Các mô hình và bằng chứng gần đề xuất rằng sự thay đổi về mặt hành vi (rửa tay và đeo khẩu trang) có thể giảm sự phát tán của dịch Covid-19 nếu phần lớn người dân đều tuân theo. Cụ thể, sau khi tiến hành chạy hơn 250.000 mô hình toán học, Neto và cộng sự đã kết luận rằng, nếu 50-65% người dân thận trọng khi đến nơi công cộng và các biện pháp giãn cách xã hội được giảm bớt mức độ sau mỗi 80 ngày thì có thể ngăn chặn được đỉnh dịch trong vòng 2 năm tới. Tóm lại, chỉ cần những thay đổi nhỏ về hành vi cũng có thể tạo ra thay đổi lớn trong sự lây truyền bệnh kể cả khi không có test xét nghiệm hay vaccine. Ở những khu vực dịch Covid-19 đang có xu hướng giảm, các nhà nghiên cứu cho rằng, biện pháp tốt nhất là giám sát kỹ lưỡng thông qua xét nghiệm, cách ly các ca nhiễm mới và truy dấu những người tiếp xúc với những ca này. Trong đó, việc truy dấu phải được tiến hành nhanh chóng và sâu rộng, cụ thể là phải khoanh vùng được 80% trường hợp trong vòng một vài ngày để kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh. Tuy nhiên, điều này dường như rất khó thực hiện ở những nơi mà số ca nhiễm mới mỗi tuần lên đến hàng nghìn và số ca nhiễm ghi nhận được có khả năng thấp hơn con số thực tế. Do vậy, trước mắt thì các biện pháp như giãn cách xã hội nên cần được kéo dài càng lâu càng tốt để ngăn ngừa đợt bùng phát dịch lần thứ hai.
Khi thời tiết trở nên lạnh hơn?
Rất nhiều loại virus gây bệnh đường hô hấp như virus cúm, các virus họ corona, virus hợp bào hô hấp đều có xu hướng bùng phát vào mùa đông và do đó virus SARS-CoV-2 cũng có thể có xu hướng tương tự bởi vì không khí khô trong mùa đông làm tăng tính ổn định và lây lan của virus hô hấp cũng như làm suy giảm hệ miễn dịch đường hô hấp. Mặt khác, mọi người có xu hướng ở trong nhà nhiều hơn vào mùa đông, khiến nguy cơ lây lan qua giọt bắn tăng lên. Trong tương lai, các đợt bùng phát virus SARS-CoV-2 có thể quay trở lại mỗi mùa đông, trong khi nguy cơ mắc bệnh ở những người đã từng nhiễm bệnh có thể giảm xuống (tương tự như bệnh cúm), mặc dù điều này còn tùy thuộc vào việc khả năng miễn dịch với virus biến mất nhanh ở mức nào. Vào mùa thu và mùa đông, sự kết hợp giữa Covid-19, bệnh cúm và virus hợp bào hô hấp cũng là một thử thách lớn đối với con người.
Điều gì sẽ xảy ra vào năm 2021 và những năm sau đó?
Tình hình dịch trong năm tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự ra đời của vaccine và mức độ duy trì miễn dịch sau khi tiêm vaccine hoặc sau khi khỏi bệnh. Cho đến thời điểm hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa có nhiều thông tin về việc miễn dịch với virus SARS-CoV-2 kéo dài bao lâu. Hơn nữa, sản sinh ra kháng thể không phải là cơ chế miễn dịch duy nhất mà các tế bào B trí nhớ và tế bào T cũng có thể góp phần trong việc chống lại virus trong tương lai. Vai trò của những yếu tố này đối với virus SARS-CoV-2 cũng chưa được biết rõ và để có được câu trả lời rõ ràng, các nhà nghiên cứu phải tiến hành theo dõi cỡ mẫu lớn trong một thời gian dài.
Nếu dịch Covid-19 tiếp tục gia tăng nhanh chóng mà không có vaccine hoặc không tạo được miễn dịch kéo dài, vòng tuần hoàn của virus sẽ lặp lại thường xuyên và xảy ra với phạm vi rộng hơn. Khi đó, Covid-19 sẽ trở thành một bệnh dịch đặc hữu theo vùng như là sốt rét. Nếu virus cảm ứng được miễn dịch ngắn hạn (khoảng 40 tuần) thì con người có khả năng tái nhiễm và sự bùng phát sẽ diễn ra hằng năm. Trường hợp cuối cùng là miễn dịch tạo thành là vĩnh viễn. Trong trường hợp này thì kể cả khi không có vaccine, rất có thể sau một đợt bùng phát càn quét thế giới, virus sẽ tự biến mất vào năm 2021. Tuy nhiên, nếu miễn dịch tạo thành ở mức trung bình (khoảng 2 năm), tưởng chừng như đã biến mất nhưng virus có thể bùng phát trở lại vào cuối năm 2024.
Dự báo xu hướng dịch bệnh sau năm 2020
Tất cả những dự báo trên đây đều không tính đến trường hợp đã phát triển được vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, việc không có vaccine là điều khó có thể xảy ra vì tính đến thời điểm hiện tại, có 26 loại vaccine ngừa Covid-19 đang được đưa vào các thử nghiệm trên người. Hơn nữa, kể cả khi vaccine tạo ra miễn dịch không hoàn thiện thì nó vẫn có thể giúp giảm mức độ nặng của bệnh và ngăn chặn nguy cơ nhập viện mặc dù để chế tạo và phân phối 1 vaccine thành công phải cần đến nhiều tháng. Sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với thế giới là khác nhau ở những khu vực khác nhau. Ở giai đoạn sau của dịch, những khu vực với dân số già sẽ có thêm nhiều ca nhiễm với tỷ lệ không đồng đều, trong đó mức độ nhạy cảm với bệnh ở đối tượng trẻ em và người dưới 20 tuổi chỉ bằng xấp xỉ một nửa so với ở đối tượng người lớn tuổi hơn.
TS.DS Phạm Đức Hùng - Bệnh viện Cincinnati (Hoa Kỳ)
Nguyễn Ngọc Thùy Trâm, Nguyễn Hồng Trâm - Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh
(Theo Nature 548, 2020)