Thứ năm, 06/02/2020 10:32

Tiếp cận phát triển bền vững dựa vào KH&CN

TS Bạch Tân Sinh

Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Phát triển bền vững (PTBV) là một trong những mục tiêu của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Tuy nhiên, PTBV ở Việt Nam hiện nay đang gặp những thách thức và khó khăn đòi hỏi phải có hướng tiếp cận mới. Một trong những hướng tiếp cận được đánh giá là hiệu quả, đó chính là tăng cường vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN) và sự tham gia của cộng đồng vào quá trình ra quyết định.

Thách thức đạt được PTBV ở Việt Nam

Về kinh tế và sinh thái, Việt Nam thừa nhận sự cần thiết phải dành ưu tiên cho mục tiêu phát triển kinh tế, đồng thời cũng chịu áp lực "đuổi kịp" về trình độ phát triển với các nước trong khu vực. Chiến lược phát triển cho đến nay vẫn dựa chủ yếu vào khai thác khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, chế biến thực phẩm, chế biến nguyên liệu thô trong công nghiệp. Mặc dù chiến lược phát triển này có thể giúp Việt Nam giảm nghèo và nâng cao mức sống, nhưng phát triển công nghiệp và nông nghiệp cũng có thể mang lại những tác động tiêu cực trực tiếp và gián tiếp đến tài nguyên thiên nhiên và chất lượng môi trường. Quan niệm của các nước đang phát triển nói chung và của Việt Nam nói riêng là phải chấp nhận sự lựa chọn giữa công nghiệp hóa và bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển. Phát triển phải chấp nhận trả giá cho mục tiêu bảo vệ môi trường. Do sự phát triển kinh tế và công nghiệp hóa, Việt Nam đang trải qua quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên và suy thoái môi trường. Trong 5 thập kỷ qua, độ che phủ rừng tự nhiên đã giảm từ 43% xuống còn 29%, khoảng 70% rừng được xem là chất lượng rất kém. Sự suy giảm môi trường sống đã dẫn đến sự gia tăng số lượng các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Về mặt xã hội, sự phát triển và công nghiệp hóa cũng mang lại sự bất bình đẳng giữa đô thị và nông thôn. Tỷ lệ thiếu việc làm nông thôn xuất phát từ tình trạng thiếu đất và ưu tiên cho công nghiệp hóa đã dẫn đến di dân từ nông thôn ra thành phố, vượt quá khả năng đáp ứng của thành phố. Các thành phố đang phát triển với tốc độ 4,5%/năm, tăng gấp 3 lần tốc độ tăng dân số nông thôn. Dân số đô thị đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng và dịch vụ, gây ra các vấn đề về môi trường như rác thải, ùn tắc giao thông, quá tải trong các dịch vụ y tế, giáo dục...

Vai trò của KH&CN và sự tham gia của cộng đồng

Chương trình nghị sự 21 ghi nhận nhu cầu cấp bách cần tăng cường vai trò của các nhà khoa học trong quá trình ra quyết định và hiểu biết khoa học về các vấn đề liên quan đến PTBV. Có 2 chương trong Chương trình Nghị sự 21 thừa nhận rằng, sự tham gia của khoa học ngày càng tăng trong việc xác định vấn đề liên quan đên PTBV. Chương 31 có tiêu đề "Cộng đồng KH&CN" có mục đích "để cộng đồng KH&CN... đóng góp hiệu quả hơn cho quá trình ra quyết định liên quan đến môi trường và phát triển". Chương 35 mang tên "Khoa học vì sự PTBV" tập trung vào vai trò của khoa học trong việc hỗ trợ quản lý môi trường và nhu cầu phát triển của nhân loại. Chương này kêu gọi sử dụng tốt hơn các thông tin khoa học hiện có thông qua các nghiên cứu liên ngành và tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để tăng cường hiểu biết của các cấp, các ngành về các quyết định liên quan đến PTBV.

Các quyết định về PTBV thường liên quan đến việc sử dụng ý kiến chuyên gia và tư vấn về các vấn đề khoa học cũng như thông tin thu được thông qua sự tham gia rộng rãi của công chúng. Một tình thế tiến thoái lưỡng nan cơ bản liên quan đến vai trò của các nhà khoa học và công chúng trong việc ra quyết định về PTBV là làm thế nào để cân bằng giữa một bên là nhu cầu về tạo ra kiến thức khoa học chuyên sâu và một bên là nhu cầu phải lôi kéo sự tham dự của công chúng vào trong quá trình ra quyết định.
Liên quan đến vai trò của khoa học đối với PTBV, có 2 cách tiếp cận về phương pháp luận: (i) phân tích và đánh giá dựa vào khoa học và (ii) toàn diện. Phương pháp tiếp cận phân tích và đánh gia dựa vào khoa học cho rằng, kiến thức khoa học bao gồm các "dữ liệu" hợp lý được thu thập nhờ các phương pháp và công cụ phân tích khoa học và khách quan. Đối với PTBV, cách tiếp cận này cho rằng: (1) cần tập trung vào việc thu thập dữ liệu; (2) có kiến thức về các dữ liệu mang tính khoa học sẽ giúp tìm ra các giải pháp với hầu hết các vấn đề đang cần phải được giải quyết. Trong khi đó, cách tiếp cận toàn diện đã bác bỏ niềm tin và vai trò của dữ liệu. Do đó, cách tiếp cần này nhấn mạnh sự cần thiết phải: (1) xác định đúng vấn đề là bước quan trọng để từ đó xác định các dữ liệu phù hợp; (2) nhu cầu cần có thẩm định xã hội đối với câc ý kiến đánh giá của các cộng đồng nghiên cứu khoa học.

Hai cách tiếp cận này sẽ dẫn đến hai quan điểm liên quan đến vai trò của các nhà khoa học và công chúng. Các tiếp cận dựa trên khoa học khẳng định rằng, việc ra quyết định về PTBV nên dành cho những người/chuyên gia có kiến thức chuyên môn. Do đó, các kết luận từ phân tích khoa học không trở thành đối tượng cần được tranh luận rộng rãi trong công chúng. Ngược lại, cách tiếp cận có sự tham dự rộng rãi của các bên liên quan cho rằng, một vấn đề cơ bản trong việc ra quyết định về PTBV là mối quan hệ giữa công chúng với các cơ quan công quyền. Cách tiếp cận này tin rằng việc giải quyết các vấn đề khoa học về PTBV phải có sự tham gia của công chúng và được thông báo đến các bên liên quan.

Ở Việt Nam, thái độ truyền thống đối với vai trò của KH&CN được thể hiện bởi quan điểm dân chủ, được phản ánh trong nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra". Đây là cơ sở để khuyến khích mọi tổ chức xã hội và công dân tham gia thảo luận nói chung và thảo luận các vấn đề về PTBV nói riêng. Một ví dụ là nỗ lực thu nhận ý kiến đóng góp về các dự thảo văn kiện chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Thông qua các phương tiện truyền thông, đã có hàng nghìn ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân về về dự thảo văn kiện chính trị.

Sự tham gia của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật Việt Nam (VUSTA) trong việc tư vấn cho Chính phủ cũng là một ví dụ. VUSTA đã được uỷ nhiệm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 22/2002/QĐ-TTg để đưa ra ý kiến phản biện xã hội về chính sách của Chính phủ. VUSTA cũng có thể đưa ra các kiến nghị chính sách cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ ngay cả những khuyến nghị này có thể không ủng hộ các chính sách, chương trình của các cơ quan thuộc Chính phủ đề xuất. Có thể nói, tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào quá trình ra quyết định là một điều kiện tiên quyết cho PTBV ở Việt Nam, bên cạnh việc nâng cao hiểu biết về PTBV của cộng đồng khoa học.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)