Thứ tư, 16/12/2020 15:57

Những vấn đề đặt ra cho khoa học xã hội và nhân văn giai đoạn 2021-2025

Nhằm lấy ý kiến của các nhà khoa học về những vấn đề đặt ra cho khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) giai đoạn 2021-2025, ngày 16/12/2020, Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về KHXH&NV phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” (mã số KX.01/16-20) đã tổ chức hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh mới và những vấn đề đặt ra cho KHXH&NV giai đoạn 2021-2025”. Hội thảo đã đánh giá một số kết quả đạt được của Chương trình KX.01/16-20 và thảo luận những vấn đề đặt ra cho KHXH&NV giai đoạn 2021-2025.

Những đóng góp nổi bật của Chương trình KX.01/16-20

Báo cáo của Ban Chủ nhiệm Chương trình cho biết, Chương trình KX.01/16-20 gồm 52 đề tài bao trùm các lĩnh vực kinh tế và phát triển kinh tế, lĩnh vực xã hội và quản lý xã hội, lĩnh vực con người, văn hóa và phát triển nguồn nhân lực, chính trị. Một số đề tài nghiên cứu mang tính chất giao thoa giữa kinh tế - xã hội - văn hoá - con người, sự tương tác của các lĩnh vực này.

Qua 4 năm thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng như:  40% đề tài nghiên cứu có kết quả đóng góp trực tiếp, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước (vượt mức so với chỉ tiêu đặt ra); 80% số đề tài có kết quả góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách ở bộ, ngành, địa phương (đạt 100% so với chỉ tiêu đặt ra); 80% số đề tài có kết quả cung cấp những luận giải cho việc nâng cao nhận thức lý luận và thực tiễn, góp phần phát triển KHXH&NV (đạt 100% so với chỉ tiêu đặt ra); 30/52 đề tài đã có sách chuyên khảo; 127 bài báo công bố trên các tạp chí KH&CN chuyên ngành có uy tín trong nước, 15 bài công bố quốc tế; 72 bài tham gia hội thảo quốc gia, 28 bài tham gia hội thảo quốc tế; 86 hội thảo khoa học quốc gia được tổ chức thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành; 100% đề tài đảm bảo chỉ tiêu đào tạo sau đại học, tham gia đào thạc sỹ và tiến sỹ (đến thời điểm hiện tại đã tham gia đào tạo 30 tiến sỹ và 47 thạc sỹ).

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao những kết quả mà Chương trình KX.01/16-25 đạt được và khẳng định, Chương trình là trụ cột về mặt chuyên môn để cùng với các cơ quan nghiên cứu KHXH&NV tích cực cung cấp luận cứ khoa học, đóng góp ý kiến cho Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đại hội đảng bộ các địa phương. Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn tại hội thảo, các nhà khoa học sẽ cùng trao đổi về những vấn đề đặt ra cho KHXH&NV giai đoạn 2021-2025; đây là hội thảo quan trọng giúp Bộ KH&CN có định hướng cho việc tái cơ cấu Chương trình trong giai đoạn tới.

Bối cảnh mới và một số định hướng nghiên cứu trong giai đoạn tới

Tại Hội thảo, các đại biểu đều khẳng định, bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước với những thay đổi nhanh chóng đang có tác động mạnh tới sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, con người, các giá trị tự nhiên và các giá trị nhân văn, làm xuất hiện những vấn đề mới cần tiếp tục được nghiên cứu để cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cũng như cung cấp các cơ sở khoa học cho các mô hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh cho khu vực doanh nghiệp, bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới.

Toàn cảnh Hội thảo.

Những vấn đề mới phát sinh do những biến đổi của tình hình thế giới, khu vực và Việt Nam trong những năm qua: cuộc các mạng công nghệ lần thứ 4 tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội; những biến đổi về địa chiến lược của các chủ thể trong quan hệ quốc tế, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; xu thế chuyển dịch thương mại, đầu tư trên thế giới; biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống; sự thay đổi các giá trị nhân văn; tác động của đại dịch Covid-19… đặt ra những yêu cầu mới về quản trị quốc gia, quản trị vùng, quản trị ngành - lĩnh vực và nhóm xã hội, cá nhân con người, nhằm phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và con người Việt Nam… Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, Hội thảo đã gợi mở một số vấn đề cần được nghiên cứu trong giai đoạn tới:

Một là, nghiên cứu hoàn thiện thể chế tạo động lực phát triển Việt Nam giai đoạn 2021-2030: các vấn đề phát triển kinh tế (động lực, mô hình, chính sách, nguồn lực, phát triển kinh tế vùng, cơ chế giám sát về kinh tế và quản lý kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế...), đảm bảo công bằng xã hội, nâng cao chất lượng dân cư, chất lượng sống, bảo vệ môi trường…

Hai là, nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển kinh tế gắn với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các chính sách phát triển kinh tế năng lượng, kinh tế biển đảo, các vấn đề về quản trị quốc gia, địa phương trong bối cảnh phát triển nền kinh tế số… đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững, kết nối các khu vực kinh tế; cơ cấu kinh tế trong điều kiện chung sống với đại dịch Covid-19 và hậu Covid-19.

Ba là, nghiên cứu những vấn đề xã hội, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội Việt Nam trong điều kiện sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (cơ cấu xã hội, môi trường xã hội, an ninh xã hội, an toàn xã hội; công bằng về cơ hội phát triển và công bằng phân bổ nguồn lực phát triển; vấn đề xây dựng xã hội thịnh vượng, khá giả, hài hòa; sở hữu xã hội và quyền lực xã hội; quản lý xã hội giai đoạn hậu Covid-19; liên thông sử dụng nhân tài khu vực công với khu vực tư; liêm chính kinh doanh; an ninh y tế; chính sách công nghiệp dược và công nghiệp y tế; cơ chế bảo hộ quyền tài sản hình thành trong tương lai; quản lý tài sản công và chống “nhóm trục lợi”, di dân và biến đổi khí hậu...).

Bốn là, nghiên cứu về giá trị, sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam với phát triển kinh tế - xã hội; khai thác các tài sản trí tuệ; khai khác và phát triển giá trị văn hóa, con người Việt Nam phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội bền vững, tiến bộ, chất lượng cao; vấn đề tự do con người, đồng thuận xã hội, vai trò của nhà nước, các tổ chức, các nhóm xã hội đối với việc tạo dựng đồng thuận xã hội.

Năm là, nghiên cứu các vấn đề quốc tế, khu vực; hội nhập khu vực và quốc tế gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên cơ sở dự báo tình hình vận động của thế giới nhanh chóng, khó lường do tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề về an ninh phi truyển thống, an ninh kinh tế trong thế giới mở, bất định, các vấn đề về địa chiến lược, địa chính trị, địa kinh tế và khai thác các yếu tố này để phát triển kinh tế - xã hội…

Hội thảo cũng đã được nghe các nhà khoa học trình bày một số báo cáo như: “Những vấn đề nghiên cứu đặt ra cho KHXH&NV phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và con người Việt Nam từ góc độ hội nhập và bối cảnh quốc tế mới hiện nay” của TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; “Quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới và những vấn đề nghiên cứu đặt ra cho KHXH&NV” của PGS.TS Bùi Tất Thắng - Thường trực Tổ biên tập, Chánh văn phòng Tổ biên tập của Tiểu ban kinh tế - xã hội Đại hội XIII của Đảng; “Những vấn đề nghiên cứu đặt ra cho KHXH&NV từ quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn tới” của PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; “Những vấn đề nghiên cứu đặt ra cho KHXH&NV phục vụ phát triển kinh tế - xã hội từ góc độc phát triển vùng và địa phương” của PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Có thể nói, giai đoạn tới, Chương trình KHXH&NV cần được tiếp tục thực hiện và tập trung giải quyết các vấn đề trọng điểm cấp quốc gia trong lĩnh vực KHXH&NV nhằm đề xuất các chủ trương, chính sách, giải pháp thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, các nghiên cứu cần hướng đến các vấn đề mang tính dài hạn, xuyên suốt nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững gắn với khai thác và phát triển các giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)