Thứ ba, 22/12/2020 10:35

Phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử

Sau 4 năm triển khai, Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020: “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩn công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ Chính phủ điện tử (CPĐT)” đã đạt được những kết quả khả quan. Đây là tiền đề để tiếp tục xây dựng định hướng cho giai đoạn 2021-2025.

Kết quả đạt được

Chương trình đã xây dựng, tổ chức thực hiện được 27 đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN), giao thực hiện bắt đầu kế hoạch năm 2017, 2018, 2019 và nghiệm thu trong các năm 2019, 2020. Các nhiệm vụ của Chương trình đều tập trung vào nghiên cứu và phát triển các phần mềm, giải pháp, tạo dựng nền tảng cho phát triển các ứng dụng phục vụ hoạt động CPĐT; tăng cường công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; tiến tới làm chủ công nghệ, chế tạo một số sản phẩm phần cứng đáp ứng yêu cầu phát triển và hoàn thiện hạ tầng CNTT nhằm triển khai hiệu quả CPĐT. Đến thời điểm hiện tại, Chương trình đã tiến hành nghiệm thu 7 đề tài và đều đạt kết quả tốt. Sản phẩm của các đề tài đã được đưa vào ứng dụng thực tế phục vụ cho phát triển CPĐT tại các bộ, ngành, địa phương, về cơ bản đã hoàn thành khoảng 85% mục tiêu của khung chương trình.

Về trình độ khoa học: 100% nhiệm vụ đều có ít nhất 2 bài báo được trình bày và đăng tại các hội nghị, hội thảo trong nước, quốc tế hoặc trên các tạp chí KH&CN có uy tín quốc gia, quốc tế, so với yêu cầu đặt ra (50%) thì Chương trình đã vượt chỉ tiêu.

Về trình độ công nghệ: đã làm chủ công nghệ, chế tạo một số sản phẩm phần cứng, phần mềm đáp ứng yêu cầu phát triển và hoàn thiện hạ tầng CNTT nhằm triển khai hiệu quả CPĐT, trong đó một số sản phẩm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Điển hình như máy tính an toàn, camera an toàn, một số thiết bị mạng, giải pháp theo dõi, phát hiện, cảnh báo tấn công mạng.

Về sở hữu trí tuệ: có 14/27 (51%) nhiệm vụ có đăng ký bản quyền SHTT hoặc giải pháp hữu ích, so với yêu cầu (30%) là vượt mức chỉ tiêu.

Về đào tạo: góp phần hình thành trên 10 nhóm nghiên cứu mạnh tại các tổ chức KH&CN có trình độ và năng lực nghiên cứu trong các lĩnh vực chuyên môn của Chương trình, theo đó vượt mức chỉ tiêu; 25/27 nhiệm vụ đào tạo được tối thiểu 2 thạc sỹ và tham gia đào tạo 1 tiến sỹ, vượt mức kế hoạch.

Về cơ cấu nhiệm vụ: trên 50% nhiệm vụ có kết quả có thể tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ ở giai đoạn tiếp theo; 100% nhiệm vụ đều thử nghiệm sản phẩm thực tế tại các bộ, ngành, địa phương. Đến thời điểm này, 100% các đề tài đã nghiệm thu đều có kết quả được ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ cho các hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước, có tiềm năng thương mại hóa.

Thông qua các đề tài, chủ nhiệm và các thành viên nhóm nghiên cứu thuộc các đơn vị chủ trì có cơ hội, điều kiện để bồi dưỡng, hoàn thiện trình độ chuyên môn KH&CN cũng như kỹ năng tổ chức, thực hiện và quản lý các hoạt động khoa học có định hướng ứng dụng, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế của đất nước.

Chương trình đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển CPĐT, tạo ra môi trường thúc đẩy kinh doanh thông qua việc cải thiện mối tác động qua lại và tương tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thông qua việc giảm bớt các khâu rườm rà trong thủ tục và chú trọng đến việc cung cấp các dịch vụ nhanh chóng và hiệu quả, CPĐT có thể tạo ra các điều kiện thu hút đầu tư nhiều hơn. Tăng cường sự điều hành có hiệu quả của Chính phủ và sự tham gia rộng rãi của người dân. Nâng cao tính minh bạch và tin cậy của Chính phủ trong quản lý và điều hành cũng như mở ra các cơ hội cho người dân được chủ động trong quá trình tham gia vào việc hoạch định chính sách.

Định hướng trong thời gian tới

Chương trình KC.01 giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030 sẽ tập trung vào 03 trụ cột chính gồm: phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; phát triển đô thị thông minh; bảo đảm an ninh mạng và an toàn thông tin mạng cho các cơ sở hạ tầng trọng yếu của quốc gia, cụ thể là:

(1) Nghiên cứu, xây dựng nền tảng công nghệ phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới.

(2) Nghiên cứu, xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân.

(3) Nghiên cứu xây dựng, kết nối liên thông, duy trì và vận hành hệ thống dữ liệu không gian đô thị số hóa và cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

(4) Xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật.

(5) Nghiên cứu thiết kế, làm chủ công nghệ chế tạo, sản xuất sản phẩm CNTT góp phần phát triển công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, phục vụ công tác nghiệp vụ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật của lực lượng Công an nhân dân và lực lượng thực thi pháp luật khác.

Xuân Bình

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)