Thứ ba, 10/03/2020 10:01

Bài toán cho phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Những năm gần đây, Việt Nam đã có thêm nhiều chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện từ rác thải… Tuy nhiên, để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai các dự án năng lượng tái tạo (NLTT), vẫn cần có thêm các chính sách ưu đãi hơn từ nhà nước cũng như sự đồng hành của các chủ đầu tư.

Tiềm năng lớn

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều thuận lợi nhất trong khu vực để phát triển nguồn NLTT từ sức gió, năng lượng mặt trời, rác thải... Cụ thể, với gần 3.400 km bờ biển, tiềm năng về năng lượng gió của Việt Nam ước tính khoảng 500-1.000 kWh/m2 mỗi năm. Bên cạnh đó là nguồn năng lượng mặt trời với lượng bức xạ nắng trung bình 5 kWh/m2/ngày trên khắp cả nước. Tiềm năng kỹ thuật của thủy điện nhỏ cũng dao động ở mức hơn 4.000 MW mỗi năm.

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển NLTT, trong đó có năng lượng mặt trời.

Tổng năng lượng sinh khối của Việt Nam khoảng 73 triệu tấn/năm, trong đó sinh khối từ nông - lâm - ngư nghiệp là 60 triệu tấn/năm và từ rác thải khoảng 13 triệu tấn/năm. Nếu tận dụng các nguồn sinh khối này để phát điện thì công suất điện ước tính có thể lên tới 5.000 MW.

Ông Phạm Trọng Thực - Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, công suất NLTT đang được khai thác gồm thủy điện nhỏ, sinh khối, rác thải sinh hoạt, mặt trời và gió là khoảng 1.215 MW (chỉ chiếm khoảng 3,4% tiềm năng về NLTT của Việt Nam); trong đó, năng lượng mặt trời mới khai thác được khoảng 3% tiềm năng. Nếu tận dụng được nguồn năng lượng này, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có nguồn năng lượng đáng kể tại chỗ. Đây là giải pháp mà Chính phủ đang hướng tới để đạt mục tiêu trong năm 2020, 30% nguồn năng lượng là NLTT cung cấp cho các thành phố lớn nhằm bảo đảm vấn đề môi trường, vệ sinh và các vấn đề an ninh năng lượng khác.

Theo ông Phương Hoàng Kim - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), đến nay, tổng số công suất lắp đặt các dự án điện NLTT trên toàn quốc đạt trên 5.000 MW, với khoảng 4.442 MW điện mặt trời quy mô lớn và khoảng 150 MW điện mặt trời áp mái, 303 MW điện gió, 342 MW điện sinh khối và gần 10 MW điện từ chất thải rắn. Như vậy, tổng công suất điện từ năng lượng tái tạo tăng nhanh nhưng không đồng đều; trong đó, điện sinh khối và điện từ chất thải rắn phát triển chậm so với mục tiêu của Chính phủ.

Đến nay, các nguồn thủy điện lớn ở Việt Nam cơ bản đã khai thác hết, NLTT có tiềm năng, nhưng suất đầu tư cao dẫn đến giá thành cao; giá mua điện mặt trời theo quyết định mới của Chính phủ là 9,35 cent, như vậy phải bù lỗ hơn 2 cent/kWh (chưa kể giá truyền tải và các chi phí khác). Nếu tính cả đầu tư hạ tầng đấu nối, nguồn dự phòng, chi phí còn cao hơn. Trước thực tế trên, nhiệt điện than vẫn là một trong những lựa chọn của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia phát triển, có tiềm lực kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc... Vấn đề ở đây là lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế, vừa đáp ứng những yêu cầu về môi trường, xã hội. Tuy nhiên, chi phí đầu tư sẽ cao hơn khoảng 10- 20%. Điều này sẽ tác động lên giá điện và đây là bài toán thực sự khó khăn. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội như hiện nay, nguy cơ thiếu hụt năng lượng cho phát triển kinh tế là hiện hữu nếu không có giải pháp kịp thời. Tuy nhiên, để nhân dân hiểu rõ, chia sẻ và đồng thuận, rất cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Cần chính sách hỗ trợ

Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng các doanh nghiệp còn khá e dè khi đầu tư vào lĩnh vực NLTT. Đến nay, cả nước có 77 dự án điện gió, quy mô công nghiệp được đăng ký ở 18 tỉnh/thành phố với tổng công suất trên 7.000 MW. Tuy nhiên, hiện chỉ có 3 dự án được triển khai và có điện bán vào hệ thống điện quốc gia với 48,2 MW.

Rào cản lớn nhất khiến các doanh nghiệp còn e dè khi đầu tư vào NLTT là những hạn chế về cơ chế chính sách. Trong khi khung thể chế, pháp lý mới chỉ hình thành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì các chính sách về NLTT lại chưa đầy đủ. Điều này dẫn đến việc thiếu đồng bộ trong điều chỉnh các hoạt động năng lượng phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - chính trị - xã hội.

Theo ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc phát triển NLTT ở Việt Nam còn gặp phải một số khó khăn, bao gồm:

Thứ nhất, nguồn NLTT phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên và không ổn định. Trong lúc không có các nguồn năng lượng đó chúng ta phải có nguồn thay thế. Ở một số nước, nguồn điều chỉnh năng lượng được sử dụng là pin tích trữ năng lượng và nó đồng nghĩa với việc phát sinh thêm chi phí hệ thống.

Thứ hai, hiện nay chưa có lưới điện riêng đối với NLTT. Khi phát triển một nhà máy điện mặt trời hoặc điện gió, chúng ta đưa vào rất nhanh, có khi chỉ 1 năm là có thể đưa vào vận hành. Nhưng để chuẩn bị lưới điện cho truyền tải, từ khâu quy hoạch đền bù giải phóng mặt bằng cho đến đầu tư xây dựng, thời gian rất dài. Trong quy hoạch, mặc dù đã có sự đồng bộ giữa việc phát triển NLTT cũng như phát triển điện lưới nhưng đây là vấn đề cần được quan tâm lớn. Bởi vì không như các nhà máy truyền thống, chúng ta có thời gian để xây dựng nhiều năm, lưới đi theo đường bộ. Thêm nữa, thiết kế cơ sở hạ tầng cho năng lượng truyền thống và NLTT rất khác nhau.

Thứ ba, từ năm 2019 sẽ chuyển sang thị trường điện bán buôn điện cạnh tranh. Chính sách đưa NLTT vào thị trường điện như thế nào hiện nay chưa có. Chúng ta đang có chính sách: tất cả các nguồn điện sẽ được EVN mua theo đúng giá trực tiếp và số lượng điện đó sẽ được ưu tiên chạy đầu tiên, sau đó mới đến phần của thị trường điện. Chính vì thế, EVN đang nghiên cứu để tham mưu cho Bộ Công Thương về sự tham gia của NLTT trong thị trường điện.

Cuối cùng, đó là chi phí về hệ thống, hiện nay, giá bán lẻ điện đang thấp hơn giá mua điện tại các nhà máy NLTT. Đây là một áp lực tài chính lớn của EVN. Sau giai đoạn đầu khuyến khích phát triển, công nghệ về NLTT sẽ ngày càng tiến bộ, chi phí sẽ giảm hơn, hy vọng các chi phí cho NLTT sẽ giảm để bảo đảm cân đối cung cầu.

PV
 
 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)