Thứ năm, 06/02/2020 16:26

Pháp luật về bản sao kỹ thuật số

Võ Trung Hậu
 

Trường Đại học Thủ Dầu Một

Pháp luật về quyền độc quyền cho phép việc tạo ra bản sao của chủ sở hữu quyền tác giả được áp dụng cho cả bản sao hữu hình và bản sao kỹ thuật số. Tuy nhiên, bản sao kỹ thuật số có nhiều dạng tồn tại khác nhau, trong đó có thể phân loại thành bản sao lưu trữ vĩnh viễn và bản sao lưu trữ tạm thời trong RAM của máy tính. Trong bài viết này, bằng phương pháp phân tích và so sánh, tác giả đi đến kết luận rằng, bản sao lưu trữ tạm thời trong RAM là bản sao không thuộc đối tượng điều chỉnh, bản sao lưu trữ vĩnh viễn thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về quyền sao chép.

Khái quát về bản sao kỹ thuật số
Việc lưu trữ các tác phẩm trong máy tính phụ thuộc vào bộ nhớ chính và các bộ phận lưu trữ phụ trợ, nhìn chung được chia thành hai loại: lưu trữ tạm thời và lưu trữ vĩnh viễn. Để một tác phẩm được tải lên internet, tác phẩm đó phải có sẵn trong bộ nhớ của máy tính, và khi hoàn tất quá trình tải xuống, đòi hỏi tác phẩm phải được lưu trữ trong bộ nhớ của máy tính đã thực hiện các hoạt động này, gọi là lưu trữ vĩnh viễn [1]. Lưu trữ vĩnh viễn là một thuật ngữ về mặt kỹ thuật, diễn tả một tình trạng đã được thừa nhận chung rằng, bộ nhớ máy tính là một vật trung gian hữu hình và chứa đựng một tác phẩm được định hình trong đó. Những tác phẩm này có thể được nhận thức, sao chép, được truyền tải, phân phối, trích xuất từ đó. Tác phẩm sẽ không bị biến mất khi máy tính bị tắt đi, trừ khi được xóa bởi hành vi có chủ đích của người dùng. Các thiết bị thuộc bộ nhớ máy tính có thể lưu trữ tác phẩm vĩnh viễn gồm đĩa mềm, đĩa compact (CD), đĩa CD-ROM, đĩa quang, đĩa compact tương tác (CD-Is), băng tần số và các thiết bị lưu trữ kỹ thuật số khác, với điều kiện phải là những hình thức ổn định, trong đó tác phẩm có thể được định hình và từ đó tác phẩm có thể được nhận thức, sao chép hoặc truyền đạt.
Bản sao lưu trữ tạm thời là dạng bản sao khi duyệt web. Để duyệt một tác phẩm trên internet, tác phẩm sẽ tự động sao lưu một bản sao tạm thời trong bộ nhớ RAM (1) của máy tính, từ đó sẽ truyền tải hình ảnh qua màn hình của người dùng, sau đó tác phẩm sẽ được “duyệt” [2]. Đây còn được gọi là bộ nhớ đệm, nó là một kho lưu trữ tạm thời liên quan đến việc sao chép trên Internet. Ưu điểm chính của bộ nhớ đệm là cải thiện tốc độ truy cập bằng cách lặp lại các thông tin đã được truy cập bởi cùng một người dùng trên Internet và để giảm tắc nghẽn mạng. Do không gian lưu trữ bộ nhớ đệm là có giới hạn nên dữ liệu đã lưu trữ sẽ được thay thế bởi những dữ liệu sau đó. Vì vậy, dữ liệu chỉ lưu trữ tạm thời trong bộ nhớ đệm.

Bản sao lưu trữ tạm thời được lưu trữ trong RAM của máy tính.

Sự khác biệt giữa lưu trữ trong RAM và thông tin lưu trữ trong đĩa cứng ở chỗ, nếu thông tin được lưu trữ trong đĩa cứng, thông tin có thể tồn tại trong nhiều ngày và được người dùng tái sử dụng cho nhiều mục đích. Trong khi đó, thông tin lưu giữ trong RAM luôn được làm mới, được thay thế bởi các dữ liệu mới hơn và sẽ bị biến mất hoàn toàn khi máy tính bị tắt. Bộ nhớ RAM sẽ không giữ bản sao mãi mãi, bản sao cũ trong đó sẽ sớm được thay thế bởi dữ liệu mới và tất cả dữ liệu sẽ bị xóa khi máy tính bị tắt. Đó là lý do vì sao nó có tên gọi là bản sao lưu trữ “tạm thời”. Với những đặc tính này, thật khó có thể xác định bản sao lưu trữ tạm thời trong RAM như một bản sao thông thường.
Điều chỉnh pháp lý đối với bản sao kỹ thuật số
Quyền độc quyền tạo bản sao của chủ sở hữu quyền tác giả
Luật Sở hữu trí tuệ 2009 (Luật số 36/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2005) định nghĩa quyền sao chép tại Khoản 10 Điều 4 như sau: “Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử”. Khoản 2, Điều 21, Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ 2009 quy định “Quyền sao chép tác phẩm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử”. Các quy định trên cho thấy, sao chép là quyền độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả đối với việc tạo ra bản sao tác phẩm dưới mọi hình thức và phương tiện (gồm cả hình thức điện tử).
Luật Sở hữu trí tuệ 2009 chỉ cho thông tin rằng, bản sao là kết quả được tạo ra từ quyền sao chép (2) , không đưa ra định nghĩa về bản sao. Khoản 5 và Khoản 7 Điều 3 Nghị định 22/2018/NĐ-CP giải thích về bản sao như sau: “Bản sao của tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” và “Bản sao của bản ghi âm, ghi hình là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”.
Mặc dù Nghị định 22/2018/NĐ-CP đã cố gắng định nghĩa về bản sao, tuy nhiên, quy định này thực sự không giải thích về các điều kiện để được xem là một bản sao của tác phẩm, mà chỉ là đang sử dụng một khái niệm khác để định nghĩa cho khái niệm bản sao. Điều này dẫn đến khó khăn là khi xác định một đối tượng có phải là bản sao của tác phẩm hay không, người ta phải xác định như thế nào là bản sao chép trực tiếp, bản sao chép gián tiếp, bản sao chụp. Điều này cho thấy đây không phải là một định nghĩa đầy đủ và có hiệu quả về bản sao.
Bản sao vĩnh viễn và bản sao tạm thời trong mối liên hệ với quyền độc quyền tạo bản sao
Xem xét một bản sao được tải xuống và lưu trữ tại máy tính của người dùng, có thể thấy rằng: khi một bản sao được tải xuống, nếu đó là bản sao được lưu trữ vĩnh viễn, nó sẽ được lưu trữ cố định trong bộ nhớ máy tính của người dùng. Sau khi người dùng tắt máy tính, bản sao không bị mất đi mà nó tồn tại vĩnh viễn, không phụ thuộc vào tình trạng máy tính có đang hoạt động hay không. Bản sao này được lưu trữ bằng những định dạng cố định. Từ những định dạng này, người dùng có thể tiếp tục sử dụng, khai thác các bản sao này cho các mục đích sau này của họ, ví dụ tiếp tục chia sẻ bản sao trên không gian mạng cho những người dùng khác. Như vậy, bản sao lưu trữ vĩnh viễn chính là bản sao thuộc phạm vi độc quyền sao chép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Đối với bản sao lưu trữ vĩnh viễn này, pháp luật sở hữu trí tuệ không gặp khó khăn để điều chỉnh. Song đối với bản sao lưu trữ trong bộ nhớ tạm thời, Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam không giải quyết cụ thể. Thực chất, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009 có đề cập đến thuật ngữ “bản sao tạm thời” của tổ chức phát sóng và được định nghĩa tại Điều 31, Nghị định số 22/2018/NĐ-CP như sau: “Bản sao tạm thời quy định tại điểm d khoản 1 Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ là bản định hình có thời hạn, do tổ chức phát sóng thực hiện bằng các phương tiện thiết bị của mình, nhằm phục vụ cho buổi phát sóng ngay sau đó của chính tổ chức phát sóng. Trong trường hợp đặc biệt thì bản sao đó được lưu trữ tại trung tâm lưu trữ chính thức”. Tuy nhiên, khái niệm này hoàn toàn không liên quan đến thuật ngữ “bản sao tạm thời” ở khía cạnh là một quá trình kỹ thuật diễn ra trong quá trình truyền tải trên Internet. Nhìn chung, pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành của Việt Nam chưa đủ rõ ràng để điều chỉnh bản sao tạm thời.
Bản sao tạm thời được đặc trưng bởi “tính tạm thời”. Hình ảnh của dữ liệu trong RAM sẽ biến mất khi máy tính tắt và sẽ không khôi phục khi máy tính được mở lại. Ngoài ra, ngay cả khi máy tính bật, bản thân dữ liệu cũng được làm mới liên tục. Vì vậy, dữ liệu có ý nghĩa như là "thoáng qua", tức là hiện thân của nó chỉ trong một thời gian rất ngắn ngủi, là một phần chia nhỏ của giây và liên tục bị thay thế bởi những dữ liệu khác mới hơn, sự hiện diện như vậy là mang tính tạm thời và bản chất là đang trong quá trình chuyển tiếp. Hiện thân của dữ liệu trong RAM là không đủ lâu dài để được coi là một "bản sao" [3]. Ngoài ra, ở khía cạnh kỹ thuật, việc lưu dữ liệu trong RAM máy tính là hoạt động bắt buộc. Ví dụ, khi một người duyệt trang web, để hình ảnh tài liệu có thể hiển thị trên màn hình máy tính, trước tiên dữ liệu phải được lưu trữ trong bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (RAM) của máy tính. Việc lưu trữ tài liệu trong RAM là do bản chất kỹ thuật tạo ra, là một phần cần thiết và không thể tách rời của quá trình công nghệ, có mục đích duy nhất là cho phép truyền tải dữ liệu giữa các bên thứ ba bởi người trung gian. Nói cách khác, đây là một quá trình lưu giữ và chuyển tiếp mang tính liên tục. Không phải là lưu giữ cố định tại một máy tính nhất định của người dùng. Có thể thấy, với sự phức tạp về kỹ thuật của bản sao lưu giữ tạm thời, thì các quy định pháp luật của Việt Nam về bản sao đã không thể làm rõ được vấn đề bản sao tạm thời lưu trữ trong RAM có được xem là bản sao hay không.
Có thể thấy, trong khi tại Việt Nam, vấn đề bản sao tạm thời chưa được giải quyết rõ ràng, thì pháp luật một số quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản bằng nhiều cách khác nhau đã có những quy định tương đối phù hợp để điều chỉnh bản sao tạm thời nhằm đảm bảo quyền của chủ sở hữu quyền tác giả trong mối quan hệ cân bằng với lợi ích của người dùng Internet.
Tại Nhật Bản, quan điểm cho rằng, bản sao lưu trữ tạm thời không đáp ứng được yêu cầu về hình thức hữu hình theo Luật Quyền tác giả của Nhật Bản cũng được hỗ trợ bởi các phán quyết của tòa án Nhật Bản [4]. Ngày 16/5/2002, Tòa án Quận Tokyo đã tuyên bố rằng, do bản chất tạm thời, ngắn hạn, quyền sao chép không bao gồm việc lưu trữ các tác phẩm trong RAM của một máy tính [5]. Tại Hoa Kỳ, Luật Bản quyền cũng không đề cập đến bản sao tạm thời trong RAM. Tuy nhiên, một số án lệ ban đầu đã giải quyết vấn đề này, cho rằng bản sao lưu trữ trong bộ nhớ tạm thời (RAM) là đáp ứng yêu cầu về bản sao, trong vụ tranh chấp giữa nguyên đơn là MAI Systerms Corp và bị đơn là Peak Computer, Inc [6]. Trong vụ án này, Tòa án Hoa Kỳ cho rằng: “Một bản sao được tạo ra trong RAM là đủ lâu dài hoặc ổn định để cho phép bản sao được cảm nhận, sao chép, hoặc truyền đạt theo cách khác trong một thời gian nhiều hơn thời gian chuyển tiếp”.
Kết luận và kiến nghị
Quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam liên quan đến bản sao cho thấy: (i) Thừa nhận quyền sao chép của tác giả được bảo hộ trong cả môi trường Internet; (ii) Định nghĩa về “bản sao” hiện nay không phải là một định nghĩa hiệu quả vì rơi vào trạng thái sử dụng một khái niệm này để định nghĩa cho một khái niệm khác. Điều này dẫn đến hệ quả là khó áp dụng quy định này trong môi trường kỹ thuật số, đặc biệt là trong trường hợp bản sao tạm thời lưu trữ trong RAM.
Do đó, cần thiết phải bổ sung định nghĩa về bản sao cho pháp luật về sở hữu trí tuệ như sau: “Bản sao của tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trong đó tác phẩm được cố định bằng bất kỳ phương pháp nào mà từ đó tác phẩm có thể được nhận biết, sao chép hoặc truyền đạt”. Định nghĩa về bản sao này đã xác định các tiêu chuẩn của bản sao, và từ đó loại trừ bản sao tạm thời được lưu trữ trong RAM, do không đáp ứng đủ điều kiện về sự cố định để tác phẩm được nhận biết, sao chép hoặc truyền đạt. Điều này là phù hợp với đặc tính kỹ thuật của bản sao tạm thời trong RAM vì đây thực tế chỉ là một phần không thể tách rời của quá trình công nghệ và mục đích duy nhất của quá trình này là cho phép truyền tải tác phẩm trong một mạng lưới giữa các bên trung gian. Điều này đảm bảo rằng những người dùng cuối của Internet sẽ không vi phạm quyền tác giả thông qua việc duyệt các trang web [7]. Những tiến bộ về công nghệ đã thách thức các khái niệm bản quyền truyền thống. Pháp luật Việt Nam chưa rõ ràng trong việc quyết định bản sao tạm thời có phải là bản sao thuộc đối tượng được bảo hộ hay không. Do đó, việc bổ sung định nghĩa về bản sao như kiến nghị là cần thiết để đảm bảo khả năng áp dụng pháp luật về quyền tác giả trên internet.

Ghi chú:

(1). Là từ viết tắt của từ Random Access Memory, RAM là một dạng lưu trữ dữ liệu máy tính cho phép các mục dữ liệu được đọc và ghi cùng khoảng thời gian khi người dùng truy cập các mục dữ liệu trong máy tính.

(2). Khoản 10 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2009 quy định: “Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử”.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hong Tao (2007), Transmission of Copyrighted Works Over the Internet: Rights and Exceptions, Faculty of Law, Bond University.
[2] Jennifer Newton (2001), “Global Solutions to Prevent Copyright Infringement of Music Over the Internet: The Need to Supplement the WIPO Internet Treaties with Self-Imposed Mandatesi”, Indiana International & Comparative, 12(1), pp.125-155.
[3] David L. Hayes (2001), “Internet Copyright: Advanced Copyrights Issues on the Internet”, Computer Law & Securtity Review, 17(3), pp.147-153.
[4] Tòa án Toykyo, Vụ án số 1998-WA-17018 và 1998-WA-19566.
[5] Yoshiyuki Miyashita (2006), “Boundary between Reproduction and Broadcasting”, Japanese Copyright Review, 6, pp.54-62.
[6] https://en.wikipedia.org/wiki/MAI_Systems_Corp._v._Peak_Computer,_Inc.
[7] Xu, Shi (2016), A Comparative Law Perspective on Intermediaries' Direct Liability in Cloud Computing Context - A Proposal for China, Indiana University Maurer School of Law.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)