Hiện nay, đoạn sông Hồng qua trung tâm TP Hà Nội từ Thượng Cát đến Vạn Phúc dài khoảng 40 km (chảy qua địa phận hành chính của các quận/huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Thanh Trì ở bờ phải; một phần Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm ở bờ trái) tiềm ẩn nhiều nguy cơ lũ, lụt và đe dọa an toàn dân sinh; hạn kiệt trầm trọng ảnh hưởng đến yêu cầu lấy nước tưới; môi trường trên dòng chính, bãi sông và các sông, kênh thành phố ngày càng suy giảm (hầu hết trong mùa kiệt, trừ các thời điểm lấy nước tưới); giao thông thủy bị gián đoạn; bờ sông xói lở, công trình bảo vệ bờ mất ổn định; khai thác cát, đổ phế thải lấn chiếm bãi sông ngày càng trầm trọng cả về phạm vi và quy mô…
Có thể nói, so với thời kỳ trước năm 1990, vùng hạ du sông Hồng và sông Thái Bình đã và đang được định hình lại. Sự thay đổi các đặc trưng thủy văn, hình thái lòng dẫn sông Hồng từ năm 2000 đến nay chứng tỏ dòng sông Hồng đã và đang chuyển sang một quá trình phát triển mới với các đặc trưng về thủy văn, hình thái, lòng dẫn khác biệt so với trước đây, điều này dẫn đến phải xem xét, rà soát lại các nghiên cứu quy hoạch, các thông số thiết kế liên quan đến công tác quản lý hiện tại cũng như thiết kế xây dựng các công trình thủy lợi, hạ tầng trên hệ thống sông Hồng.
Trước thực tiễn nêu trên, trong khuôn khổ Chương trình KC08/16-20, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy hoạch tổng thể chỉnh trị hệ thống sông đồng bằng Bắc Bộ, đề xuất giải pháp đảm bảo đáp ứng yêu cầu ổn định lòng sông thoát lũ và các mục tiêu tổng hợp” (mã số KC08.10/16-20), trong đó có nội dung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp công trình chỉnh trị đoạn sông Hồng qua trung tâm TP Hà Nội đáp ứng các mục tiêu tổng hợp.
Sau gần 3 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu do PGS.TS Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển chủ trì đã xác định được biến động lòng dẫn và đặc trưng thủy văn, thủy lực trên sông Hồng đoạn qua trung tâm Hà Nội từ năm 2000 đến nay. Cụ thể, kết quả nghiên cứu cho thấy, cao độ thấp nhất lòng sông: hạ thấp trung bình 4,48 m; cao độ trung bình lòng sông: hạ thấp trung bình 2,27 m. Đoạn sông có xu thế xói, tổng lượng xói hơn 34 triệu m3. Tính chung giai đoạn từ 2000 trở lại đây, trên đoạn sông này, lòng sông vẫn duy trì xu thế xói và chưa có dấu hiệu dừng lại. Về đặc trưng và quan hệ thủy văn, kết quả nghiên cứu cho thấy, xu thế hạ thấp liên tục từ 2000-2018 ở tất cả các đặc trưng mực nước; thay đổi lớn mực nước tại các tần suất tính toán, ảnh hưởng đến hoạt động, xây dựng quản lý các công trình thủy lợi…
Hội thảo xin ý kiến chuyên gia về những kết quả nghiên cứu của nhóm đề tài
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và các yêu cầu về phòng chống lũ, phát triển bền vững kinh tế - xã hội và môi trường, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các yêu cầu về thoát lũ, ổn định lòng dẫn; yêu cầu cấp nước tưới cho nông nghiệp qua các công trình lấy nước; yêu cầu về giao thông, khai thác sử dụng bãi sông; yêu cầu về cảnh quan, sinh thái… đối với khai thác sử dụng sông Hồng. Đồng thời, đề xuất quy hoạch chỉnh trị đoạn sông Hồng qua trung tâm Hà Nội. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã đề xuất quy hoạch chỉnh trị sông Hồng mùa nước trung (hay quy hoạch chỉnh trị lòng sông chính/lòng dẫn cơ sở); quy hoạch chỉnh trị sông mùa lũ; chỉnh trị sông mùa kiệt; quy hoạch các bậc lòng sông theo tuyến chỉnh trị tổng hợp. Cùng với đó, nhóm nghiên cứu đã bố trí hệ thống công trình chỉnh trị sông dựa trên quy hoạch tuyến chỉnh trị sông tổng hợp. Hình thức công trình đề xuất trên đoạn sông Hồng qua TP Hà Nội được nhóm nghiên cứu bố trí theo nguyên tắc công trình tác động chủ yếu vào lòng dẫn còn hình thức công trình tác động vào dòng chảy sẽ hạn chế tối đa hoặc thậm chí không nên áp dụng.
Chỉnh trị sông đáp ứng các yêu cầu tổng hợp (chỉnh trị sông tổng hợp) luôn là bài toán khó không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới, đặc biệt là vấn đề ứng xử đối với bãi sông nói chung và vùng tiếp giáp giữa bãi và lòng sông nói riêng. Hy vọng rằng với những kết quả đạt được của đề tài, chúng ta có thể áp dụng để chỉnh trị tổng hợp đoạn sông Hồng qua TP Hà Nội, góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường thủ đô nói riêng, các khu vực khác trong cả nước nói chung.