7 sáng chế và giải pháp hữu ích được tạo ra
Với đặc điểm dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao, cây sả chanh (Cymbopogon citratus) được lựa chọn trồng nhiều ở các địa phương trên cả nước và được xem là cây trồng xóa đói giảm nghèo, đặc biệt có ý nghĩa đối với các tỉnh miền núi và vùng trung du. Tuy nhiên trong thực tế, quá trình trồng, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ cây sả chanh ở nước ta còn nhiều tồn tại: chưa đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu trong chưng cất tinh dầu, còn thị trường tiêu thụ củ sả thì cung vượt cầu; công nghệ chưng cất tinh dầu đang áp dụng chưa cho hiệu suất thu hồi tối ưu; lượng bã sả sau chưng cất tinh dầu chưa được sử dụng hiệu quả nên ảnh hưởng đến môi trường… Vì thế, từ những kết quả nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ liên quan đến cây sả chanh trong thời gian qua, TS Lê Văn Tri và cộng sự thuộc Công ty Cổ phần phân bón Fitohoocmon đã tổng hợp thành công trình đồng bộ về thâm canh tăng năng suất, áp dụng sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, chế biến tạo ra các sản phẩm giá trị, hoàn thiện công nghệ chưng cất tinh dầu và sử dụng hiệu quả bã thải sau chưng cất để xử lý môi trường chăn nuôi nhằm phát triển cây sả chanh một cách toàn diện, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Sản phẩm siro sả chanh.
Các quy trình công nghệ được tạo ra đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp 7 bằng độc quyền sáng chế, độc quyền giải pháp hữu ích: (1) Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2113 - “Phương pháp thâm canh cây sả chanh để tận thu lá làm nguyên liệu cất tinh dầu” cấp ngày 21/8/2019; (2) Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2120 - “Quy trình bảo quản củ sả tươi” cấp ngày 19/8/2019; (3) Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 1927 - “Quy trình sản xuất siro sả chanh” cấp ngày 27/11/2018; (4) Bằng độc quyền sáng chế số 21715 - “Phương pháp chưng cất tinh dầu bằng hệ thống thiết bị áp lực” cấp ngày 12/8/2019; (5) Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 1966 - “Quy trình sản xuất đệm sinh học từ bã sả sau khi chưng cất tinh dầu và quy trình xử lý chất thải của vật nuôi” cấp ngày 25/12/2018; (6) Bằng độc quyền sáng chế số 1-2019-04870 - “Quy trình xử lý phân gà tươi thành phân bón hữu cơ” cấp ngày 05/11/2019; (7) Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2258 - “Quy trình kết hợp trồng sả lấy tinh dầu và bã sả làm đệm lót sinh học để xử lý phân thải vật nuôi” cấp ngày 28/11/2019.
Xây dựng thành công mô hình sản xuất khép kín
Công trình được trao giải Nhất Giải thưởng VIFOTEC của TS Lê Văn Tri và các cộng sự đã tạo ra điểm nhấn, lần đầu tiên có một công trình kết hợp đồng thời các công nghệ (2 sáng chế và 5 giải pháp hữu ích) để tạo thành mô hình sản xuất khép kín “thâm canh trồng sả - xuất khẩu củ sả tươi, sản xuất siro sả chanh, chưng cất tinh dầu - sản xuất đệm lót sinh học hoặc chất độn từ bã sau chưng cất - xử lý phân thải chăn nuôi - sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ trồng trọt”. Công trình đã mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường cho cộng đồng: ứng dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh trong canh tác và áp dụng chế độ thu hoạch lá sả hợp lý để tăng năng suất củ và lá; áp dụng công nghệ sơ chế và bảo quản củ sả tươi nhằm kéo dài thời gian sử dụng, giúp giải quyết nhu cầu củ sả vào thời điểm trái vụ và thúc đẩy mở rộng thị trường thông qua con đường xuất khẩu; tạo ra sản phẩm mới là siro sả chanh nhằm nâng cao sức khỏe; hoàn thiện phương pháp thu nhận tinh dầu sả chanh trên thiết bị chưng cất áp lực để hiệu suất thu hồi tinh dầu đạt tối đa và rút ngắn thời gian chưng cất; sử dụng hiệu quả bã thải sau chưng cất tinh dầu làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà đẻ và gà thịt hoặc làm chất độn xử lý phân thải tươi trong chăn nuôi gà công nghiệp.
Công trình đã được ứng dụng trên thực tế thông qua việc triển khai các mô hình, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường: (1) Thâm canh cây sả chanh (20 ha) tại huyện Lạc Thủy, Hòa Bình (tăng năng suất củ 1,2 tấn/ha/năm và lá 20,5 tấn/ha/năm, hiệu quả kinh tế tăng thêm 7 triệu đồng/ha/năm so với không thâm canh); (2) Sản xuất 50 tấn củ sả chanh Bio và 4.500 lít siro sả chanh tại Công ty Cổ phần phân bón Fitohoocmon phục vụ tiêu dùng và định hướng xuất khẩu; (3) Chưng cất 2.500 kg tinh dầu từ lá sả và tạo ra 170 tấn vật liệu hữu cơ xử lý môi trường chăn nuôi từ bã thải sau chưng cất triển khai tại Công ty Cổ phần tinh dầu Lạc Thủy (tổng lợi nhuận thu được của mô hình từ việc bán tinh dầu, bã sả và sản xuất vật liệu xử lý môi trường chăn nuôi đạt gần 833 triệu đồng); (3) Ứng dụng bã thải sau chưng cất tinh dầu làm đệm lót sinh học xử lý chuồng nuôi 5.000 con gà đẻ và 5.000 con gà thịt tại Quốc Oai, Hà Nội (tạo môi trường tối ưu cho vật nuôi và gia tăng lợi nhuận cho trang trại từ việc giảm chi phí đầu tư đệm lót, chế phẩm: 18,05-19,23 triệu đồng và tăng doanh thu từ việc bán phân thải: 20-21 triệu đồng/năm); (4) Ứng dụng bã sả sau chưng cất tinh dầu làm chất độn để xử lý 1.000 tấn phân gà tươi tại Trại gà trứng thương phẩm Hòa Phát, Phú Thọ (giúp giải quyết hiệu quả lượng phân gà khổng lồ của các trang trại chăn nuôi công nghiệp, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho trang trại trên 300.000 đồng/tấn phân gà bằng cách tạo ra phân ủ chất lượng cung cấp cho nông nghiệp địa phương); (5) Sản xuất 186 tấn phân bón hữu cơ Fito và 121 tấn phân bón hữu cơ vi sinh Fito có chất lượng tương đương phân hữu cơ Fitohoocmon 77 (mã số 20248) và phân hữu cơ vi sinh Fitohoocmon 42 (mã số 04030), mô hình mang lại lợi nhuận cho nhà máy gần 183 triệu đồng; (6) Thử nghiệm phân bón hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh trên các loại cây trồng: 8 ha chè tại tỉnh Phú Thọ, 8 ha cam tại tỉnh Hòa Bình, 4 ha cải bắp tại tỉnh Hưng Yên. Kết quả cho thấy đã làm năng suất và chất lượng cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế và cải thiện được tính chất đất trồng.
Mô hình thâm canh cây sả chanh tại huyện Lạc Thủy, Hòa Bình.
Các kết quả nghiên cứu của công trình liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống như: tiêu dùng, y tế, trồng trọt, chăn nuôi, tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế nên có khả năng ứng dụng cao, phạm vi ứng dụng rộng rãi. Hiện nay, các quy trình công nghệ được cấp bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích đã được ứng dụng thành công trong các dự án cấp quốc gia (thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số) và trong sản xuất thực tế tại các địa phương như Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Bình, Tiền Giang, Bình Định, Đắk Lắk...
Nguyễn Trọng Thủy