Thứ năm, 03/12/2020 11:14

Tác động của Chương trình nông thôn miền núi đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nông thôn và miền núi, từ năm 1986 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển KT-XH nông thôn miền núi - Chương trình NTMN. Đối với Bắc Giang, Chương trình NTMN giai đoạn 2016-2020 đã có tác động tích cực đến việc hình thành các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; phát triển thương hiệu và sản phẩm thuộc Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Phát triển các sản phẩm nông ngiệp chủ lực của tỉnh

Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã triển khai 11 dự án thuộc Chương trình NTMN với tổng kinh phí hơn 114 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách sự nghiệp KH&CN Trung ương chiếm 29,0%, ngân sách địa phương chiếm 15,7% và kinh phí huy động từ cộng đồng/doanh nghiệp chiếm 55,3%. Con số này cho thấy hiệu quả thiết thực của các dự án (cộng đồng và doanh nghiệp nhìn thấy hiệu quả và sẵn sàng đầu tư cho việc ứng dụng tiến bộ KH&CN để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp/nông thôn nói riêng).

Các dự án thuộc Chương trình NTMN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đều chú trọng đến các nội dung chuyển giao làm chủ các quy trình công nghệ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến; đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật và người dân; tăng cường trình độ chuyên môn và năng lực chỉ đạo sản xuất cho đội ngũ khuyến nông viên cơ sở là người địa phương, người dân tộc… Qua thực hiện các dự án, khả năng tiếp thu, ứng dụng tiến bộ KH&CN của người dân ở vùng nông thôn, miền núi và hiệu quả sản xuất được tăng lên rõ rệt. Thông qua Chương trình, các dự án giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn Bắc Giang đã chuyển giao 18 lượt công nghệ vào sản xuất, đào tạo trên 90 kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn cho 2.300 lượt người dân; tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ trong lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho người dân. Các mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN đã tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu KH&CN vào sản xuất và thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực nông thôn, miền núi. Điển hình là một số dự án: “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang”, “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất lúa, gạo chất lượng cao tại tỉnh Bắc Giang”, “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình ương và nuôi thương phẩm cá Trắm đen và cá Rô phi đơn tính đực được sản xuất bằng công nghệ lai khác loài tại Bắc Giang”…

Phát triển thương hiệu và các sản phẩm OCOP

Trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, việc triển khai Chương trình NTMN gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ… đã tạo thương hiệu, phát triển các sản phẩm thuộc OCOP. Sự kết hợp của các chương trình này, trong đó có Chương trình NTMN đã tạo điều kiện cho các địa phương sản xuất ra nhiều hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền. Hiện nay, Bắc Giang có nhiều sản phẩm nông nghiệp được hình thành thông qua các chương trình quốc gia như: vải thiều Lục Ngạn; cam, nhãn, bưởi, ổi, vú sữa Tân Yên, Hiệp hòa, Lục Ngạn; rau cần Hiệp Hòa; na dai, dứa Lục Nam; rau an toàn, gạo thơm Yên Dũng; gà đồi Yên Thế; vải sớm Phúc Hòa, Tân Yên; các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề (rượu làng Vân; mây tre đan Tăng Tiến của huyện Việt Yên; mỳ, bánh đa Kế của TP Bắc Giang)…

Nhờ có các dự án thuộc Chương trình NTMN và một số dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, Bắc Giang đã đăng ký và một số sản phẩm đã được bảo hộ như: gạo thơm Yên Dũng, rượu làng Vân, mỳ Chũ, mỳ Kế, gà đồi Yên Thế, miến dong Sơn Động, bưởi Hiệp Hòa; chỉ dẫn vải thiều Lục Ngạn đăng ký bảo hộ thành công cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn tại Trung Quốc và Lào; mỳ Chũ, mỳ Kế tại Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Chương trình NTMN đã tạo ra một giải pháp rất quan trọng để thúc đẩy sản xuất phát triển gắn với nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất, tạo thương hiệu cho các sản phẩm. Các dự án đã ưu tiên phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý; góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao doanh thu, thu nhập cho doanh nghiệp và bà con nông dân; bảo vệ môi trường, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của người dân vùng nông thôn.

Đánh giá về Chương trình NTMN được thực hiện trên địa bản tỉnh Bắc Giang, đại diện Lãnh đạo Sở KH&CN Bắc Giang đã khẳng định một số ưu điểm của Chương trình: 1) Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hiệu quả của các dự án thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ kỹ thuật cơ sở và nông dân; 2) Triển khai đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường; việc thực hiện các dự án phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương, vùng. Bên cạnh đó, Chương trình NTMN được triển khai cũng gặp phải một số khó khăn cần được tháo gỡ trong thời gian tới như: còn có dự án phải điều chỉnh địa điểm, quy mô sản xuất do còn gặp khó khăn trong việc quy tụ ruộng đất để tạo vùng sản xuất tập trung; khó khăn trong giải phóng mặt bằng; chưa có nhiều dự án liên kết vùng, liên kết giữa các tổ chức/doanh nghiệp và người sản xuất; một số dự án có kinh phí thấp, khó khăn trong việc huy động vốn từ cộng đồng/doanh nghiệp…

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)