1. Máy gia tốc Hadron
Máy gia tốc hạt lớn (Large Hadron Collider - LHC) đặt tại biên giới Pháp và Thụy Sỹ là cỗ máy lớn nhất từng được con người chế tạo cho đến nay. Nó được thiết kế để tạo ra các va chạm trực diện giữa các tia proton (một trong các loại hạt cơ bản) với động năng cực lớn.
Cỗ máy được chứa trong một đường hầm tròn có chu vi 27 km, nằm ở độ sâu 175 m dưới mặt đất. Đường hầm chứa LHC có hai đường dẫn tia hạt song song sát nhau, giao nhau ở 4 điểm, mỗi đường sẽ chứa một tia proton, được lưu chuyển vòng quanh vòng tròn từ hai hướng ngược nhau. Có 1.232 nam châm lưỡng cực giữ cho các tia đi đúng đường tròn, thêm vào đó là 392 nam châm tứ cực được dùng để giữ các tia luôn hội tụ, làm cho cơ hội va chạm dòng hạt ở 4 điểm giao nhau là cao nhất. Tổng cộng có trên 1.600 nam châm siêu dẫn được trang bị, chiếc nặng nhất lên tới hơn 27 tấn.
Cỗ máy được chế tạo bởi Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) với sự tham gia của trên 8.000 nhà vật lý đến từ 15 quốc gia, cũng như hàng trăm trường đại học và phòng thí nghiệm trên thế giới. Mới đây, CERN đã có kế hoạch nâng cấp cỗ máy với dự kiến lớn gấp 4 lần cỗ máy hiện tại.
2. Máy đào Bagger 293
Cỗ máy được sản xuất tại Đức vào năm 1995. Hiện tại, đây là cỗ máy đào đất lớn nhất thế giới với chiều dài 225 m, cao 96 m, nặng 14.061 tấn. Với kích thước khổng lồ và 20 gầu hoạt động liên hoàn, Bagger 293 có thể đào 76,5 nghìn khối đất đá trong một ngày.
3. Máy khoan đường hầm Bertha
Đây là máy khoan đường hầm lớn nhất thế giới do Mỹ đặt Nhật Bản sản xuất. Cỗ máy dài 99,3 m, đường kính 17,5 m, nặng 7.000 tấn, trong đó có 6.350 tấn thép và máy móc; công suất xoay và nâng 25.000 mã lực (18.600 kW), di chuyển với tốc độ khoảng 10 m mỗi ngày. Phần lớn máy vận hành tự động, nhưng vẫn cần 25 người để điều khiển.
4. Siêu tàu thủy Prelude
Prelude thực ra là cấu trúc nổi khổng lồ đựng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Tập đoàn dầu khí Shell. Để chế tạo con tàu, người ta đã dùng tới hơn 260.000 tấn thép. Prelude dài 487 m, cao 105 m (tương đương tòa nhà 35 tầng). Boong tàu dài hơn 4 sân bóng đá và bể chứa có thể lấp đầy 175 hồ bơi Olympic. Trọng lượng khi đầy tải của tàu lên đến hơn 600.000 tấn. Khi hoạt động hết công suất, Prelude sẽ thu được ít nhất 5,3 triệu tấn dầu/năm, nhiều hơn nhu cầu hằng năm của Hồng Kông.
5. Chiếc xe máy lớn nhất thế giới
Chiếc xe máy có kích thước khổng lồ này là sản phẩm của nhà thiết kế người Ý Fabio Reggiani và các cộng sự. Họ đã dành hơn 7 tháng để có thể chế tạo được khối động cơ khổng lồ lắp cho xe. Chiếc xe cao tới 5 m, rộng 2,49 m, dài hơn 10 m, nặng 5,5 tấn.
6. Robot rồng lớn nhất thế giới
Robot hình rồng này được thiết kế bởi Công ty điện tử Zollner Elektronik AG (Đức). Công ty đã dành ra 6 năm với đội ngũ thiết kế 15 người để hoàn thành sản phẩm. Con rotbot có chiều cao 4,5 m, nặng 11 tấn và có thể thở ra lửa.
7. Máy bay Stratolaunch
Chiếc máy bay là sản phẩm của Stratolaunch Systems (được thành lập vào năm 2011 bởi Paul Allen - người đồng sáng lập Microsoft). Sải cánh của máy bay có kích thước 117 m, rộng hơn bất kỳ máy bay nào trên thế giới. Từ đầu đến đuôi dài 72,5 m. Máy bay có hai buồng lái, mỗi buồng ở một bên thân máy bay nhưng chỉ có một buồng lái được sử dụng để điều khiển. Máy bay này được trang bị 6 động cơ tương tự của máy bay Boeing 747. Chiếc máy bay được thiết kế với mục đích đưa các vệ tinh lên quỹ đạo ở tầng thấp. Trong chuyến bay đầu tiên vào tháng 4/2019, nó đã bay 2,5 giờ trên khu vực sa mạc Mojave với độ cao lên đến 5.180 m, tốc độ tối đa đạt 304 km/h.
8. Xe khai thác mỏ Belaz 75710
Xe khai thác mỏ Belaz 75710 có “quốc tịch” Belarus. Nó được chế tạo để chuyên chở đất, đá ở các mỏ lộ thiên. Belaz 75710 có chiều dài 20,6 m, rộng 9,87 m và cao 8,165 m. Chiếc xe được trang bị hai bình nhiên liệu, mỗi bình có dung tích tới 2.800 l. Belaz 75710 được trang bị hai động cơ Turbocharged Diesel 16 xilanh, với dung tích mỗi động cơ lên tới 65 lít, và sức mạnh từ hai động cơ được truyền tới cả bốn cụm bánh xe siêu lớn của Belaz 75710. Mỗi động cơ của Belaz 75710 có công suất tới 2.300 mã lực, tổng công suất của chiếc xe lên tới 4.600 mã lực. Chiếc xe có thể chở được 496 tấn đất, đá mỗi chuyến.
9. Cầu băng tải F60
Chiếc cầu băng tải này có tên đầy đủ là Overburden Conveyor Bridge F60, là chiếc cầu băng tải khổng lồ được thiết kế và lắp rắp bởi Volkseigener Betrieb TAKRAF và đưa vào sử dụng tại mỏ than lộ thiên ở Lusatian, Đức. Thiết bị nặng hơn 11 tấn, dài 502 m, rộng 502 m, cao 80 m, sở hữu 760 bánh xe các loại; công suất hoạt động tối đa 29.000 m³/h (tương đương 50.000 tấn đất đá).
10. Kính viễn vọng FAST
Đầu năm 2020, Trung Quốc đã chính thức đưa vào hoạt động kính thiên văn lớn nhất thế giới có tên gọi FAST, đặt tại tỉnh Quý Châu, để nghiên cứu vũ trụ và tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.
FAST là kính viễn vọng hình cầu, có khẩu độ 500 m, kích thước tương đương 30 sân bóng đá với chi phí xây dựng gần 1,2 tỷ Nhân dân tệ (170 triệu USD). Trung Quốc hoàn tất việc xây dựng kính viễn vọng FAST từ tháng 9/2016 và tiến hành thử nghiệm trong suốt 3 năm qua.
11. Tàu hút bùn Queen of the Netherlands
Đây là tàu hút bùn của Hà Lan, có trọng tải gần 60.000 tấn. Tàu cao 230,71 m, rộng 32 m. Các cống của tàu rộng 6 m và có thể nạo vét sâu từ 55-160 m. Con tàu có ba phương án xả phễu là bơm lên bờ bằng đường ống, đổ qua cửa đáy hoặc cầu vồng. Nó có thiết bị nạo vét được hầu hết mọi loại vật liệu như đất sét, bùn, cát, đá. Nó thường được gọi là "máy hút bùn nổi lớn nhất thế giới". Con tàu đã làm việc cho nhiều dự án khác nhau ở Hà Lan, Úc, Singapore, Trung Quốc, xây dựng cảng ở Busan Hàn Quốc, Dubai, Dự án đào sâu kênh Port Phillip ở Úc và cải tạo đảo ở Maldives…
12. Nhện cơ khí La Princesse
La Princesse là một con nhện cơ khí khổng lồ nặng tới 37 tấn, cao 15 m, di chuyển bằng 50 trục chuyển động thủy lực. Để vận hành nó cần phải có 12 người và để di chuyển nó từ nơi này sang nơi khác cần phải có 16 cần cầu và gần 300 người trợ giúp.
13. Máy ủi Komatsu D575A
Komatsu D575A là một trong những cỗ máy khai khoáng hạng nặng lớn nhất của Hãng Komatsu (Nhật Bản) và cũng là chiếc xe ủi lớn nhất từng được sản xuất. Komatsu D575A được trang bị lưỡi ủi khổng lồ rộng đến 7,3 m, có khả năng chịu được áp lực đất đá đến 170 tấn hoặc xử lý đến 90 m3 đất đá chỉ trong 1 lần di chuyển. Về ngoại hình, nó dài 14,5 m, rộng 7,39 m, cao 5m, nặng hơn 150 tấn. D575A được trang bị động cơ diesel Komatsu SA12V170E, gồm 12 xylanh tăng áp với tổng dung tích lên tới 46,3 l, sở hữu thùng xăng khổng lồ có dung tích 2.100 l.
14. Máy xúc lật P&H L-2350
Máy xúc lật P&H L-2350 là một sản phẩm của Hãng Komatsu hiện đang giữ kỷ lục Guinness thế giới với khả năng vận chuyển nhiều đất đá nhất. Cỗ máy này nặng 72,5 tấn và có khả năng xúc 65 tấn đất đá trong một gầu. Cung cấp sức mạnh cho chiếc P&H L-2350 là khối động cơ 2.300 mã lực, dung tích gầu xúc của xe có thể tích 40,5 m3.
15. Máy xúc Liebherr 9800
Liebherr 9800 là một trong những dòng máy xúc lớn nhất thế giới. Chúng nặng khoảng 810 tấn và có sức chứa 47 m3.
16. Tàu vận chuyển phương tiện của Nasa
Cỗ máy này được thiết kế để vận chuyển tên lửa, tàu con thoi, tàu vũ trụ… của NASA từ nơi này sang nơi khác. Nó thực sự là một cỗ máy khổng lồ (dài 40 m, rộng 35 m và nặng khoảng 2.720 tấn).
17. Cần cẩu Taisun
Taisun là cần cẩu giàn lớn nhất thế giới, được thiết kế và chế tạo để lắp đặt các mô-đun rất lớn trong các dự án bán chìm và tàu nổi, đặt tại một nhà máy đóng tàu ở Yên Đài (Sơn Đông, Trung Quốc). Chiếc cần cẩu này có thể nâng 20.000 tấn mà không cần quá nhiều thời gian khởi động.
18. Máy bay Antonov An-225 "Mriya"
Máy bay Antonov An-225 "Mriya" là một trong những máy bay lớn nhất thế giới. Được trang bị 6 động cơ phản lực khổng lồ. Chiếc máy bay này có thể vận chuyển những hàng hóa tải trọng cực lớn, lên tới 250 tấn ở khoang trong, hoặc mang những vật quá cỡ tải trọng tới 200 tấn ở trên thân. Vật vận chuyển ngoài có thể dài tới 70 m. Khoang hàng hóa của An-225 có chiều dài 43 m; rộng 6,4 m; cao 4,4 m giúp máy bay có năng lực chuyên chở vượt trội so với các dòng máy bay vận tải khác. Mặc dù được ra mắt công chúng lần đầu tiên ở Triển lãm hàng không Paris năm 1989, nhưng phải tới năm 2002 nó mới thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên, chuyển 216.000 suất ăn có tổng trọng lượng 187,5 tấn từ Đức sang Oman, một quốc gia Trung Đông cho lính Mỹ đóng quân ở đó.
19. Bagger 288
Công ty Krupp (Đức) đã mất 10 năm để sản xuất ra Bagger 288 - máy đào gầu bánh xe phục vụ việc khai thác trong các mỏ than. Cỗ máy dài 225 m, rộng 46 m, cao 96 m và nặng 13.500 tấn. Nó có thể khai thác 240.000 tấn than đá hoặc 240.000 m3 đất đá/ngày - tương đương với một sân bóng đá đầy đất cao 30 m. Khối lượng than khai thác được trong một ngày của Bagger 288 đủ cho 2.400 toa tàu chở than.
20. Seawise Giant
Tàu chở dầu siêu lớn Seawise Giant còn có tên là Happy Giant, Jahre Viking, Knock Nevis là con tàu có tổng trọng tải lớn nhất thế giới, dù không còn hoạt động nhưng vẫn chưa có đối thủ nào có thể vượt qua nó. Khi chở đầy, trọng lượng choán nước của tàu là 657.019 tấn, phần chìm là 24,6 m, nó không thể đi qua eo biển Manche, kênh đào Suez hay kênh đào Panama. Tàu được sử dụng lần cuối cùng như là một kho nổi chứa dầu thô được neo ngoài khơi bờ biển Qatar trong vùng vịnh Ba Tư ở mỏ dầu Al Shaheen.
Cao Thạch (theo Interesting Engineering, 20/6/2020)