Thứ tư, 23/12/2020 10:56

Năng suất, chất lượng - Sức bật cạnh tranh cho doanh nghiệp

Đây là những kết quả nổi bật mà ngành công thương đạt được vừa được công bố tại Diễn đàn được Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/12/2020 tại Hà Nội. Với chủ đề “Đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng - Sức bật cạnh tranh cho doanh nghiệp”, Diễn đàn Năng suất chất lượng ngành công thương năm 2020 mang đến một cái nhìn toàn cảnh về kết quả triển khai Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2012-2020 và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên cho giai đoạn 2021-2030.

Gần 500 mô hình điểm về nâng cao năng suất, chất lượng

Với 468 mô hình điểm được xây dựng sau 8 năm triển khai Dự án thuộc 8 ngành hàng chủ lực cùng 66 đơn vị tư vấn tham gia triển khai các nhiệm vụ (trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là đơn vị/doanh nghiệp tư vấn về cải tiến năng suất chất lượng), 15 phòng thử nghiệm đã được hỗ trợ xây dựng, cập nhật hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 17025: 2017… Đó là chia sẻ của ông Đào Trọng Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Công Thương đưa ra khi đánh giá hiệu quả mà Dự án đã mang lại. Đáng chú ý, tỷ trọng các doanh nghiệp vừa được hỗ trợ chiếm 38,6% (quy mô vốn 20-100 tỷ đồng), tiếp theo là doanh nghiệp lớn, chiếm 34,2% (quy mô vốn trên 100 tỷ đồng), doanh nghiệp nhỏ chiếm 27,2%; 95% doanh nghiệp tiếp tục duy trì các mô hình điểm sau khi Dự án kết thúc, trong đó có 23,4% doanh nghiệp mở rộng phạm vi áp dụng; tỷ lệ doanh nghiệp duy trì mô hình công cụ cải tiến và hệ thống quản lý tương đương khoảng 45%.

Điển hình như Công ty Cổ phần cơ khí Phổ Yên (Thái Nguyên), với việc ứng dụng công nghệ và đổi mới quy trình sản xuất đã tạo ra những thay đổi đột phá cho doanh nghiệp. Đơn cử, giá trị tổng sản lượng từ con số 450 tỷ đồng năm 2014 đã vọt lên 230 tỷ đồng vào năm 2020. Ngoài ra, năng suất lao động bình quân năm 2014 là 45 triệu đồng/người/tháng đã đạt 72 triệu đồng/người/tháng vào năm 2020. Đặc biệt, nhờ việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thương hiệu của Công ty đã được nâng lên rất nhiều, nhiều khách hàng mới tìm đến, đặc biệt là các sản phẩm trong ngành ôtô, khai thác dầu khí do Công ty nghiên cứu, chế tạo đã được xuất khẩu ra nước ngoài. 

Tại Tổng Công ty May 10, nhờ ứng dụng KH&CN mà trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 nhưng đơn vị vẫn đảm bảo có đơn hàng và việc làm cho người lao động. Trước đây doanh nghiệp thường quan tâm nhiều đến khâu may vì đây là công đoạn chủ chốt quyết định năng suất ra chuyền. Tuy nhiên, hiệu quả chưa thật sự cao khi cắt không đáp ứng được. Vì vậy, với hướng đi mới, tập trung vào việc cải thiện khâu cắt, bằng việc đầu tư hệ thống máy trải vải và máy cắt tự động đã giúp doanh nghiệp giải quyết dễ dàng bài toán thiếu lao động, giảm ít nhất 2 lao động thủ công/1 máy nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ bán thành phẩm cho may với chất lượng đúng tiêu chuẩn…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Diễn đàn.

Tiếp cận toàn diện để giải quyết vấn đề năng suất, chất lượng của doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hiện Bộ Công Thương đã hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030 và sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.

Chương trình được xây dựng đặt trong bối cảnh phát triển và các yêu cầu mới của doanh nghiệp về nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, đặc biệt tính tới yêu cầu của quá trình hội nhập, định hướng của Việt Nam trong việc hình thành trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới, chủ động tiếp cận và tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, giai đoạn 2021-2030, Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa hướng tới nhiều mục tiêu mới. Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm của toàn ngành công nghiệp phấn đấu đạt mức 7,5%, trong đó tốc độ tăng năng suất của các ngành công nghiệp ưu tiên cao hơn 12%; phấn đấu 100 mô hình điểm về đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm trong các ngành công nghiệp ưu tiên; 1.000 mô hình điểm về áp dụng các công cụ cải tiến và hệ thống quản lý tiên tiến..

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ các mô hình điểm, Dự án còn hướng đến các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ngành công thương nâng cao năng suất chất lượng thông qua tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực áp dụng các công cụ cải tiến và hệ thống quản lý tại doanh nghiệp; đào tạo nâng cao năng lực, giúp doanh nghiệp tổ chức thực hiện các hoạt động cải tiến. Cụ thể hơn, các hoạt động triển khai sẽ gắn với toàn bộ chuỗi cung ứng cũng như vòng đời sản phẩm, tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ quản trị gắn với công nghệ sản xuất và từng bước thực hiện chuyển đổi số đồng thời phát triển hệ sinh thái hỗ trợ hoạt động cải tiến năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng lưu ý các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động và mạnh mẽ hơn nữa trong các chiến lược đầu tư, kinh doanh, trong đó ưu tiên đến vấn đề đổi mới công nghệ, thiết bị, quy trình quản lý nhằm nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, thúc đẩy cộng đồng các doanh nghiệp cùng phát triển.

Ninh Diện - Nga Quỳnh

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)