Từ lâu, các nhà khoa học đã mong muốn chế tạo ra những con robot nhỏ bé có khả năng di chuyển trong các môi trường không thể tiếp cận hoặc quá nguy hiểm đối với con người. Tuy nhiên việc này không dễ dàng gì vì các robot cần có pin để hoạt động. Viên pin nhỏ nhất cũng nặng gấp 10-20 lần so với 1 con côn trùng nặng khoảng 50 mg.
Để khắc phục khó khăn trên, nhóm nghiên cứu chế tạo ra RoBeetle với hệ thống cơ nhân tạo dựa trên nhiên liệu lỏng (trong trường hợp này là metanol, với khả năng dự trữ năng lượng gấp khoảng 10 lần so với pin có cùng khối lượng). Các mô cơ của RoBeetle được làm từ dây hợp kim niken-titan phủ một lớp bột bạch kim đóng vai trò như một chất xúc tác để đốt cháy hơi metanol. Khi hơi từ thùng nhiên liệu của RoBeetle bốc cháy trên bột bạch kim, dây cơ sẽ co lại và một vi mạch sẽ đóng lại để ngừng đốt thêm. Sau đó, khi dây nguội đi và giãn ra, chu trình trên sẽ lặp lại. Các mô cơ giãn nở và co lại này được kết nối với chân của robot giúp nó chuyển động. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm robot của họ trên nhiều bề mặt phẳng và nghiêng khác nhau được làm từ các vật liệu nhẵn như thủy tinh hay thô ráp như đệm.
Những con bọ robot (hay còn gọi là microbot) rất hữu ích cho những nhiệm vụ như tìm kiếm cứu nạn sau thiên tai, kiểm tra cơ sở hạ tầng, giám sát môi trường hay thụ phấn nhân tạo. Các nhà nghiên cứu đánh giá, sự ra đời của RoBeetle là "một cột mốc thú vị của ngành vi robot".
Thu Hương (Theo Science Robotics)