Chủ nhật, 15/03/2020 10:16

Rào cản liên kết tổ chức KH&CN và doanh nghiệp trong ứng dụng và phát triển công nghệ

TS Nguyễn Chỉ Sáng

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam

Để kinh tế của một đất nước có thể phát triển, để các doanh nghiệp có sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, việc làm chủ khoa học và công nghệ (KH&CN) được coi là vấn đề quan trọng bậc nhất. Để làm chủ công nghệ, doanh nghiệp hoặc phải có tổ chức KH&CN trực thuộc hoặc phải liên kết với các tổ chức KH&CN khác. Với các tập đoàn, tổng công ty lớn, thông thường họ có những đơn vị nghiên cứu trực thuộc nhưng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để nâng cao được trình độ công nghệ họ thường phải mua hoặc nhận chuyển giao công nghệ từ các tổ chức KH&CN độc lập. Như vậy, nhu cầu về liên kết giữa các tổ chức KH&CN và doanh ngiệp để ứng dụng và phát triển công nghệ là thực sự cần thiết. Để khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, khuyến khích việc chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp, Nhà nước đã ban hành rất nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, trình độ công nghệ của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, chưa tạo được sức cạnh tranh cần thiết, đâu là nguyên nhân?

Rào cản trong liên kết

Về mô hình của các tổ chức KH&CN, trước đây ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ như Liên xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu, các tổ chức này chủ yếu là các viện, trung tâm nghiên cứu thuộc các trường đại học hoặc các ngành, tập đoàn. Nhiệm vụ của các tổ chức KH&CN này là nghiên cứu những vấn đề về công nghệ do bộ, ngành, tập đoàn giao; các kết quả nghiên cứu sau đó được ứng dụng ngay vào thực tế sản xuất của các bộ, ngành, tập đoàn. Trong giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển, hoạt động của các tổ chức này rất hiệu quả, tạo nên sự phát triển vượt bậc về công nghệ, hoạt động của các tổ chức KH&CN gắn chặt với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; định hướng hoạt động của các tổ chức này cũng rất cụ thể, rõ ràng; các kết quả nghiên cứu được thử nghiệm, ứng dụng và liên tục hoàn thiện. Tuy nhiên, khi xảy ra biến cố, các viện hoặc các tổ chức nghiên cứu KH&CN này không còn có các đơn hàng của nhà nước, các tổ chức này được chuyển đổi thành các công ty hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường. Ở Liên Xô cũ, một loạt các tổ chức này bị giải tán, số còn lại hoạt động như công ty công nghệ nên vai trò và sự đóng góp của của các tổ chức này vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước bị hạn chế nhiều so với trước đây. Ở Trung Quốc, các đơn vị nghiên cứu đa phần được cổ phần hóa, tuy nhiên Chính phủ vẫn có chính sách định hướng hoạt động, tạo đơn hàng và hiện nay các tổ chức này đã phát triển thành các doanh nghiệp KH&CN lớn với trình độ KH&CN cao hoặc trở thành các công ty tư vấn thiết kế làm chủ về công nghệ trong một số ngành kinh tế mũi nhọn.

Tại các nước phát triển như Mỹ, Đức, Anh, Pháp…, thông thường các tổ chức KH&CN này trực thuộc các tập đoàn kinh tế như Microsoft, Google, Apple… với nhiều viện, trung tâm nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ của tập đoàn cho mục đích ngắn và dài hạn của họ. Cũng có những tổ chức KH&CN của nhà nước được trang bị những trang thiết bị để phục vụ việc nghiên cứu - phát triển cho các doanh nghiệp, tuy nhiên các tổ chức này không nhiều.

Ở một số nước mới phát triển như Hàn Quốc, Đài Loan… mặc dù dù các đơn vị nghiên cứu phần lớn trực thuộc các tập đoàn kinh tế nhưng họ cũng có các tổ chức KH&CN với kinh phí được cấp một phần bởi nhà nước và một phần bởi các hoạt động tự sản xuất kinh doanh, tuy nhiên việc định hướng hoạt động, tạo đơn hàng lại có chỉ đạo rất rõ ràng từ nhà nước.
Ở Việt Nam trước đây, các tổ chức KH&CN tương tự như Liên Xô và Trung Quốc, các hoạt động nghiên cứu được thực hiện theo đơn hàng của các bộ, ngành. Sau cải cách, các tổ chức KH&CN không còn đơn hàng của Nhà nước mà tự hoạt động và tự trang trải kinh phí cho phần lớn hoạt động của mình. Đa phần các tổ chức nghiên cứu KH&CN này không trực thuộc các tập đoàn kinh tế mà trực thuộc trực tiếp vào các bộ chủ quản hoặc Chính phủ. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu - phát triển nhưng việc thương mại hóa công nghệ trong các tổ chức KH&CN này ở Việt Nam vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn. Từ phía các tổ chức KH&CN, nhu cầu và khả năng liên kết với doanh nghiệp chưa cao do thiếu động lực và thiếu cơ chế gắn kết, sản phẩm KH&CN chưa đa dạng và kém chất lượng, thời gian nghiên cứu dài trong khi nhu cầu doanh nghiệp cần sớm có công nghệ để triển khai vào sản xuất…
 
Từ phía doanh nghiệp, cả nước có khoảng 900 nghìn doanh nghiệp hoạt động trên mọi lĩnh vực nhưng số lượng doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp KH&CN chiếm tỷ lệ rất nhỏ; phần lớn là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, quy trình sản xuất đơn giản, tài chính hạn chế, khó có điều kiện liên kết. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đúng mức đến cơ chế đầu tư tài chính cho việc nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ… Ngoài ra, còn có một vấn đề “nhạy cảm” là vấn đề bảo mật kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thật sự tin tưởng vào các đơn vị nghiên cứu…

Cách làm hay trong lĩnh vực cơ khí

Về chính sách của Nhà nước trong thời gian vừa qua, có thể nói Bộ KH&CN đã tham mưu để Quốc hội, Chính phủ ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ.

Luật KH&CN năm 2013, đã có một số những điều khoản nhằm thúc đẩy sự liên kết giữa tổ chức KH&CN và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ việc ứng dụng, phát triển công nghệ, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 đã có hẳn một chương IV về “Biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường KH&CN” với hàng loạt những cơ chế về hỗ trợ các ứng dụng và chuyển giao công nghệ từ các tổ chức KH&CN tới doanh nghiệp đã được đề cập chi tiết. Bên cạnh đó, các Chương trình KH&CN quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, các quỹ phát triển KH&CN cũng được thành lập để hỗ trợ các tổ chức KH&CN hoạt động, hỗ trợ các doanh nghiệp nhận chuyển giao và ứng dụng công nghệ.

Với những cơ chế chính sách nêu trên, việc ứng dụng và phát triển công nghệ tại các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp đã thu được một số kết quả đáng khích lệ trong mọi lĩnh vực từ y tế, nông nghiệp, thủy sản tới công nghiệp. Ở phạm vi bài viết này, tác giả xin phép chỉ bàn đến việc liên kết giữa các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp để ứng dụng, phát triển công nghệ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo.

Trước hết phải kể đến thành công trong lĩnh vực cơ khí thủy công, từ chỗ trước năm 2008 chúng ta phải nhập toàn bộ thiết bị cơ khí thủy công của nước ngoài với giá khoảng 3.000 USD/tấn sản phẩm thì chỉ sau 1 năm với Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/01/2009  về Cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn 2009-2015, Việt Nam đã làm chủ thiết kế, chế tạo nhiều thiết bị quan trọng cho ngành cơ khí. Kết quả là giá thành thiết bị cơ khí thủy công hạ từ 3.000 xuống khoảng 1.800 USD/ tấn sản phẩm. Quan trọng hơn là do làm chủ thiết kế, chế tạo, một số dự án lớn như thủy điện Sơn La, Lai Châu với vốn đầu tư hàng tỷ USD đã về trước tiến độ, đem lại lợi ích hàng nghìn tỷ đồng cho đất nước. Ở trường hợp này, có thể thấy hai điểm quan trọng đem lại sự thành công: một là, Nhà nước có hỗ trợ kịp thời về kinh phí phục vụ chuyển giao công nghệ và hai là quyết tâm trong việc bảo vệ và làm chủ thị trường, đặc biệt là cho một số dự án đầu tiên ứng dụng kết quả nhận chuyển giao công nghệ.

Thành công mới đây là dự án: “Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế và đổi mới công nghệ chế tạo đồ gá hàn khung đầu và sườn xe ô tô con” thuộc Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia của Công ty Đức Trung, một công ty spin off được thành lập nhằm ứng dụng những kết quả nghiên cứu, nhận chuyển chuyển giao công nghệ của đối tác Nhật Bản. Với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Cơ khí, Công ty Đức Trung được thành lập để ứng dụng know-how của Viện và thực hiện đơn hàng thương mại. Hiện tại, Công ty Đức Trung đang hợp tác với Tập đoàn THACO để cung cấp bộ Jig cho dây chuyền xe bus. Điều đáng nói là thông qua liên kết, hợp tác với tổ chức KH&CN (Viện Nghiên cứu Cơ khí), Công ty đã có đủ năng lực để cung cấp giải pháp thiết kế, cũng như chế tạo để cung cấp bộ Jig cho Vinfast với sự trợ giúp không nhiều từ phía Nhật Bản.

Ví dụ tiếp theo về sự liên kết là chương trình nội địa hóa thiết bị nhà máy nhiệt điện. Theo quy hoạch về phát triển các nhà máy nhiệt điện, khoảng 40 nhà máy nhiệt điện sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2012-2035 với kinh phí cho chế tạo thiết bị đến hàng vài chục tỷ USD. Để làm chủ việc đầu tư xây dựng, tránh lệ thuộc vào nhà thầu nước ngoài, giảm giá thành đầu tư, nâng cao năng lực do các doanh nghiệp thiết kế, chế tạo trong nước, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg  ngày 29/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012-2025. Căn cứ vào Quyết định này Bộ KH&CN, Bộ Công Thương đã giao cho một số tổ chức KH&CN và doanh nghiệp trong nước thực hiện Dự án Nghiên cứu thiết kế chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than công suất tổ máy đến khoảng 600 MW. Bước đầu, nhờ có định hướng của Chính phủ, các đơn vị ở trong nước đã thiết kế, chế tạo được một số thiết bị như lọc bụi tĩnh điện, thiết bị thải tro xỉ, thiết bị bốc dỡ, vạn chuyển than… cho các dự án nhiệt điện Vũng Áng 1, Thái Bình 1, Sông Hậu 1, Nghi Sơn 2. Từ những ví dụ trên có thể thấy rằng, với những công nghệ áp dụng ở quy mô vừa và nhỏ, các chính sách của Nhà nước đã bước đầu phát huy hiệu quả tương đối tốt; các tổ chức KH&CN sau khi làm chủ công nghệ có thể thành lập công ty để thương mại hóa kết quả nghiên cứu hoặc chuyển giao cho doanh nghiệp trong ngành kết quả nghiên cứu.

Tuy nhiên, ở quy mô lớn như cho một ngành công nghiệp, cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các kết quả nghiên cứu không có điều kiện  để các doanh nghiệp ứng dụng vào sản xuất nếu không có sự can thiệp của Nhà nước. Lý do là những kết quả nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ của tổ chức KH&CN còn chưa được kiểm chứng, việc ứng dụng có thể xung đột với Luật Đấu thầu, đem lại rủi ro cho chủ đầu tư (đôi khi chủ đầu tư có thể bị gặp rắc rối vì việc ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào thực tế). 

Hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW do Viện Nghiên cứu Cơ khí nghiên cứu, chế tạo.

Có thể nhận thấy, trong các dự án cơ khí thủy công, nếu Chính phủ không chỉ định thầu một số dự án cho các tổ chức nghiên cứu trong nước thì không bao giờ chương trình có thể được thực hiện thành công và mang lại lợi ích hàng nghìn, chục nghìn tỷ cho đất nước từ việc đảm bảo tiến độ và hạ giá thành sản phẩm. Tóm lại, để việc làm chủ công nghệ của các tổ chức KH&CN, việc liên kết để ứng dụng các kết quả nghiên cứu của doanh nghiệp muốn thành công ở quy mô lớn, có đóng góp đáng kể cho các chương trình kinh tế - xã hội thì nỗ lực của tổ chức KH&CN, doanh nghiệp và của Bộ KH&CN là chưa đủ, mà cần có sự chỉ đạo của Chính phủ và sự quyết tâm của các bộ/ngành liên quan.
 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)