Vắc-xin Oxford
Vắc-xin ChAdOx1 nCoV-19 (thường được gọi là Vắc-xin Oxford) đang được phát triển bởi Đại học Oxford (Anh) và Công ty Dược phẩm AstraZeneca. Theo công bố ngày 13/5/2020, vắc-xin này đã được thử nghiệm trên khỉ và cho thấy nó không ngăn được khỉ bị nhiễm bệnh khi cố tình tiếp xúc với virus corona, nhưng đã ngăn chúng mắc bệnh viêm phổi, nghĩa là cơ thể đã được bảo vệ một phần nhờ vắc-xin này.
Khi thử nghiệm trên người (20/7/2020), vắc-xin này đã không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào, đồng thời thúc đẩy hệ miễn dịch của người tạo ra các tế bào T đặc hiệu chống lại SARS-CoV-2. Các thử nghiệm ở giai đoạn 3 đã bắt đầu ở Brazil với trên 5.000 tình nguyện viên. Một thử nghiệm giai đoạn 3 khác cũng sẽ được thực hiện tại Mỹ với hơn 30.000 người tham gia. Nếu chứng minh được tính an toàn và hiệu quả, vắc-xin này sẽ được sử dụng sớm nhất là cuối tháng 10 tới.
PiCoVacc
Theo một nghiên cứu được công bố ngày 3/7 vừa qua trên Tạp chí Science, một loại vắc-xin giàu tiềm năng khác, được gọi là PiCoVacc đang được phát triển bởi Công ty Sinovac Biotech (có trụ sở tại Bắc Kinh), đã giúp bảo vệ khỉ raveus không bị nhiễm virus corona.
Vắc-xin này được tạo thành từ phiên bản bất hoạt của vi-rút SARS-CoV-2 và đã được thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 vào tháng 4 tại Giang Tô (Trung Quốc) với sự tham gia của 743 người trưởng thành khỏe mạnh. Kết quả cho thấy, vắc-xin không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào; hơn 90% người tham gia đã phát triển kháng thể trung hòa với vắc-xin hai tuần sau khi tiêm liều thứ hai. Công ty hiện đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2 trên người cao tuổi và sau đó sẽ tiến hành thử nghiệm trên trẻ em và thanh thiếu niên.
Vắc-xin mRNA-1273
Vắc-xin này được phát triển bởi Công ty Công nghệ sinh học Hoa Kỳ Moderna và Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID, Hoa Kỳ). Loại vắc-xin này dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA) chưa từng được sử dụng trong bất kỳ loại vắc-xin nào đã được cấp phép. Theo National Geographic, các loại vắc-xin mRNA này có ưu điểm nhanh hơn và dễ sản xuất hơn so với vắc-xin truyền thống; bền hơn khi chống lại mầm bệnh có xu hướng đột biến như virus coronavirus và virus cúm, tuy nhiên nó cũng có thể gây ra một số bất lợi cho cơ thể như bị phá vỡ sự cân bằng sinh học trong cơ thể.
Tuần trước, Moderna đã công bố kết quả ban đầu đầy hứa hẹn từ thử nghiệm giai đoạn 1 với sự tham gia của 45 người. Những người tham gia được chia thành 3 nhóm và được tiêm vắc-xin liều thấp, trung bình hoặc cao. Sau khi nhận được hai liều vắc-xin, tất cả những người tham gia đã phát triển các kháng thể trung hòa ở mức cao hơn mức trung bình của những người mắc COVID-19 đã hồi phục. Một số người tham gia đã gặp tác dụng phụ như mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu... nhưng họ đều cảm thấy tốt hơn sau 1,5 ngày.
Thử nghiệm giai đoạn 2 của Moderna vẫn đang tiếp diễn, ngày 27/7 vừa qua, công ty đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 tại Hoa Kỳ với sự tham gia của 30.000 tình nguyện viên. Nếu mọi việc suôn sẻ, vắc-xin này sẽ sẵn sàng vào cuối tháng 11 năm nay.
Vắc-xin của CanSino Biologics
CanSino Biologics phối hợp với Viện Công nghệ sinh học Bắc Kinh đã phát triển một loại vắc-xin sử dụng adenovirus bị suy yếu. Cùng với Moderna, nhóm này cũng đã công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 của họ vào ngày 20/7 trên tạp chí The Lancet. Thử nghiệm được tiến hành tại Vũ Hán (nơi xuất hiện các trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên) với sự tham gia của 508 người. Kết quả cho thấy, khoảng 90% người tham gia đã phát triển các phản ứng tế bào T và khoảng 85% đã phát triển các kháng thể trung hòa. Để đánh giá thêm về tính hiệu quả và an toàn của loai vắc-xin này, các thử nghiệm của giai đoạn 3 sẽ được thực hiện bên ngoài Trung Quốc.
Vắc-xin của Sinopharm
Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) có 2 loại vắc-xin bất hoạt SARS-CoV-2 được phát triển bởi Viện Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh và Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán.
Vắc-xin của Sinopharm là vắc-xin bất hoạt đầu tiên bước vào thử nghiệm giai đoạn 3, tại Abu Dhabi với tối đa 15.000 tình nguyện viên. Theo Reuters, những người này sẽ được tiêm 1 trong 2 chủng vắc-xin nêu trên. Họ sẽ được tiêm hai liều cách nhau ba tuần.
Vắc xin của Pfizer và BioNTech
Giống như Moderna, Pfizer và Công ty Công nghệ sinh học BioNTech (Đức) đang phát triển một loại vắc-xin sử dụng mRNA để thúc đẩy hệ thống miễn dịch nhận ra virus corona. Theo dữ liệu công bố sau giai đoạn thử nghiệm 1 và 2, vắc-xin này không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào và có thể thúc đẩy hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể trung hòa ở mức cao gấp 1,8-2,8 lần so với kháng thể trung hòa được tìm thấy ở những bệnh nhân đã hồi phục.
Minh Hùng (theo livescience.com)