Thứ sáu, 14/02/2020 14:47

Ứng dụng IoT trong canh tác nông nghiệp tại Đồng Tháp

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ (KH&CN), thế giới đang từng ngày thay đổi, đặc biệt những thành tựu mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) mang lại, nổi bật là những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot… và đặc biệt là Interner vạn vật (Internet of Thing - IoT). Đồng Tháp được biết đến là 1 trong những địa phương có cách nghĩ và làm sáng tạo trong việc ứng dụng IoT vào nông nghiệp.
Nền tảng của sản xuất nông nghiệp hiện đại
Theo các chuyên gia công nghệ, IoT được xem là một nền tảng quan trọng để phát triển lĩnh vực nông nghiệp một cách thông minh và hiện đại. Ở Việt Nam, một số mô hình ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực, nổi bật như mô hình nhà kính ở Lâm Đồng, nông trường thông minh tại Quảng Nam, nuôi bò công nghệ 5 sao ở Thanh Hoá, trại gà “sang” ở Bình Phước… Điểm chung ở các mô hình nói trên là đều ứng dụng công nghệ nền tảng IoT, giúp cho những hoạt động chăm sóc (cây trồng, vật nuôi), chế biến, bảo quản (lương thực, thực phẩm)… được quản lý thông minh, xử lý chính xác tự động hoặc bán tự động.
Thống kê cho thấy, giải pháp IoT đã được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực sản xuất hoa màu, chăn nuôi. Tuy nhiên, đối với cây lúa (loại cây lương thực quan trọng hàng đầu của đất nước) thì vẫn chưa có nhiều mô hình ứng dụng IoT .
Gần đây, một mô hình kết hợp ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trong canh tác lúa với tên gọi “Mô hình canh tác lúa lý tưởng” tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đã mang lại hiệu quả cao. Đây là mô hình áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp từ việc sử dụng máy cấy lúa hiện đại, phân bón thông minh và đặc biệt là hệ thống IoT theo dõi, xử lý phù hợp mức nước trên đồng ruộng… 
Ông Ngô Phước Dũng - Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 chia sẻ: ưu điểm của mô hình này là sử dụng phân bón thông minh, chỉ bón duy nhất 1 lần/vụ. Song song đó, hệ thống quản lý mực nước tự động nhờ các cảm biến và được điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh giúp nông dân có thể chủ động mực nước trên đồng ruộng mọi lúc, mọi nơi bất cứ lúc nào. Kết quả của việc ứng dụng giải pháp này đã giúp giảm 50% lượng phân bón, 75% nhân công, tăng năng suất 30%, tăng thu nhập của bà con ≥ 20%.
Có thể khẳng định, các mô hình nông nghiệp ứng dụng IoT đã mang lại nhiều kết quả tích cực như tăng năng suất, chất lượng nông sản... Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia thì "con đường" nhân rộng các mô hình này vẫn còn nhiều rào cản phía trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những hạn chế trong cách nghĩ, cách làm nông nghiệp của đa số người dân. Để vượt qua những khó khăn đó, cần có sự "bứt phá" mạnh dạn đổi mới sáng tạo trong cách nghĩ và cách làm của người dân.
Đổi mới trong cách nghĩ, sáng tạo trong cách làm
Trong ký ức của nhiều người Việt Nam thì làm nông là một nghề vất vả, "chân lấm tay bùn", "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", đa số nông dân vẫn còn kiểu suy nghĩ "lấy công làm lãi", "cần cù bù thông minh"... Hiện nay, với sự phát triển của KH&CN, máy móc đã dần thay thế nông dân giải quyết hầu hết các công việc vất vả, "nặng nhọc" và nhờ có IoT mà lao động chân tay trong nông nghiệp đã từng bước được giải phóng. Thực tế cho thấy, một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng IoT ở Việt Nam hiện nay đã phần nào làm được điều đó. Tuy nhiên, phần lớn quy mô canh tác hiện nay còn manh mún, nhỏ lẻ (có tới 70% hộ sản xuất với diện tích dưới 0,5 ha) cộng với việc nông dân quen với cách sản xuất cũ, lạc hậu (dựa nhiều vào kinh nghiệm quan sát cảm tính),  tưới nước, bón phân, phun thuốc bừa bãi không đúng liều lượng, làm gia tăng chi phí sản xuất nhưng năng suất, chất lượng nông sản vẫn thấp. Mặt khác, nhiều nông dân quá chú trọng vào sản lượng, không áp dụng đúng các quy trình sản xuất sạch - an toàn, nâng cao giá trị nông sản, dẫn đến sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh kém, hiệu quả lợi nhuận thấp.
Để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường, nông dân Việt Nam cần thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hoá lớn; từ kinh tế hộ, đơn lẻ sang hợp tác, liên kết theo chuỗi; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng IoT để đảm bảo chính xác quy trình sản xuất sạch, an toàn. Điển hình cho cách làm này chính là hiệu quả mà các hộ dân ở Đồng Tháp đã thực hiện trong thời gian gần đây. Đó là, nông dân đã chủ động tham gia vào các hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp hình thành được chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Từ tập quán sản xuất truyền thống nhỏ lẻ và hay rơi vào cảnh "được mùa, mất giá", nông dân Đồng Tháp đã chuyển sang sản xuất có tổ chức, liên kết thành lập các hội quán nông dân, hợp tác xã nông nghiệp để "cùng nghĩ, cùng làm giàu". Không những thế, sự đổi mới trong tư duy làm nông nghiệp của nông dân Đồng Tháp còn thể hiện ở chỗ biết ứng dụng công nghệ để kết hợp sản xuất với kinh doanh. Điển hình cho việc ứng dụng KH&CN, đặc biệt là công nghệ thông tin vào sản xuất là mô hình "Cây xoài nhà tôi" ở Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Mỗi cây xoài ở đây đều được số hóa thông tin và hình ảnh liên quan đến chiều cao, năm tuổi, năng suất bình quân, chủng loại..., cập nhật lên website để người dùng truy cập đặt hàng mua. Người mua sẽ trở thành chủ sở hữu của cây xoài, còn người bán (xã viên Hợp tác xã) có trách nhiệm chăm sóc cây cho đến khi có trái, thu hoạch, đóng gói gửi đến người mua (toàn bộ quy trình sản xuất đều được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap). Ngoài ra, với những khách hàng muốn trải nghiệm tự mình chăm sóc cây thì có thể lắp đặt các thiết bị IoT để quản lý và theo dõi các công đoạn sản xuất từ xa. 
Việc lựa chọn, đầu tư một hệ thống tưới chính xác tự động (giải pháp IoT) mang lại hiệu quả tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: quy mô sản xuất, nhu cầu nước tưới của mỗi loại cây, điều kiện nguồn nước, kỹ năng vận hành hệ thống, chi phí đầu tư và khả năng lợi nhuận thu được... Ví dụ, việc đầu tư hệ thống tưới đối với các loại cây rau, củ, quả trồng cách xa nhau và ở những nơi có nguồn nước khan hiếm thì hệ thống tưới nhỏ giọt tự động là một giải pháp thích hợp để lựa chọn đầu tư nhằm giảm lãng phí nguồn nước. Nhưng đối với một số cây trồng khác như khoai mỳ, mía… (thường được trồng trên diện tích lớn) thì việc áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt là không phù hợp mà nên chuyển sang sử dụng hệ thống tưới phun mưa di động sẽ có ưu thế hơn…
Có thể nói, thành công của những mô hình liên kết hợp tác, ứng dụng KH&CN của nông dân Đồng Tháp nói riêng, một số địa phương khác nói chung là kết quả quan trọng để nhân rộng ở Việt Nam - nơi vẫn còn gần 9 triệu hộ làm nông, trong đó hơn 6 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ.
Xuân Diện
 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)