Thứ ba, 11/02/2020 15:15

Hạn hán ở Ninh Thuận và giải pháp khắc phục

Nguyễn Ngọc Anh
Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam
Ở Việt Nam, hạn hán là thiên tai gây tác hại đứng thứ 3 sau lũ lụt và bão. Tuy nhiên, với Ninh Thuận - một tỉnh khô hạn bậc nhất cả nước thì hạn hán là thiên tai gây tác hại được xếp vào hàng thứ nhất. Mặc dù nhiều năm qua, Nhà nước và chính quyền tỉnh đã nỗ lực xây dựng nhiều công trình thủy lợi, cấp nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, song qua các năm hạn hán trước đây và đặc biệt năm 2016 cho thấy còn nhiều vấn đề trong tạo nguồn và sử dụng hiệu quả nguồn nước vốn đã rất khan hiếm ở địa phương này. Trong bài viết này, tác giả đề xuất một số giải pháp cấp nước và phòng chống hạn hán cho Ninh Thuận trên cơ sở đánh giá hiện trạng phát triển thủy lợi, những thiệt hại do đợt hạn hán 2016 gây ra và kịch bản biến đổi khí hậu đến năm 2050.
Ninh Thuận - vùng đất của khô hạn và nắng gió
Ninh Thuận là một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, song thiên nhiên đã không thật sự ưu đãi cho người dân Ninh Thuận: khô hạn và nắng gió được nhắc đến như một biểu trưng khí hậu khắc nghiệt, và đây chính là sự bất lợi lớn nhất của thiên nhiên đối với phát triển nông nghiệp nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh. Nhìn tổng thể, cả tỉnh Ninh Thuận có dạng như một cái chảo lớn, do vành chảo chắn phần lớn các hướng gió gây mưa chính nên tỉnh có nắng nhiều và mưa ít. 
Ninh Thuận có lượng mưa trung bình năm khoảng 1.000 mm, song phân bố không đều. Lượng mưa trong năm tập trung vào 4 tháng, từ tháng 9-12. Hạ lưu lưu vực sông Cái được xem là vùng khô hạn nhất cả nước. Cộng thêm vào đấy, biến động mưa năm lại rất cao. Những năm khô hạn, lượng mưa chỉ bằng 60-70% trung bình. Trong chuỗi số liệu gần 80 năm qua tại Phan Rang đã có một số lần xuất hiện các năm hạn như vậy (năm 1982 lượng mưa chỉ đạt 449 mm). Mưa ít xảy ra trong 3-4 tháng, còn lại là mùa khô kéo dài 8-9 tháng, nên hạn hán đã nghiêm trọng càng nghiêm trọng hơn. 
Trong tỉnh Ninh Thuận, sông Cái là sông lớn nhất, có diện tích lưu vực gần bao trọn cả tỉnh (diện tích lưu vực 3.430 km2, chiều dài 105 km). Vào mùa kiệt, dòng chảy trên tất cả các suối nhỏ đều khô cạn, chỉ sông Cái tại Nha Trinh còn khoảng 6-7 m3/s (số liệu 1934-1937). Song, thiên nhiên lại luôn có những điều không ngờ tới. Nằm gần kề với Ninh Thuận là tỉnh Lâm Đồng với lượng mưa trung bình hàng năm 2.000-2.500 mm, vì thế Đa Nhim luôn có nước quanh năm nhờ mưa lớn và rừng thông bạt ngàn giữ nước. Từ năm 1962, nhà máy thủy điện Đơn Dương ra đời với việc chuyển trung bình 16,7 m3/s nước từ Đa Nhim sang sông Cái, trong đó, mùa khô vẫn duy trì lưu lượng trung bình 6,5 m3/s, không những đảm bảo phát điện mà còn là nguồn nước quý giá cho tỉnh Ninh Thuận trong nhiều năm qua (tưới cho hàng chục nghìn ha lúa, rau màu…). Tuy nhiên, do nguồn nước tự nhiên không thể đáp ứng nhu cầu tưới, việc xây dựng các công trình cấp nước như hồ chứa, đập dâng, trạm bơm... là rất quan trọng. Toàn tỉnh hiện có 20 hồ chứa vừa và nhỏ, dung tích từ vài trăm nghìn đến gần 60 triệu m3 (hồ sông Sắt), tổng dung tích trên 190 triệu m3, 7 đập dâng lớn và 10 trạm bơm, chưa kể hàng chục đập dâng nhỏ và hàng trăm trạm bơm dã chiến. Dù vậy, do tổng các lưu vực đến hồ chứa chỉ chiếm 40% diện tích và 32% dòng chảy trong tỉnh, nên đến nay, tổng diện tích đất nông nghiệp được tưới của tỉnh cũng mới chỉ đạt 18.000 ha (hơn 35%). Vì thế, hàng năm vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước và nếu gặp năm hạn nặng thì càng nghiêm trọng (như các năm 1994, 2010, 2015 và đặc biệt 2016).
Thiệt hại do hạn hán
Ninh Thuận là tỉnh khô hạn. Hạn hán cũng là đặc trưng tiêu biểu của tỉnh này. Do có một mùa khô kéo dài 8-9 tháng, đặc biệt từ tháng 1 đến tháng 6 không có một giọt mưa, nên hầu như năm nào đây cũng là thời gian hạn, tuy với các mức độ khác nhau. Năm hạn bình thường, diện tích lúa thiếu nước khoảng 200-300 ha và diện tích rau màu bị hạn 2.000-3.000 ha, gia súc thiếu nước 40.000-50.000 con... Những năm hạn nặng, con số thiệt hại trên cao hơn 2-3 lần, như năm 2004, diện tích lúa bị khô hạn và thiếu nước là 1.250 ha, diện tích rau màu bị hạn là gần 4.000 ha, số dân bị thiếu nước lên đến 150.000 người, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng… Liên tiếp 2 năm 2015-2016, Ninh Thuận lại gặp hạn hán nặng nề. Đặc biệt, hạn năm 2016 được xem là nặng nề nhất trong khoảng 10-15 năm trở lại đây (UBND tỉnh Ninh Thuận đã công bố thiên tai vào tháng 3/2016).
Năm 2015, lượng mưa trung bình toàn tỉnh thấp hơn trung bình 10-15%, đặc biệt ở vùng núi là nơi cấp nước cho các hồ chứa, lượng mưa thiếu hụt 20-30% so với trung bình nhiều năm (phổ biến ở mức 600-700 mm) và lại kết thúc sớm. Hầu hết các sông, suối trong tỉnh đều khô cạn ngay từ đầu mùa khô 2016. Dòng chảy kiệt trên sông Cái tại Tân Mỹ chỉ còn khoảng 30% so với trung bình (2-3 m3/s). Toàn bộ các hồ chứa trong tỉnh đến hết mùa mưa 2015 chỉ tích được khoảng 60-70% dung tích. Đến cuối tháng 5/2016, tổng dung tích còn lại trong các hồ chỉ còn 27 triệu m3. Một vài hồ đã khô cạn và các hồ khác cũng xuống dưới mực nước chết. Vụ đông xuân 2015-2016, tổng diện tích phải dừng sản xuất là gần 6.000 ha (chiếm khoảng 22% diện tích sản xuất theo kế hoạch). Diện tích phải dừng sản xuất do thiếu nước tưới vụ hè - thu năm 2016 là gần 10 nghìn ha, số gia súc chết do hạn hán từ đầu năm 2016 đến hết tháng 5/2016 là hơn 3.200 con…, tổng thiệt hại khoảng vài trăm tỷ đồng. Do thiếu nước tưới nên diện tích phải dừng sản xuất vụ đông xuân 2019-2020 là hơn 7.800 ha đất lúa, hoa màu. Bên cạnh đó, các loại cây trồng lâu năm có nguy cơ chết do thiếu nước tưới, giảm năng suất, sản lượng.
Hạn hán đã ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi gia súc ở Ninh Thuận  (ảnh TTXVN)
Giải pháp cấp nước và phòng chống hạn hán cho Ninh Thuận 
Nguồn và nhu cầu nước trong tương lai
Tổng nguồn nước mặt hàng năm hiện nay của sông Cái là khoảng 2,37 tỷ m3, trong đó lưu vực sông Cái và các sông, suối trong tỉnh là 1,83 tỷ m3 và từ Đa Nhim chuyển sang 0,54 tỷ m3. Theo tính toán, tổng nhu cầu nước hiện nay cho tất cả các đối tượng (bao gồm tưới, cấp nước dân sinh, các khu công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường...) và đến năm 2020, 2030 và 2050 lần lượt là 0,65; 0,90; 1,20 và 1,45 tỷ m3. Nghĩa là, nếu có công trình điều tiết tốt, theo lý thuyết và khả năng khai thác khả thi, với việc tận dụng được chừng 60-70% nguồn nước tự nhiên, cộng với nước từ Đa Nhim chuyển sang khá ổn định, sẽ có khoảng 1,7 tỷ m3 vào năm trung bình, 1,41 tỷ m3 vào năm 75% (năm hạn trung bình 4 năm xuất hiện một lần), 1,2 tỷ m3 vào năm 90% (năm hạn trung bình 10 năm xuất hiện một lần) và 1,14 tỷ m3 vào năm 95% (năm hạn trung bình 20 năm xuất hiện một lần). Như vậy, nguồn nước trong tỉnh có thể cơ bản cấp đủ nước cho năm 75% và thiếu nước từ năm 85% (năm hạn 6-7 năm xuất hiện một lần) trở đi. Ở đây cần lưu ý một điều là do nguồn nước nội tỉnh chiếm đến gần 80% tổng nguồn nước của tỉnh, song có sự biến động rất lớn, những năm hạn chỉ còn 50-60% so với năm trung bình, trong khi nguồn nước từ Đa Nhim sang lại rất ổn định (trong 40 năm nay chỉ có 1 lần thiếu hụt 50%), nên trong mọi trường hợp, cần sử dụng tối đa và hiệu quả nguồn nước này.  
Quan điểm ứng phó
Từ thực trạng phát triển thủy lợi và tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, với quan điểm trọng tâm là đảm bảo cấp nước và phòng chống hạn hán hiệu quả cho tỉnh trong tương lai, cần tập trung vào những vấn đề sau:
Một là, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nắng hạn quanh năm, lượng mưa nhỏ, phân bố không đều theo thời gian và không gian, trong khi nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng và yêu cầu chất lượng ngày càng cao, nên việc sử dụng các biện pháp công trình, đặc biệt là hồ chứa điều tiết sâu được xem là giải pháp hiệu quả và bền vững nhất.   
Hai là, là một vùng “điển hình” hạn hán của cả nước, trong khi các tỉnh lân cận là Khánh Hoà, Bình Thuận, thậm chí cả Lâm Đồng nguồn nước cũng rất hạn chế, nên nước nội tỉnh trên lưu vực sông Cái được xem là tài nguyên khan hiếm và quý giá, không hoặc rất khó thay thế, cần phải được khai thác một cách hiệu quả và bền vững. 
Ba là, từ nhiều năm nay, thủy điện Đa Nhim thường xuyên chuyển nước từ Lâm Đồng sang Ninh Thuận. Đây là dạng chuyển nước ngoài lưu vực. Cân bằng nước Lâm Đồng cho thấy tỉnh này cũng không dư thừa nước. Đặc biệt, dọc hạ lưu sông Đồng Nai hiện có 7 nhà máy thủy điện và cuối cùng là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nên việc chuyển nước này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến cấp nước của tỉnh Lâm Đồng, giảm sản lượng điện và giảm khả năng cấp nước cho hạ lưu. Đây lại là nguồn nước rất ổn định so với nguồn nước nội tại của Ninh Thuận. Do vậy, Ninh Thuận phải hết sức coi trọng nguồn nước này để sử dụng thật hiệu quả và tiết kiệm.  
Bốn là, cần tận dụng tối đa điều kiện thuận lợi của địa hình từng lưu vực sông, đặc biệt là vùng thượng lưu dòng chính sông Cái và các sông nhánh, nơi dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng chưa phát triển để xây dựng hồ chứa quy mô các cấp, từ lớn, vừa đến nhỏ và cực nhỏ, nhằm dần tiến đến chủ động được nguồn nước, đáp ứng các nhu cầu phát triển trong tỉnh, đặc biệt vùng ven biển.  
Năm là, đối với Ninh Thuận, hạn hán được xem là trở ngại lớn nhất đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì thế, “an ninh nguồn nước mùa khô” là ưu tiên số một. Phát triển thuỷ lợi trong giai đoạn tới cần được xem xét trên bối cảnh lợi dụng tổng hợp tài nguyên nước và giảm nhẹ thiên tai, bao gồm cả mục tiêu cấp nước (nông nghiệp, dân sinh, công nghiệp, du lịch - dịch vụ…), kết hợp phòng chống lũ (dân cư, nông nghiệp…), cũng như bảo vệ môi trường.
Sáu là, khác với nhiều vùng trong cả nước, điều kiện phát triển thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có những đặc trưng riêng, đó là vùng có nền kinh tế thấp, điều kiện khó khăn, là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, do đó hiệu ích xã hội cần phải được ưu tiên khi xem xét lựa chọn đầu tư xây dựng từng công trình cụ thể.  
Đến sau năm 2030, nếu Ninh Thuận đã huy động tất cả nguồn nước sẵn có trong tỉnh nhưng vẫn thiếu nước (ngay cả vào năm trung bình) thì có thể phải xem xét giải pháp chuyển Đầm Nại từ đầm nước mặn thành đầm nước ngọt bằng xây cống - đập tại cửa. Đầm Nại có diện tích khoảng 10 km2, tổng dung tích có thể lên đến trên 50 triệu m3 nước. Trường hợp cống - đập Đầm Nại được xây dựng, do lượng mưa thấp và diện tích khống chế nhỏ, nên cũng cần ít nhất 10 năm mới có thể ngọt hóa hoàn toàn. Do vậy, hệ sinh thái mặn hiện nay có thể dần thích nghi mà không gây nên “cú sốc” sinh thái. Khi được ngọt hóa, hàng năm có thể sử dụng khoảng 20-25 triệu m3 nước từ đầm này cho dân cư và du lịch ven biển.
Đầm Nại và vị trí dự kiến cống - đập Đầm Nại
 
 
 
 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)