỉ sản xuất, nhập khẩu, phân phối, lắp ráp, bán, cho thuê mà còn tàng trữ với mục đích thương mại, cung cấp dịch vụ nhằm quảng bá, thúc đẩy...

Nhiều chuyên gia đánh giá các doanh nghiệp Việt hiện còn rất mơ hồ về SHTT, văn hóa tôn trọng quyền SHTT vẫn còn thấp, có rất nhiều doanh nghiệp thậm chí không nắm rõ các quy định pháp luật về SHTT hiện hành. Do đó, để đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp thực thi có hiệu quả các cam kết về SHTT trong EVFTA, chúng ta cần nhanh chóng nội luật hóa các cam kết của EVFTA và tiếp tục triển khai các chính sách để nâng cao năng lực và hiệu quả thực thi quyền SHTT.

Một trong những việc cần làm ngay là phải cải cách, sửa đổi cơ cấu hệ thống pháp luật để thi hành các cam kết như sửa quy định về nhãn hiệu để bảo hộ các nhãn hiệu phi truyền thống, quy định về sáng chế liên quan đến cơ chế đền bù nếu việc xử lý đơn xin cấp phép lưu hành sáng chế đó bị chậm trễ bất hợp lý, các quy định liên quan đến chế tài, hình phạt đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT…

Cùng với đó là tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT cũng như các cơ quan thực thi, từ trang bị hạ tầng kỹ thuật, đến thượng tầng thông tin và đội ngũ cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ… Minh bạch hóa hơn nữa các chính sách, quy định liên quan đến SHTT, công bố trên Internet quy định pháp luật, các thủ tục, quyết định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền SHTT, minh bạch hơn trong quy trình xác lập cũng như thực thi quyền SHTT. Song song với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường thực hiện tuyên truyền, phổ biến thông tin để nâng cao nhận thức xã hội nói chung và nhận thức của doanh nghiệp nói riêng nhằm tạo ra văn hóa tôn trọng quyền SHTT. Đi đôi với đó là có các giải pháp, chính sách thúc đẩy phát triển công nghệ, chuyển giao và quản lý công nghệ hiệu quả, thông qua đó thực thi việc bảo hộ quyền SHTT hiệu quả. Các cam kết về mức độ bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong EVFTA góp phần bảo đảm cho doanh nghiệp của hai bên được hưởng sự bảo hộ cao nhất nhưng vẫn đảm bảo độ linh hoạt nhất định để một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể hưởng lợi từ bảo hộ SHTT. Điều này tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp hai bên, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, sản xuất hàng nông sản, thực phẩm; công nghệ năng lượng điện tái tạo, dược phẩm, chế tạo thiết bị máy móc… từ EU vào Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp, để nắm bắt hiệu quả cơ hội từ EVFTA, đưa hàng hóa Việt tiếp cận, khai thác thị trường EU và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng vị thế, phát triển bền vững, doanh nghiệp cần nắm vững kiến thức để có thể đáp ứng đầy đủ các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền SHTT trong EVFTA.

Bắc Lê

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)