Thứ ba, 17/12/2019 09:43

Tật khúc xạ ở học sinh THCS tại thành phố Điện Biên Phủ: Thực trạng và hiệu quả một số giải pháp can thiệp

Cận thị là mắt có độ hội tụ quá mạnh so với độ dài trục nhãn cầu vì thế ánh sáng từ vật thể đến mắt tập trung phía trước võng mạc làm cho ảnh của vật bị mờ. Hiện nay, cận thị đang là một vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu, và cận thị là nguyên nhân dẫn đến suy giảm thị lực và các biến chứng mù lòa. Theo ước tính trong năm 2016, trên toàn thế giới có khoảng 1,4 tỷ người mắc cận thị, tương ứng 22,9%, trong đó khoảng 163 triệu người (2,7% dân số thế giới) mắc cận thị nặng. Tại khu vực châu Á, tỷ lệ mắc tật cận thị học đường đã và đang có xu hướng tăng lên nhanh chóng theo từng năm và lan rộng ở nhiều quốc gia.

Thành phố Điện Biên Phủ là đô thị loại III với dân số khoảng 73 nghìn người, hầu hết cư dân đều sống tại khu vực đô thị (khoảng 97%). Dưới áp lực của đô thị hoá và phát triển về kinh tế xã hội, học sinh được kỳ vọng nhiều hơn từ cha mẹ vì thế chịu nhiều áp lực về học tập hơn. Bên cạnh đó với sự bùng nổ về thông tin và các thiết bị điện tử, thị lực của học sinh cũng chịu những tác động và ảnh hưởng đáng kể. Tình trạng cận thị học đường đã được đề cập nhiều trong một số báo cáo về y tế của thành phố Điện Biên Phủ, tuy nhiên hiện chưa có nghiên cứu nào được tiến hành một cách toàn diện tại các trường tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) thành phố Điện Biên Phủ để đánh giá thực trạng cận thị học đường của học sinh. Quan trọng hơn, tại thành phố Điện Biên Phủ cũng chưa có các giải pháp đồng bộ can thiệp để giảm thiểu tình trạng cận thị học đường ngày càng tăng của học sinh trên địa bàn.

Nhằm cung cấp thông tin về cận thị, qua đó tăng cường công tác giáo dục sức khỏe về cận thị học đường cho học sinh bậc TH, phụ huynh học sinh, nhà trường và giáo viên để họ nhận biết và thực hiện tốt công tác phòng chống cận thị học đường, một nghiên cứu có tên “Thực trạng tật khúc xạ ở học sinh THCS tại thành phố Điện Biên Phủ và hiệu quả một số giải pháp can thiệp” đã được tiến hành.

Nghiên cứu đã thực hiện trên 4.757 học sinh thuộc 9 trường TH, 3151 học sinh thuộc 8 trường THCS, đồng thời khảo sát 45 lớp học đại diện cho từng khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5 của 9 trường TH tại thành phố Điện Biên Phủ. Kết quả cho thấy, tỷ lệ cận thị ở học sinh TH là 17,2%, tỷ lệ cận thị chung của đối tượng học sinh THCS là 37,1%. Trong số học sinh mắc cận thị, tỷ lệ cận thị nhẹ chiếm tỷ lệ cao nhất, tỷ lệ cận thị không có khác biệt giữa học sinh nam và nữ, tỷ lệ cận thị có xu hướng tăng dần theo khối lớp học (10,3% ở khối lớp 1 đã tăng lên 26,7% ở khối lớp 5). Có 13,8% trường hợp mắc cận thị một bên mắt ở học sinh TH và học sinh THCS là 14,7%.

Về điều kiện về vệ sinh học đường, tỷ lệ đạt tiêu chuẩn về kích thước phòng học là 75,6% nhưng chỉ 44,4% số phòng học đạt tiêu chuẩn về khoảng cách từ bàn đầu đến bảng. Khoảng cách từ bàn cuối đến bảng đạt 2,2%. Tỷ lệ các phòng học đạt yêu cầu về hiệu số bàn ghế là 20%. Đối với tiêu chuẩn về ánh sánh, chỉ 77,8% số phòng học được khảo sát đạt yêu cầu. Bên cạnh điều kiện vệ sinh học đường, cũng có một số yếu tố khác liên quan tới cận thị học đường như: những học sinh có cha mẹ mắc cận thị có khả năng mắc cận thị cao gấp 2,67 lần so với những học sinh có cha mẹ không mắc cận thị; học sinh học thêm liên tục trên 1 giờ có khả năng mắc cận thị cao hơn gấp 2,48 lần so với những học sinh không học thêm liên tục trên 1 giờ; học sinh có thời gian sử dụng máy tính liên tục trên 1 giờ có khả năng mắc cận thị cao hơn 2,25 lần so với những học sinh không dùng máy tính liên tục trên 1 giờ; học sinh chơi điện tử liên tục trên 1 giờ có khả năng mắc cận thị cao hơn 2,38 lần so với những học sinh không chơi điện tử liên tục trên 1 giờ.

Trước thực trạng về cận thị của học sinh TH và THCS trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, nghiên cứu đã tiến hành một số nội dung can thiệp như: tổ chức hội thảo “Cận thị học đường - biện pháp dự phòng và điều trị”; tuyên truyền “Cận thị: nguyên nhân, hậu quả cách phòng tránh mắc cận thị”; hướng dẫn cách bố trí sắp xếp góc học tập tại nhà cho học sinh; phát tờ rơi “Cách phát hiện và phòng tránh một số bệnh mắt thường gặp”; hướng dẫn cách phát hiện bất thường về mắt... Các hoạt động can thiệp này đã được triển khai trong vòng 18 tháng tại trường TH Him Lam, trường TH Bế Văn Đàn là trường đối chứng. Kết quả như sau: tỷ lệ cận thị trước và sau can thiệp của nhóm can thiệp lần lượt là 16,4% và 19,8%. Trong khi đó, tỷ lệ cận thị trước và sau can thiệp của nhóm đối chứng lần lượt là 17% và 30,6%. Hiệu số thay đổi sau 18 tháng can thiệp là 10,2%, có nghĩa là sau khi thực hiện các hoạt động can thiệp tỷ lệ cận thị đã giảm được là 10,2%.

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu khuyến cáo: ngành giáo dục cần rà soát, chỉ đạo các trường học chú trọng và đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh học đường theo quyết định 2112/QĐ- BYT về tiêu chuẩn vệ sinh học đường, trong đó cần cải thiện khoảng cách bàn ghế và hiệu số bàn ghế dần phù hợp với thể trạng học sinh. Ngành giáo dục và y tế cần phối hợp tốt trong việc khám, chẩn đoán theo dõi và phát hiện sớm các trường hợp bất thường về thị lực để có biện pháp can thiệp kịp thời. Đồng thời, nhà trường cần phối hợp với phụ huynh học sinh để có thể xây dựng thời gian học tập và nghỉ ngơi phù hợp cho học sinh. Tránh để cho học sinh có thời gian học tập, chơi điện tử và sử dụng máy tính liên tục quá dài. Khuyến nghị không nên dùng mắt tập trung liên tục trên 1 giờ. Cần có sự phối hợp, cam kết của gia đình và nhà trường trong việc quản lý giám sát thời gian và thói quen sử dụng mắt của học sinh. Khi áp dụng các mô hình giáo dục mới, ngành giáo dục cần phải quan tâm để đảm bảo các điêù kiện vệ sinh trường học theo quy định.

Nguyễn Văn An

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)