Mở đầu
Sự lan tràn của COVID-19 với quy mô đại dịch trên phạm vi toàn cầu đã tác động to lớn tới mọi mặt của nền kinh tế - xã hội và gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới các tầng lớp dân cư. Tuy nhiên, bối cảnh đó lại mở ra những cơ hội mới trong hoạt động SC, làm thay đổi cơ cấu đầu tư sáng tạo, cách thức giải quyết các vấn đề kỹ thuật, thậm chí hình thành những mô hình thương mại hóa SC kiểu mới. Dường như dịch bệnh và sự khủng hoảng y tế và sức khỏe chẳng những không “phong tỏa” sức sáng tạo của các nhà SC mà còn thúc đẩy họ mạnh mẽ hơn trong hoạt động SC vì lợi ích xã hội. Vai trò to lớn của SC trong bối cảnh này càng được thể hiện rõ nét hơn, không chỉ bởi những tác động tích cực tới nền kinh tế thông qua việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, mà còn ý nghĩa hơn bởi “tính hữu ích” của nó đối với an sinh xã hội. Vì vậy, thời gian qua cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng SC được tạo ra liên quan tới COVID-19 với những lợi ích xã hội to lớn về nhiều mặt do những SC này mang lại cho con người [1]. Trên thế giới, đã có hơn 20 vắc xin phòng bệnh được phát triển nhanh chóng với sự tham gia của các hãng dược lớn như GSK, Sanofi… [2]. Nhiều hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới như Ferrari, Ford, Fiat, General Motors đã chuyển hướng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực thiết bị y tế như khẩu trang, máy thở [3]. Đáp ứng lời kêu gọi của Chính phủ Anh, các nhà sản xuất hàng gia dụng danh tiếng như Dyson, Gtech mở rộng đầu tư cho thiết kế, chế tạo thiết bị mới để làm sạch không khí quy mô lớn [4]. Chính phủ của nhiều quốc gia cũng đã dành những khoản chi ưu tiên (Anh chi khoảng 26,1 triệu USD, Trung Quốc khoảng 16 tỷ USD…) cho nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới dùng để phòng và điều trị COVID-19 [2]. Trong khi đó ở Việt Nam, nhiều SC về sản phẩm, quy trình liên quan tới COVID-19 cũng không ngừng được tạo ra bởi các nhà khoa học như bộ KIT chẩn đoán virus SARS-CoV-2, thiết bị đo thân nhiệt từ xa, buồng khử khuẩn toàn thân, robot phục vụ bệnh nhân cách ly, quy trình nuôi cấy và phân lập virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm... Điều đó cho thấy, ở nước ta mặc dù số lượng SC được bảo hộ của người Việt Nam còn hạn chế so với tiềm năng nhưng đã có rất nhiều tấm gương nhà SC không ngừng nỗ lực sáng tạo ra những SC có mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho xã hội, đặt lợi ích xã hội của SC làm mối quan tâm và sự ưu tiên hàng đầu trong hoạt động SC của mình. Một số phân tích dưới đây không chỉ nhằm luận giải lý do của hoạt động SC dựa trên lợi ích xã hội xét ở phương diện lý thuyết mà còn khẳng định mối quan hệ trực tiếp giữa lợi ích xã hội của SC với động lực của nhà SC Việt Nam được biểu hiện cụ thể trong bối cảnh mới, đồng thời gợi mở một số hàm ý chính sách nhằm thúc đẩy hơn nữa động lực của nhà SC trong thời gian tới, góp phần đắc lực vào sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.
Lợi ích xã hội của SC từ góc nhìn lý thuyết
Kể từ khi Joseph Rossman (Hoa Kỳ) nghiên cứu về tâm lý học nhà SC vào năm 1931, các học giả vẫn tiếp tục tìm kiếm lời giải đáp cho câu hỏi lý do nào thúc đẩy động lực của nhà SC theo các cách tiếp cận khác nhau. Nghiên cứu của các tác giả [5, 6] cho rằng, mong muốn phục vụ xã hội là lý do của hoạt động SC; nhà SC sẽ nỗ lực sáng tạo nếu cảm thấy việc đó đóng góp cho sự tiến bộ xã hội và mang lại hạnh phúc cho con người. Nghiên cứu của Grant và Berry [7] còn cho rằng trong môi trường tổ chức, lợi ích xã hội của SC được tạo ra nhờ cơ chế “đặt mình vào hoàn cảnh của người khác” - yếu tố quan trọng điều tiết mối quan hệ giữa động lực và sự sáng tạo của nhà SC. Học thuyết về tự quyết (SDT) của R.M. Ryan và E.L. Deci [8] và học thuyết về xử lý thông tin có động lực (MIPT) được đề cập tới trong các nghiên cứu của nhiều học giả [7, 9] cho rằng, “lợi ích xã hội của SC” được hiểu là những lợi ích hoặc tính hữu ích mà SC mang lại cho cộng đồng, cho phép luận giải vì sao tính mới và tính hữu ích là hai thuộc tính không thể tách rời của SC và lý do nhà SC quan tâm tới lợi ích xã hội của SC. Hơn nữa, bổ sung cho SDT, MIPT gợi ý rằng, quá trình sáng tạo của nhà SC là một quá trình tâm lý chủ động tiếp nhận và xử lý thông tin có định hướng dựa trên mối quan tâm tới lợi ích xã hội. Đây cũng là một quá trình nhận thức, trong đó các cá nhân chấp nhận quan điểm của người khác để cố gắng hiểu được mối quan tâm, sở thích, giá trị và nhu cầu của người khác [10]; để đánh giá nhu cầu giải quyết vấn đề kỹ thuật, chú ý, giải mã và lưu giữ thông tin một cách có chọn lọc phù hợp với những mong muốn của mình [11, 12], từ đó càng có nhiều khả năng phát triển những ý tưởng hữu ích cho xã hội [13].
Bộ kit test nhanh virus corona chủng mới do các nhà khoa học Việt Nam chế tạo
Cũng theo học thuyết SDT, người có động lực để làm một việc nào đó không chỉ bởi tính hấp dẫn của bản thân hành động, mà còn bởi chính kết quả hay hậu quả nhận được khi làm việc đó [14]. Đối với những cá nhân có động lực nhờ lợi ích xã hội, sự nỗ lực hành động sẽ dựa trên sự mong muốn hành động mang lại lợi ích cho người khác [15]. Nếu như động lực được tạo ra từ chính hoạt động sáng tạo mang lại tác động tích cực và sự linh hoạt trong nhận thức nhằm sáng tạo ra những ý tưởng mới, thì động lực được tạo ra từ lợi ích xã hội đặt ra mục tiêu tập trung vào những ý tưởng hữu ích cho người khác [7]. Những phân tích dưới đây cho biết động lực của nhà SC, biểu hiện bằng sự nỗ lực, được tạo ra và duy trì bởi lợi ích xã hội của SC nhằm giải quyết vấn đề kỹ thuật đang tồn tại trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam.
Lợi ích xã hội của SC và sự ảnh hưởng tới động lực của nhà SC Việt Nam
Những lý thuyết và nghiên cứu nêu trên gợi ý rằng, ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nguy cơ gia tăng tổn thất lợi ích xã hội là hiện thực, động lực của nhà SC Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ bởi lợi ích xã hội của SC. Do SC là thành quả của hoạt động sáng tạo và có mục đích mang lại lợi ích cho xã hội nhờ khả năng giải quyết vấn đề kỹ thuật nhất định, trong bài viết này, giả thuyết (H) được đề xuất cho biết lợi ích xã hội của SC là một lý do quan trọng thúc đẩy nhà SC Việt Nam nỗ lực sáng tạo thông qua mô hình tuyến tính: DL = ß0 + ß1XH + U, trong đó: DL (biến phụ thuộc) là động lực của nhà SC; XH (biến độc lập) là lợi ích xã hội của SC; ß0 là hệ số chặn; ß1 là tham số hồi quy (hệ số hồi quy riêng); U là sai số ngẫu nhiên (yếu tố nhiễu). Mô hình này được kiểm định bằng phương pháp bình phương nhỏ nhất (OLS). Thang đo các khái niệm trong mô hình là những thang đo gốc được nêu trong các nghiên cứu trước đây của một số học giả và bổ sung một số chỉ báo thích hợp dựa trên kết quả phân tích định tính các dữ liệu phỏng vấn sâu. Các thang đo được đánh giá về độ tin cậy (Cronbach’s α) nhằm kiểm tra mức độ giải thích cho biến tương ứng trước khi thực hiện phân tích hồi quy tuyến tính nhằm lượng hóa mối quan hệ trong mô hình.
Trước khi phân tích, chúng tôi đã tiến hành khảo sát bằng bảng hỏi đối với 257 tác giả SC Việt Nam được cấp bằng độc quyền SC tại Việt Nam (2011-2015) và phỏng vấn 5 nhà SC, luật sư và nhà quản lý trong lĩnh vực SC. Nhìn chung, theo trải nghiệm của các nhà SC được phỏng vấn, lợi ích xã hội của SC là điều mà bản thân các nhà SC thường quan tâm tới và được coi là nhân tố quan trọng thúc đẩy động lực của họ. Động lực của nhà SC không chỉ được thúc đẩy bởi “lợi ích mà SC mang lại cho tổ chức nơi nhà SC làm việc” (hợp lý hóa sản xuất, gia tăng lợi nhuận, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, gia tăng giá trị cho tổ chức), mà còn bởi lợi ích mà SC mang lại cho cộng đồng, khiến cho nhà SC nung nấu và mong muốn cống hiến. Theo nhiều nhà SC, lợi ích xã hội của SC còn được thể hiện ở chỗ “SC có khả năng làm điều tốt đẹp với người khác”, “muốn giúp đỡ người khác thông qua SC”, “muốn tác động tích cực tới người khác nhờ có SC” và là lý do thúc đẩy động lực của nhà SC. Đối với một số nhà SC, việc tạo ra SC mang lại lợi ích xã hội thậm chí trở thành trách nhiệm lớn lao với tổ chức, với cộng đồng và với đất nước. Đồng thời, các nhà SC được phỏng vấn đều cho rằng, động lực sáng tạo của mình được thể hiện bởi nỗ lực và những nỗ lực đó dường như không chỉ xuất phát từ việc phải tạo ra SC theo nhiệm vụ được tổ chức giao, mà quan trọng là hầu hết nhà SC cố gắng hết sức và dành nhiều sức lực cho hoạt động SC một cách tự nguyện. Thậm chí để tạo ra SC, nhiều nhà SC luôn trăn trở, tận tâm, ưu tiên thời gian cho SC, sẵn sàng hy sinh và chấp nhận mọi rủi ro để tạo ra bằng được SC. Kết quả phân tích định tính đa nhân tố nêu trên là gợi ý tốt cho việc xây dựng các thang đo cũng như luận giải cho kết quả phân tích định lượng.
Trong mô hình nghiên cứu, độ tin cậy của tất cả thang đo các khái niệm XH và DL đều có hệ số Cronbach’s α>0,7 và hệ số tương quan biến tổng >0,3, do đó các chỉ báo phản ánh tốt các khái niệm tương ứng cần đo.
Trong mô hình, giá trị của nhân tố đại diện cho hai bộ biến số XH và DL được tính theo trung bình. Đối với mỗi quan sát, giá trị XH = mean(XH1, XH2, XH3, XH4); giá trị DL = mean(DL1, DL2, DL3, DL4). Kết quả phân tích cho thấy, mô hình có R=0,611, R2=0,373 và SEE=0,411, nghĩa là mối quan hệ giữa XH và DL tương đối chặt chẽ; 37,3% sự thay đổi của DL được giải thích bởi mô hình trong mối quan hệ với XH; mức chênh lệch bình quân giữa giá trị lý thuyết và thực tế khá nhỏ.
Kết quả ước lượng các hệ số hồi quy cho biết ß0=2,010 và ß1=0,526>0, do đó mô hình có dạng: DL = 2,01 + 0,526XH + U. Như vậy, với mẫu đã khảo sát, cứ 1 đơn vị tăng thêm của XH sẽ làm DL tăng thêm trung bình khoảng 0,526 đơn vị, do đó giả thuyết (H) được ủng hộ: lợi ích xã hội của SC có ảnh hưởng thuận chiều tới động lực của nhà SC Việt Nam.
Từ kết quả ước lượng mô hình đối với mẫu đã khảo sát có thể suy ra tổng thể chung. Khi tiến hành kiểm định hệ số hồi quy ß1, kết quả phân tích cho biết giá trị t=9,712 với Sig.=0,000<0,05 ở khoảng tin cậy 95% nên có cơ sở để khẳng định sự tồn tại mối quan hệ thuận chiều giữa XH và DL với mẫu đã khảo sát là có ý nghĩa thống kê.
Như vậy, với mẫu đã khảo sát, ở khoảng tin cậy 95%, kết quả phân tích hồi quy tuyến tính cho biết ảnh hưởng thuận chiều của lợi ích xã hội của SC tới động lực sáng tạo của nhà SC Việt Nam có ý nghĩa thống kê, giả thuyết (H) được ủng hộ. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của hiểm họa dịch bệnh COVID-19, bằng chứng thực nghiệm này luận giải và khẳng định mối quan tâm và trách nhiệm xã hội của nhiều nhà SC Việt Nam hiện nay cũng như vai trò to lớn của khoa học và công nghệ trong cuộc chiến chưa từng có tiền lệ.
Một số hàm ý chính sách
Từ kết quả phân tích và kiểm định mô hình nghiên cứu có thể nhận thấy, yếu tố mang tính bối cảnh xã hội có ảnh hưởng tới việc duy trì động lực và làm cho nhà SC trở nên được tự quyết hơn khi xuất hiện kết quả của hành động, phù hợp với học thuyết SDT. Sự phản hồi của cộng đồng là một trong những lý do chính khiến cho con người sẵn sàng hành động. Đối với các nhà SC ở Việt Nam, dù là nhà SC độc lập hay nhà SC làm việc cho tổ chức, dù SC là công việc thường xuyên hay được giao theo nhiệm vụ, lợi ích xã hội mà SC mang lại là mối quan tâm lớn của họ. Nếu việc giải quyết vấn đề kỹ thuật bằng SC gắn với lợi ích thiết thực mà SC mang lại cho đối tượng thụ hưởng trong xã hội thì nhà SC sẽ nỗ lực tìm kiếm giải pháp kỹ thuật không chỉ có tính mới mà còn hữu ích cho cộng đồng. Đã có rất nhiều câu chuyện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 minh chứng cho nhận định này và đặt ra những bài học cần suy ngẫm. Theo tác giả, việc gắn kết hoạt động SC với lợi ích xã hội của SC một cách tự nhiên, “bản năng” là một quá trình trong đó lợi ích xã hội mà SC mang lại không chỉ là điểm khởi đầu mà còn là mục tiêu cần nỗ lực theo đuổi và để quá trình đó trở thành tố chất thì nhà SC cần được kinh qua môi trường giáo dục và rèn luyện trong thời gian dài. Vì thế, ngoài chính sách coi trọng giáo dục năng lực sáng tạo, ưu tiên đầu tư cho những nhiệm vụ có tác động kinh tế - xã hội lớn không thu hút đầu tư tư nhân, Nhà nước cần có cải tiến trong giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đối với các chuyên ngành kỹ thuật và khoa học tự nhiên, theo hướng chú trọng hình thành nhân cách luôn biết quan tâm tới lợi ích cộng đồng khi cần giải quyết những vấn đề kỹ thuật và lấy lợi ích xã hội làm thước đo của sản phẩm nghiên cứu. Hoạt động thực hành trong đào tạo cũng cần chú trọng thích đáng cho sự trải nghiệm vấn đề kỹ thuật mang tính xã hội, nhất là trong môi trường doanh nghiệp, để gây dựng đội ngũ nhà SC trẻ ngay từ bậc đại học. Các diễn đàn dành cho nhà SC cần được tổ chức thường xuyên nhằm tạo điều kiện cho nhà SC tiếp cận những phản hồi của cộng đồng về các vấn đề kỹ thuật và thêm nhiều cơ hội tương tác với khách hàng hay người tiêu dùng của công nghệ.
Như vậy, ngoài việc bảo đảm môi trường cho hoạt động SC, như hiệu lực bảo hộ độc quyền SC, khả năng tiếp cận thông tin về trình độ phát triển khoa học và công nghệ, động lực sáng tạo của các nhà SC Việt Nam chỉ thực sự được thúc đẩy nếu không “cách ly” khỏi bối cảnh mang tính xã hội, thấu hiểu nhu cầu xã hội và mong muốn SC mang lại lợi ích xã hội. Điều đó không chỉ góp phần mau chóng đưa đất nước thoát khỏi những tình huống khẩn cấp về an sinh xã hội mà còn duy trì, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng trong dài hạn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Managing IP Correspondent (2020), Global research rush spurs COVID-19 patent challenges, https://www.managingip.com/article/b1kq5kf43v4c70/global-research-rush-spurs-covid-19-patent-challenges.
[2] E. Conlon (2020), Managing IP’s COVID-19 resource hub, https://www.managingip.com/article/b1kt7xwy3v8xn9/managing-ips-covid-19-resource-hub.
[3] Daily Sabah (2020), Auto manufacturers to produce ventilators to help combat COVID-19, https://www.dailysabah.com/business/transportation/auto-manufacturers-to-produce-ventilators-to-help-combat-covid-19.
[4] E. Darrell (2020), Dyson and gtech answer UK call for ventilator design and production to support COVID-19 response, https://techcrunch.com/2020/03/26/dyson-and-gtech-answer-uk-call-for-ventilator-design-and-production-to-support-covid-19-response.
[5] F. Machlup (1962), “The supply of inventors and inventions”, The Rate and Direction of Inventive Activity: Economic and Social Factors, Princeton University Press, pp.143-170.
[6] B. Thomas, et al. (2009), “The individual inventor and the implications for innovation and entrepreneurship”, Industry & Higher Education, 23(5), pp.391-404.
[7] A.M. Grant, J.W. Berry (2011), “The necessity of others is the mother of invention: intrinsic and prosocial motivations, perspective talking, and creativity”, Academy of Management Journal, 54(1), pp.73-96.
[8] R.M. Ryan, E.L. Deci (2000a), “Self-determination theory and the facilitation of intrinsic motivation, social development, and well-being”, American Psychologist, 55(1), p.68.
[9] C.K.W. Dreu De, R.W. Laurie, K. Seungwoo (2000), “Influence of social motives on integrative negotiation: a meta-analytic review and test of two theories”, Journal of Personality and Social Psychology, 78(5), pp.889-905.
[10] S.K. Parker, C.M. Axtell (2001), “Seeing another viewpoint: antecedents and outcomes of employee perspective taking”, Academy of Management Journal, 44(6), pp.1085-1100.
[11] Z. Kunda (1990), “The case for motivated reasoning”, Psychological Bulletin, 108(3), pp.480-498.
[12] R.S. Nickerson (1998), “Confirmation bias: a ubiquitous phenomenon in many guises”, Review of General Psychology, 2(2), pp.175-220.
[13] Mohrman S. Albers, et al. (2001), “Doing research that is useful to practice a model and empirical exploration”, Academy of Management Journal, 44(2), pp.357-375.
[14] R.M. Ryan, E.L. Deci (2000b), “Intrinsic and extrinsic motivations: classic definitions and new directions”, Contemporary Educational Psychology, 25, pp.54-67.
[15] R.M. Ryan, J.P. Connell (1989), “Perceived locus of causality and internalization: examining reasons for acting in two domains”, Journal of Personality and Social Psychology, 57(5), pp.749-761.