Xu hướng tất yếu và vai trò quan trọng
Tại các buổi tọa đàm, các đại biểu đều có chung một nhận định, chúng ta đang ở trong một thời đại mà mô hình kinh doanh trên nền tảng số đang chiếm lĩnh và dần thay thế mô hình truyền thống. Các mô hình nền tảng chiếm ưu thế nhờ hai lợi thế nổi bật: (i) Chi phí cận biên gần như bằng không trong sản xuất và phân phối; (ii) Giá trị được tạo ra từ hiệu ứng mạng tích cực khi gia tăng sản xuất sẽ dẫn đến tiêu thụ nhiều hơn và ngược lại. Trên thực tế, hàng loạt ông lớn như Facebook, Google, AirBnB, Uber, Youtube, Amazon… đã tạo được những thành tựu đột phá nhờ những lợi thế trên, nhưng liệu rằng những doanh nghiệp nền tảng như vậy có thực sự mang lại sự thịnh vượng cho các quốc gia?
Các chuyên gia đã dẫn ra các nghiên cứu có liên quan để khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế nền tảng số, nó đóng góp đáng kể cho tăng trưởng GDP. Theo Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, việc thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0 ở cả 3 mức: thấp, trung và cao có thể thúc đẩy kinh tế tăng trưởng từ 28,5-62,1 tỷ USD, tương đương 7-16% GDP đến năm 2030. Tương tự như vậy, Cameron và cộng sự (2019) dự báo nếu kịch bản tốt nhất xảy ra - Việt Nam thực hiện chuyển đổi số rộng khắp trên các ngành và xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), GDP có thể tăng thêm 3.750 nghìn tỷ đồng trong 20 năm tới, tăng trưởng thêm 1,3% mỗi năm. Trong đó, kinh tế nền tảng số đóng vai trò không nhỏ. Mặc dù vậy, việc đánh giá tác động của kinh tế nền tảng số đến tăng trưởng không hề đơn giản, bởi lẽ tiềm ẩn nhiều thành phần kinh tế phi chính thức, kinh tế ngầm tại các nền tảng số.
Ngoài đóng góp cho tăng trưởng của GDP, kinh tế nền tảng số có vai trò quan trọng như: tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, phát triển và quản lý nguồn nhân lực, phát triển các thị trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…
Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
Môi trường kinh doanh bị chi phối bởi các yếu tố liên quan đến thể chế, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, và tính ổn định của kinh tế vĩ mô. Bản thân các nền tảng số đã góp một phần quan trọng vào việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là các nền tảng trong cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin như các ứng dụng về bản đồ, các platform thiết kế website... Xa hơn nữa, “các chính phủ cũng có thể trở thành một nền tảng” để tạo ra một thể chế thuận lợi và ưu việt hơn. Một ví dụ hàng đầu là chính sách “dữ liệu mở” của thành phố San Francisco khởi xướng từ năm 2009: Văn phòng thị trưởng về đổi mới công dân, được thiết kế để xúc tiến việc chia sẻ dữ liệu của thành phố thông qua một cổng truy cập mở (DataS), đã tạo ra quan hệ hợp tác công tư để tạo điều kiện cho sự phát triển của công cụ mà người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng. Bằng cách sử dụng thông tin từ DataS, hàng loạt ứng dụng được ra mắt như Neighborhood Score cung cấp số liệu về sức khỏe, Buildingeye cho phép người dùng dễ dàng xây dựng và lập kế hoạch dự án, Yelp một nền tảng giúp đánh giá nhà hàng kết hợp với điểm số đánh giá của Sở Y tế đối với các món ăn địa phương...
Phát triển và quản lý nguồn nhân lực
Bên cạnh các hoạt động giao dịch, các nền tảng cũng là nơi thích hợp để diễn ra các hoạt động giáo dục, đào tạo, trao đổi kiến thức, kỹ năng. Một số nền tảng nổi bật trong lĩnh vực này của Việt Nam như Topica, Edumall, Kyna, Học mãi... đang phát triển nhanh chóng. Theo nghiên cứu của Ambient Insight (một tổ chức nghiên cứu thị trường của Mỹ), Việt Nam hiện nằm trong top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng E-learning lớn nhất thế giới với tỷ lệ tăng trưởng 44,3% trong năm 2018.
Mặt khác, các nền tảng còn có khả năng tạo ra cuộc cách mạng lao động, khi mà xu hướng làm việc tự do, tự chủ và lao động theo con đường phi truyền thống sẽ tiếp tục tăng tốc. Hiện chưa có thống kê về số lao động làm việc trong các nền tảng số tại Việt Nam. Tuy nhiên ở một số nước khác, con số này là không hề nhỏ. Theo tạp chí Foreign Policy của Mỹ, Trung Quốc có nền kinh tế nền tảng số lớn nhất thế giới với hơn 110 triệu người, bao gồm cả tài xế, người trông giữ thú cưng, người dọn dẹp nhà cửa, người đưa thư..., chiếm 15% tổng lực lượng lao động (con số này ở Mỹ là 10% và ở Anh là 4,4%). Có thể thấy nền tảng số đóng vai trò nhất định trong giải quyết thất nghiệp và thiếu việc làm, thông qua đó cải thiện kỹ năng của những người lao động, giúp họ thích ứng với công nghệ hơn.
Phát triển các thị trường
Các nền tảng số như cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hệ sinh thái của các tác nhân xã hội sẽ tiếp tục làm thay đổi toàn bộ các ngành công nghiệp. Bất kỳ một ngành công nghiệp hay thị trường nào trong tương lai đều có thể hình thành các nền tảng hoạt động trong nó. Với kinh tế nền tảng số, ở hiện tại, các ngành như E-commerce, Fintech, E-learning đang phát triển nở rộ cùng một loạt các nền tảng tiên phong (như Amazon, Uber, Airbnb...).
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Các không gian trên nền tảng số cho phép người sử dụng, những khách hàng cải tiến đáng kể về hiệu suất, khả năng đổi mới sáng tạo. Khác với cách tiếp cận công cụ tạo ra nguồn cung, cách tiếp cận nền tảng số phát hiện ra nguồn cung cấp mới. Chẳng hạn như Twitter, Facebook cho phép bất cứ ai đều có thể trở thành một nguồn tin tức mà không cần phải trở thành một nhà báo. YouTube tăng kho nội dung mà không cần thiết lập nhà truyền thông mới. ELance cho phép các công ty hoàn thành công việc mà không phải thuê người làm công việc này. Chính sự sáng tạo của các nền tảng số trong cách tiếp cận kinh doanh đang cổ vũ những đổi mới sáng tạo ở người dùng.
Cần một khuôn khổ pháp lý phù hợp
Các nền tảng số đã đặt nền móng cho những thành công đột phá của nhiều tên tuổi lớn như Google, Amazon, Uber, Airbnb hay eBay... Và hơn thế nữa, một loạt các hoạt động kinh tế - xã hội, từ giáo dục, chăm sóc y tế đến quản lý nhà nước cũng từng bước biến đổi. Uber - một trong những hãng đi tiên phong của kinh tế nền tảng số đã từng khiến người lao động, chủ hãng taxi truyền thống biểu tình hàng dài trên các đường phố của London, Berlin, Paris và sang cả bờ kia của Đại Tây Dương tại San Francisco hay New York. Rõ ràng, các nước ở châu Âu, Mỹ đã tiếp cận với các nền tảng số từ rất sớm, nhưng ngay cả những nhà hoạch định chính sách ở các nước này cũng phải đối mặt với không ít thử thách, đặc biệt là những hình thái công việc, mô hình kinh doanh mới, hoàn toàn khác biệt với truyền thống. Những biến động như vậy đã, đang và sẽ còn diễn ra trên nhiều quốc gia, các nền tảng số càng thâm nhập sâu vào đời sống, kinh tế, trong khi các chính phủ vẫn đang loay hoay với việc áp dụng hệ thống luật pháp cũ trên những hình thái kinh tế mới.
Tại các buổi tọa đàm, các chuyên gia khẳng định, Việt Nam cũng không phải một ngoại lệ, cũng phải đối mặt với các thách thức mà các nước đi trước ở châu Âu và Mỹ đang gặp phải. Câu chuyện nảy sinh khi taxi công nghệ bắt đầu từ năm 2014 ở Việt Nam và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chính thức có hiệu lực từ 1/4/2020 để góp phần điều chỉnh loại hình kinh doanh vận tải mới này. Nhưng liệu đó đã phải là hướng đi đúng đắn nhất để đón nhận những sự thay đổi tất yếu của kinh tế hay chưa, và bài học nào cho việc xây dựng khuôn khổ pháp lý để thích nghi với kinh tế nền tảng số trong mọi lĩnh vực.
Trên góc độ pháp lý và lý thuyết kinh tế học, các chuyên gia cho rằng, việc cố gắng điều chỉnh hành vi của Grab, Be giống như VinaSun hay Mai Linh hiển nhiên là không hợp lý vì Grab, Be không cố định giá và số lượng lao động trong ngắn hạn, Airbnb cũng không thể bị quản lý như các dịch vụ lưu trú vì thực tế họ không sở hữu bất kỳ một cơ sở lưu trú nào, Tiki hoạt động hiệu quả hơn một “siêu bách hoá tổng hợp” mặc dù họ chỉ sở hữu một lượng hàng hoá rất nhỏ trong đó. Tương tự như vậy, một số nền tảng số cũng đang hoạt động dưới hình thức trung gian kết nối dựa trên nguồn lực về công nghệ chứ không thực sự sở hữu tài sản cố định tham gia vào các hợp đồng. Vậy nên câu hỏi đặt ra là, nếu hàng hoá/dịch vụ có vấn đề thì ai là người chịu trách nhiệm; ai là người nộp thuế và cấu trúc như thế nào? Cơ quan nào điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp? Bộ Thông tin và Truyền thông liệu có liên quan? Tất cả các vấn đề này đều không thể giải quyết bằng hệ thống luật pháp hiện tại bởi định danh của các chủ thể chưa được làm rõ.
Các chuyên gia tại tọa đàm đã dẫn nghiên cứu của Parker và cộng sự: khác với mô hình đường ống của kinh tế truyền thống, kinh tế nền tảng số kết nối người có nguồn lực và người sử dụng nguồn lực trên mặt phẳng nên tư duy quản lý một mô hình kinh doanh trên nền tảng theo một ngành nghề, lĩnh vực sẽ là không hợp lý. Để dễ hiểu hơn, các chuyên gia lấy một ví dụ về việc lưu trữ và phân tích các khai báo y tế của người dân trong đợt dịch COVID-19 phần lớn sẽ thuộc vào trách nhiệm của Bộ Y tế và Cục Xuất nhập cảnh nếu mọi thủ tục được thực hiện từng bước qua giấy tờ như đợt dịch SARS năm 2002-2003, nhưng nếu khi đã sử dụng nền tảng số để người dân tự khai báo trên quy mô lớn thì việc bảo mật thông tin, vận hành hệ thống, phân tích dữ liệu chắc chắn cần sự tham gia của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị cung cấp nền tảng như Viettel, DTT, VNPT... Nghiên cứu của Alain và Wouter (2019) cũng cho rằng, một loạt các điều luật cần được bổ sung để điều chỉnh các hoạt động kinh tế trên nền tảng số, trong đó cơ bản là các luật liên quan đến cạnh tranh, bảo vệ dữ liệu cá nhân và thuế.
Vậy nên, việc điều hành các nền tảng kinh tế số đòi hỏi các nhà quản lý tư duy bao quát trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ thông tin để nhận định đúng về các chủ thể và chức năng trong nền tảng số.
Lời khuyên từ các chuyên gia
Sự tồn tại của các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số thực sự là thách thức đối với mô hình truyền thống, đòi hỏi nhà quản lý phải đưa ra chọn lựa của mình. Các chuyên gia đưa ra dẫn chứng về thực tiễn cạnh tranh trong đợt dịch COVID-19, nó có thể là một trải nghiệm để nhà hoạch định tham khảo. Trong khi các mô hình truyền thống gần như bị đóng băng do các cú sốc cung, sự biến động của cầu, sự xuống dốc của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc… thì một loạt các doanh nghiệp thương mại điện tử lại đang không ngừng kiếm lời: Amazon dự tính tuyển thêm hơn 100.000 công nhân để tham gia đóng gói sản phẩm, doanh số bán hàng online của một số siêu thị tại Hà Nội ước tính cũng tăng thêm 20%. Các nền tảng kinh tế giảm thiểu tối đa chi phí mặt bằng, hàng tồn kho (những vấn đề lớn của các doanh nghiệp hiện nay) và phát triển như một xu thế của kinh tế thế giới. Nếu không tồn tại những sàn giao dịch điện tử như Tiki, Lazada… hoặc các kênh phân phối online thì có lẽ sẽ có nhiều hơn 3.000 doanh nghiệp đóng cửa trên địa bàn Hà Nội.
Với những lập luận của mình, các chuyên gia tại buổi tọa đàm đưa ra khuyến cáo, trong thời điểm này, các doanh nghiệp cần tham gia chuyển đổi số và mở rộng sân chơi cho các nền tảng kinh tế số để đẩy nhanh luồng lưu thông hàng hoá và dịch vụ trong thị trường tự do. Điều này vừa có lợi cho doanh nghiệp, vừa khắc phục được những khó khăn trong đợt dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp.