Đã có nhiều nghiên cứu về vi nhựa, đặc biệt là liên quan đến đại dương, nhưng nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc các trường đại học nêu trên lại chọn tập trung vào vi nhựa trong muối ăn, nước uống và không khí. "Vi nhựa đã được tìm thấy ở nhiều nơi, kể cả trong các loại thực phẩm khác nhau như mật ong, sữa, bia và hải sản, nhưng đây là những thực phẩm mà bạn có thể lựa chọn sử dụng hay không sử dụng, chúng không giống như muối, nước và không khí - những thứ mà không ai có thể “từ chối”. Đó chính là lý do mà chúng tôi tập trung nghiên cứu vào các đối tượng này” - TS Elvis Genbo Xu, chuyên gia về độc chất môi trường tại Đại học Nam Đan Mạch cho biết.
Chúng ta đang hít vi nhựa
Trong không khí, vi nhựa đến từ nhiều nguồn như sợi dệt tổng hợp, lốp cao su, bụi đường, nội thất, vật liệu xây dựng, rác thải công nghiệp... Không khí giải phóng vi nhựa dưới dạng hạt bụi. Khi chúng ta hít thở, các hạt vi nhựa có thể đến phổi và hệ tiêu hóa. Chưa có nghiên cứu khẳng định điều này có tác động như thế nào đối với cơ thể người và sức khỏe của chúng ta, nhưng chắc chắn việc tiếp xúc suốt đời với vi nhựa là một vấn đề đáng lo ngại. "Tôi lo lắng về không khí trong nhà hơn không khí ngoài trời. Trong nhà, chúng ta có vi nhựa từ tất cả các sản phẩm nhựa gia dụng. Bạn không thể tránh tất cả chúng, nhưng có thể giảm thiểu phơi nhiễm bằng cách không mua các loại vải tổng hợp và các sản phẩm nhựa như đồ chơi, đồ nội thất và hộp đựng thực phẩm” - TS Genbo Xu khuyến cáo.
Vi nhựa trong muối ăn
Các nhà khoa học đã nghiên cứu hơn 100 sản phẩm muối ăn khác nhau từ khắp nơi trên thế giới và thấy rằng, vi nhựa không đến từ bản thân muối mà chúng được thêm vào trong quá trình sấy, sản xuất, đóng gói và vận chuyển. Nồng độ vi nhựa cao trong muối ăn đã được tìm thấy ở các mẫu muối ăn của Croatia, Indonesia, Ý, Mỹ và Trung Quốc. Ngược lại, nồng độ vi nhựa thấp ở các mẫu muối của Úc, Pháp, Iran, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Bồ Đào Nha và châu Phi.
"Lời khuyên của chúng tôi là người tiêu dùng nên chú ý đến cách thức sản xuất và chế biến thực phẩm, vì có lẽ vi nhựa không chỉ đến từ quá trình sản xuất và đóng gói mà còn thâm nhập trong nhiều khâu khác cho đến khi có mặt trên kệ hàng của siêu thị", TS Genbo Xu nói.
Vi nhựa trong nước uống
Vi nhựa xuất hiện nhiều nhất trong các chai đựng nước từ nhựa tái chế, song các nhà nghiên cứu cũng rất ngạc nhiên khi thấy vi nhựa có mặt cả trong những chai nước thủy tinh, họ cho rằng, có thể chính các nắp vặn đã giải phóng vi nhựa vào nước. "Chúng tôi tin rằng, bao bì là một nguồn chính vi nhựa trong nước uống đóng chai", TS Genbo Xu khẳng định.
Vi nhựa cũng đã được tìm thấy trong nước máy, có thể do bắt nguồn từ các nguồn nước uống bị ô nhiễm như hồ, nước ngầm và sông, nhưng cũng có thể đến từ các nhà máy chế biến nước. Có sự khác biệt rất lớn giữa lượng vi nhựa có mặt trong các mẫu nước máy của các quốc gia khác nhau.
Theo các nhà khoa học, cần có các nghiên cứu sâu hơn về các mối nguy tiềm ẩn của vi nhựa đối với sức khỏe con người. Trước mắt là việc xác định với kích thước hoặc số lượng vi nhựa bao nhiêu có thể gây nguy hiểm cho hệ hô hấp và tiêu hóa.
Thu Hương (theo phys.org/news, 5/2020)