Thứ ba, 21/07/2020 13:53
Vắc xin phòng ngừa SARS-CoV-2 của Đại học Oxford (Anh) tạo ra được phản ứng miễn dịch mạnh
Kết quả mới nhất của thử nghiệm về vắc xin ChAdOx1 nCoV-19 (AZD1222) đang được nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh), công bố ngày 20/7/2020 trên tạp chí khoa học The Lancet cho thấy, nó không gây ra các lo ngại ban đầu về sự an toàn, tạo ra được phản ứng miễn dịch mạnh ở cả hai hướng của hệ thống miễn dịch.
Trong giai đoạn I, II của thử nghiệm vắc xin diễn ra tại Anh (từ ngày 23/4 đến ngày 21/5/2020), 1.077 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 18 đến 55 đã nhận được vắc xin ChAdOx1 nCoV-19 hoặc vắc xin giả dược MenACWY. Dữ liệu của giai đoạn thử nghiệm I, II cho thấy, vắc xin không dẫn đến bất kỳ phản ứng bất ngờ nào và có độ an toàn tương tự các loại vắc xin trước đây thuộc loại này. Các phản ứng miễn dịch quan sát được sau khi tiêm vắc xin phù hợp với kết quả nghiên cứu trên động vật trước đây về khả năng chống lại vi rút SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các nhà khoa học sẽ phải tiếp tục chương trình thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt để xác nhận điều này ở con người.
Những kết quả đáng khích lệ ban đầu này cổ vũ cho việc đánh giá thêm về ứng cử viên vắc xin trong giai đoạn III ở quy mô lớn hơn, với kế hoạch thử nghiệm tại Anh, Mỹ, Nam Phi và Brazil. Đại học Oxford đang hợp tác với Công ty dược phẩm sinh học toàn cầu AstraZeneca có trụ sở tại Vương quốc Anh để phát triển, sản xuất ở quy mô lớn và phân phối vắc xin chống SARS-CoV-2 khi hoàn thiện trên quy mô toàn cầu. Dự án đã được tiếp sức với 84 triệu bảng Anh từ nguồn tài trợ của Chính phủ Anh để đẩy mạnh quá trình nghiên cứu và phát triển vắc xin.
VH