EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, SHTT, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế.
Trong số những lĩnh vực nói trên, vấn đề về SHTT ngày càng được quan tâm hơn trước bởi doanh nghiệp Việt đã và đang ý thức rất rõ rằng nỗ lực phát triển và bảo hộ quyền SHTT sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao giá trị thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế.
Nhãn hiệu
Trước đây, theo quy định của Luật SHTT tại Điều 95.1(d), “nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực”. EVFTA đưa ra quy định mang tính chặt chẽ hơn vì đã bổ sung yếu tố “sử dụng thực sự” thay vì chỉ yêu cầu là có hành vi sử dụng như trước. Yếu tố “sử dụng thực sự” được giải thích là “việc sử dụng trên thực tế vì mục đích kinh doanh hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan để đạt được lợi thế thương mại. Một cách tổng quát, sử dụng thực sự là việc bán trên thực tế và phải có hành động bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ trong khoảng thời gian quy định. Việc sử dụng trong quảng cáo có thể được coi là sử dụng thực sự. Tuy nhiên, các bước chuẩn bị đơn thuần không được coi là đã sử dụng thực sự. Sử dụng thực sự trái ngược với việc sử dụng trên danh nghĩa hay giả vờ sử dụng chỉ để duy trì nhãn hiệu trong đăng bạ”.
Với sự thay đổi quy định này, chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ cần phải lưu ý để tránh trường hợp nhãn hiệu của mình bị chấm dứt bảo hộ, đặc biệt là khi trước đó đã thực hiện đăng ký nhiều nhãn hiệu liền kề nhau để mở rộng phạm vi bảo hộ đối với một nhãn hiệu chính.
Để tránh khả năng bị chấm dứt quyền sở hữu đối với nhãn hiệu do quy định mới của hiệp định EVFTA, chủ sở hữu Nhãn hiệu cần phải bắt đầu (đối với trường hợp chưa sử dụng từ khi đăng ký) hoặc tiếp tục trước ít nhất 3 tháng tính đến ngày có yêu cầu đình chỉ. Việc bắt đầu hoặc tiếp tục sẽ có thể không được công nhận nếu chúng chỉ được thực hiện vì lý do chủ sở hữu biết được là sắp có yêu cầu chấm dứt bảo hộ nhãn hiệu được nộp mà không vì chủ đích sử dụng nhãn hiệu đó vào sản xuất, kinh doanh hoặc quảng cáo.
Chỉ dẫn địa lý
Việt Nam công nhận và bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU (chủ yếu là rượu và thực phẩm) EU công nhận và bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (chủ yếu là nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột...), danh sách này được quy định tại Phụ lục 12-A của EVFTA. Về mối quan hệ với nhãn hiệu, hiện nay, một số nhãn hiệu có dấu hiệu trùng hoặc tương tự với những chỉ dẫn nói trên đã hoặc đang được đăng ký ở Việt Nam. Trong trường này, nhãn hiệu sẽ không được coi là xâm phạm quyền SHTT nếu đã được nộp đơn hoặc đăng ký một cách trung thực tại Việt Nam trước “ngày thích hợp”.
Danh mục các chỉ dẫn địa lý nói trên chỉ có thể được sửa đổi theo thủ tục sửa đổi của EVFTA. Những chỉ dẫn địa lý này nếu không còn được bảo hộ, EU cũng sẽ đương nhiên không được bảo hộ tại Việt Nam.
Một số ngoại lệ: đối với 4 chỉ dẫn địa lý về pho-mát của EU (“Asiago”, “Fontina”, “Gorgonzola” và “Feta”) đang được sử dụng như tên gọi sản phẩm pho-mát ở một số nước, thì việc bảo hộ 4 chỉ dẫn địa lý nói trên sẽ không cản trở các doanh nghiệp bất kỳ được tiếp tục sử dụng các tên gọi này trên thị trường Việt Nam cho sản phẩm pho-mát từ trước ngày 1/1/2017, và cả những người kế nghiệp (successor) của họ. Trường hợp còn lại, những doanh nghiệp sử dụng tên gọi nói trên sau ngày 1/1/2017 sẽ không có quyền sử dụng các dấu hiệu trùng hoặc tương tự với các chỉ dẫn này.
Đối với 1 chỉ dẫn địa lý về rượu của EU (“champagne”) đang được sử dụng như tên gọi chung (vang sủi bọt), thì tên gọi này vẫn sẽ được tiếp tục sử dụng chung trong vòng 10 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực, tuy nhiên, sau thời hạn đó, thị trường Việt Nam sẽ phải sử dụng tên gọi khác cho sản phẩm vang sủi bọt mà lâu nay vẫn gọi là rượu “sâm-panh” khi đưa ra thị trường, và chỉ dẫn địa lý này sẽ được bảo hộ toàn diện tại Việt Nam. Vì lẽ đó, các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm trong nhóm “rượu vang” tại Việt Nam mà hiện đang sử dụng tên gọi chung là “champagne” (hay bản dịch, bản phiên âm hoặc phiên tự của từ này) cho sản phẩm của mình sẽ cần phải dần thay đổi thói quen người tiêu dùng Việt Nam trong cách gọi tên sản phẩm vang sủi bọt để giảm bớt các lợi ích vô hình có thể mất đi khi hết thời hạn 10 năm chuyển tiếp của Hiệp định.
Thay đổi về kiểu dáng công nghiệp
Cam kết về kiểu dáng trong EVFTA có một số điểm mới (so với pháp luật hiện hành) đáng chú ý sau đây:
- Việt Nam phải gia nhập và bảo đảm thực thi các quy định của Hiệp định Hague (La Hay) về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.
- Việt Nam phải quy định rõ hơn về việc bảo hộ kiểu dáng tổng thể và kiểu dáng linh kiện thành phần (thông qua tiêu chí “nhìn thấy được”).
- Việt Nam cần quy định rõ hơn về việc kiểu dáng công nghiệp cũng có thể là đối tượng được bảo hộ theo quyền tác giả.
Thay đổi về sáng chế
Khi EVFTA có hiệu lực, pháp luật về SHTT tại Việt Nam sẽ cần bổ sung thêm quy định về điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp của một bộ phận trong một sản phẩm phức hợp. EVFTA yêu cầu Việt Nam phải có quy định cho phép “bù đắp” cho các trường hợp thời gian bảo hộ sáng chế bị rút ngắn do chậm trễ trong thủ tục cấp phép lưu hành (nhưng không ràng buộc về cách thức “bù đắp”).
Xuân Bình