Thứ sáu, 25/12/2020 14:37

Việt Nam có nhiều thành tố để có thể trở thành một nơi thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Đây là nhận định của Đại sứ Michael Michalak - Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tại buổi Tọa đàm “Đổi mới sáng tạo toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam” mới được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với USABC tổ chức trực truyến. Tham dự buổi Toạ đàm có Thứ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Trần Văn Tùng; Giám đốc cấp cao Tập đoàn Qualcomm phụ trách Quan hệ chính phủ khu vực Đông Nam Á, Đài Loan và Thái Bình Dương Alex Orange; Giám đốc điều hành CropLife châu Á Tan Siang Hee (đại diện tiếng nói của ngành khoa học thực vật trên khắp lục địa và là một phần của tổ chức CropLife toàn cầu); Đại diện cấp cao tại Việt Nam của USABC Bùi Kim Thùy.

Đổi mới sáng tạo và đột phá về công nghệ có vai trò rất quan trọng trong tất cả các ngành và điều đó đặc biệt đúng ở Việt Nam. Ở khu vực ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa đầu tư cho nghiên cứu phát triển cũng như tài trợ cho đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi sang cách làm mới, cách sống mới. Việc ưu tiên cho đổi mới sáng tạo hôm nay là chìa khóa để chúng ta có thể thúc đẩy tăng trưởng cho giai đoạn sau Covid-19.

Với môi trường, thể chế, kinh doanh và đầu tư đang từng bước được cải thiện, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Việc hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo tại các địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học và trong các doanh nghiệp là chính sách hướng đến việc thiết lập các trụ cột để tăng cường mối liên kết viện - trường - doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, khai thác có hiệu quả tài sản trí tuệ, từ đó hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có sức mạnh về trí tuệ, nội lực và sức bật để bứt phá trong tương lai. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng để thực hiện chính sách này một cách có hiệu quả cần sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đó là các tổ chức, hiệp hội, tập đoàn và những cá nhân nhiệt huyết, tài năng người Việt khắp nơi trên thế giới.

Theo Đại sứ Michael Michalak - Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành khu vực USABC, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, hệ thống giáo dục tốt và đã liên tục thu hút được nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, hơn nữa Việt Nam cũng có vai trò quan trọng và uy tín cao trong việc thúc đẩy phát triển KH&CN, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu về nông nghiệp và sinh học. Đây là những thành tố quan trọng giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Tại buổi Tọa đàm, TS Tan Siang Hee đã giới thiệu về các cải tiến trong nông nghiệp, đồng thời nhấn mạnh: “ngành khoa học thực vật cam kết nghiên cứu và phát triển về cải tiến nông nghiệp, cung cấp sự kết hợp mạnh mẽ giữa các nguồn lực và kinh nghiệm toàn cầu, cùng sự hiểu biết và mạng lưới địa phương. Các giải pháp nông nghiệp tổng hợp này sẽ mang lại lợi ích về năng suất và hiệu quả của nông dân. Ngành khoa học thực vật cũng chú trọng phát triển và thực hiện đổi mới chính sách nông nghiệp, kêu gọi phương pháp tiếp cận toàn chính phủ để củng cố các chính sách khuyến khích đổi mới nông nghiệp, hỗ trợ bởi hệ thống quản lý minh bạch, dựa trên khoa học, và phù hợp với yêu cầu quốc tế”. TS cũng bày tỏ mong muốn cộng tác với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chính sách và quy định cho hệ thống bền vững. Cụ thể, ngành khoa học thực vật nói chung và CropLife nói riêng cam kết hợp tác với Chính phủ để phát triển nhiều chiến lược sáng tạo hơn trong việc tập huấn đào tạo nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả, có trách nhiệm, xây dựng dựa trên sự hiểu biết tốt hơn về các động lực ra quyết định cho nông dân Việt Nam xung quanh việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; giới thiệu các giải pháp di truyền và công nghệ biến đổi gen mới, các giải pháp có thể mở rộng, cũng như các cải cách và khuyến khích chuỗi giá trị có ý nghĩa...

Cũng tại buổi Tọa đàm, các diễn giả và đại biểu tham dự đã cùng nhau thảo luận các vấn đề về chủ trương, chính sách xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn mới, các sáng kiến nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo theo chiều sâu và tạo nguồn startup dựa trên công nghệ để phát triển nhanh và bền vững; thúc đẩy thành lập các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, tư vấn khởi nghiệp sáng tạo tại các trường đại học, cao đẳng; kết nối nguồn lực trong và ngoài nước để khai thác nguồn lực trí tuệ trẻ của Việt Nam. Bên cạnh đó, các chủ đề về tăng cường vai trò của các tập đoàn trong hỗ trợ đào tạo, huấn luyện, đặt hàng, tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo (chương trình huấn luyện của Shinhan's Future Lab) và nguồn lực hiện có cũng như định hướng phát triển của hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam cũng thu hút được nhiều sự quan tâm. Việc triển khai các sáng kiến hoạt động kết nối như xây dựng nền tảng sáng tạo mở (hợp tác với đối tác Singapore), cuộc thi thử thách cùng các tập đoàn (hợp tác với tập đoàn Qualcom), Techfest 247 và Techfest quốc tế và tiềm năng phát triển startup dựa trên công nghệ trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh cũng được nêu ra và nhận được nhiều ý kiến thảo luận.

Thông qua Tọa đàm, Việt Nam bày tỏ mong muốn hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật từ các tập đoàn quốc tế trong triển khai các sáng kiến, hoạt động xây dựng hệ sinh thái quốc gia và xây dựng hệ sinh thái tại các trường đại học, cao đẳng.

Thu Vinh

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)