Thứ tư, 12/08/2020 09:28

Vitamin D có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch chống lại SARS-CoV-2?

Là một vitamin tan trong chất béo có thể tìm thấy trong một số loại thức ăn và viên uống bổ sung, vitamin D còn được sản xuất nội sinh nhờ vào ánh sáng mặt trời, khi ánh nắng 1 chiếu vào da và kích hoạt quá trình tổng hợp loại vitamin này. Vitamin D đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển và sửa chữa xương qua nguyên bào xương và tế bào hủy xương 2 mà nếu không đủ lượng vitamin D cần thiết, xương sẽ trở nên mỏng, cong, dễ gãy. Song một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy mối liên quan và khả năng hỗ trợ hệ thống miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 của vitamin D trong cơ thể.

Vitamin D giúp hấp thụ canxi và phosphate từ ruột, làm xương chúng ta chắc khỏe. Vitamin D tăng cường phản ứng miễn dịch qua khả năng kháng viêm và điều hoà miễn dịch, ngoài ra còn có chức năng thiết yếu trong việc hoạt hoá hàng rào bảo vệ của hệ thống miễn dịch. Vitamin D được biết đến với vai trò tăng cường chức năng của tế bào miễn dịch, bao gồm tế bào T và đại thực bào, giúp cơ thể chống lại mầm bệnh. Trên thực tế, vitamin D có vai trò quan trọng mà theo các nhà khoa học, lượng vitamin D thấp có mối liên quan mật thiết đến tình trạng tăng mẫn cảm với nhiễm trùng, bệnh tật và rối loạn miễn dịch. Ví dụ như, lượng vitamin D thấp làm tăng nguy cơ các bệnh đường hô hấp, bao gồm lao phổi, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cũng như nhiễm khuẩn và nhiễm vi rút hô hấp. Đồng thời, lượng vitamin D thấp còn gắn liền với giảm chức năng phổi, từ đó giảm khả năng của cơ thể chiến đấu chống lại nhiễm trùng hô hấp. Năm 2011, trong công trình nghiên cứu về mối liên quan giữa thiếu vitamin D và cấu trúc phổi đăng trên Tạp chí Atsjournals, Graeme R. Zosky cùng cộng sự thuộc Viện nghiên cứu sức khỏe trẻ em Telethon (Úc) cho rằng có mối liên quan chặt chẽ giữa tình trạng thiếu vitamin D và bệnh COPD 3.

Có thể thử máu để kiểm tra nồng độ vitamin D trong cơ thể

Kết quả đăng trên tờ ScienceDaily của nhóm nhà nghiên cứu thuộc Đại học Anglia Ruskin (Anh) cho thấy, thiếu vitamin D có liên quan đến tăng số lượng ca mắc Covid-19 và tăng tỷ lệ tử vong trên 20 quốc gia ở châu Âu 4. Giải thích về mối liên quan này, các chuyên gia cho rằng, vitamin D có khả năng điều hòa phản ứng của tế bào bạch cầu, ngăn ngừa các tế bào này khỏi việc sản xuất quá mức cytokine viêm. Trong khi đó, Covid-19 được biết đến với khả năng gia tăng lượng cytokine quá mức. Một nghiên cứu khác tại Đại học NorthWestern (Hoa Kỳ) phân tích dữ liệu từ các bệnh viện và khoa lâm sàng tại các quốc gia: Trung Quốc, Pháp, Đức, Ý, Iran, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ cho thấy bệnh nhân từ các quốc gia có tỷ lệ mắc Covid-19 cao, như: Ý, Tây Ban Nha và Anh có mức vitamin D thấp hơn so với những quốc gia không bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Qua phân tích dữ liệu bệnh nhân, nhóm nghiên cứu cũng tìm ra mối liên quan rõ ràng giữa lượng vitamin D và “cơn bão” cytokine, cũng như mối liên quan giữa thiếu hụt vitamin D và số ca tử vong. Từ đó nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận, vitamin D không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch bẩm sinh mà còn giúp hệ miễn dịch không phản ứng quá mức đưa cơ thể người vào tình thế nguy hiểm có thể tử vong. Điều này có ý nghĩa: vitamin D có thể giảm tỷ lệ tử vong đến 50% do giảm các biến chứng dẫn đến tử vong sau khi mắc bệnh. Đó là kết quả nghiên cứu đăng trên MedRxiv có tiêu đề “Vitamin D có thể có vai trò trong việc ngăn chặn cơn bão cytokine và tỷ lệ tử vong liên quan ở bệnh nhân Covid-19” 5. Tạp chí Lanset 6 cho rằng, cơ quan y tế thuộc Vương quốc Anh khuyến cáo mọi người trong thời gian ở nhà cần chú ý bổ sung vitamin D đầy đủ trong suốt đại dịch là có cơ sở.

Trần Thụy Hương Quỳnh

Ghi chú:

1 Tia cực tím.
2 Tế bào xuất phát từ tế bào tạo máu.
3 https://doi.org/10.1164/rccm.201010-1596OC.
4 www.sciencedaily.com/releases/2020/05/200507131012.htm.    
5 https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2020.04.08.20058578v4.
6 https://www.thelancet.com/journals/landia/article/PIIS2213-8587(20)30183-2/fulltext.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)